Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị tướng đi suốt cuộc trường chinh

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã chia sẻ về Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện "dù ở cương vị nào cũng là tấm gương đoàn kết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng chí, đồng đội tin yêu".

Sách "Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Người đi suốt cuộc trường chinh" ra mắt nhân dịp 100 năm ngày sinh của ông. Ảnh: NXB Tổng hợp TP.HCM.

Ngày 20/10, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện (20/10/1922-20/10/2022), tác phẩm Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện - Người đi suốt cuộc trường chinh được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành.

Qua tác phẩm dày dặn gần 700 trang này, cuộc đời và nhân cách, đóng góp của "Vị tướng Chính ủy" Hoàng Thế Thiện được đồng chí, người thân và các nhà khoa học quân sự đánh giá cao.

Trong cuộc đời binh nghiệp của mình, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện đã tham gia những sự kiện lịch sử quan trọng của Tổ quốc trong thế kỷ XX. Ở tuổi đôi mươi, Hoàng Thế Thiện hoạt động cách mạng bí mật tại Hải Phòng trong phong trào Truyền bá quốc ngữ, xây dựng Đoàn Thanh niên cứu quốc của Việt Minh tại Hải Phòng...

21 tuổi, chàng trai trẻ có tên thật Lưu Văn Thi phải trải qua các nhà lao của thực dân Pháp ở Hỏa Lò, Sơn La trước khi vượt ngục tiếp tục hoạt động tháng 3/1945. Cách mạng Tháng tám năm 1945, Hoàng Thế Thiện tham gia lãnh đạo đoàn biểu tình vũ trang thị uy hơn 5.000 người tại thị xã Thái Nguyên ngày 19/8 góp phần giải phóng Thái Nguyên.

Khi đất nước bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ, nhà cách mạng Hoàng Thế Thiện kinh qua nhiều vị trí khác nhau, đóng góp vào sự nghiệp chống kẻ thù chung. Trong đó có những dấu ấn riêng: Trưởng đoàn cán bộ quân sự Trung ương tăng cường cho chiến trường Nam Bộ, Nam tiến lần thứ nhất; Ủy viên Ban Tuyên huấn và Ủy viên Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (kháng chiến chống Pháp).

Ông cũng vượt đường Hồ Chí Minh trên biển trở lại chiến trường miền Nam trên con tàu không số, Nam tiến lần thứ hai; Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn; trở lại chiến trường chiến trường B2 (Nam Bộ), Nam tiến lần thứ ba; tham gia chỉ huy chiến dịch tiến công Xuân Lộc (kháng chiến chống Mỹ).

Đất nước hòa bình, thống nhất, năm 1977, ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Thời gian 1978-1982, Hoàng Thế Thiện tham gia nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia.

Hoàn thành nhiệm vụ quốc tế, về nước, ông chuyển sang công tác dân sự, kinh qua các vị trí Thứ trưởng thứ nhất Bộ Thương binh và Xã hội, Thứ trưởng thường trực đầu tiên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ông là người có công lớn trong việc thành lập làng trẻ em SOS Việt Nam.

Thieu tuong Hoang The Thien anh 1

Đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM và NXB Tổng hợp TP.HCM trao tặng sách cho đại diện gia đình Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện. Ảnh: Minh Hiệp.

Ở góc độ quân sự, Đại tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh kiêm Chính ủy Mặt trận B3 (Tây Nguyên) đã chia sẻ về người đồng chí cùng tham gia chiến đấu với mình: "Anh đúng là một tấm gương trung kiên, sôi nổi đối với sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Tổ quốc và nhân dân ta".

Là "Vị tướng Chính ủy", nhưng trong mắt bạn bè quân đội, Hoàng Thế Thiện còn là một trường hợp hiếm khi chú ý đến quân sự và nghiên cứu tình hình địch, được Thượng tướng, GS Hoàng Minh Thảo nhận định là người không chỉ có tài năng, đức độ, tính tình cởi mở, thân ái, mà còn có "kinh nghiệm về công tác chính trị, có kiến thức quân sự và có lý luận".

Trong khi đó, ấn tượng về người hàng xóm, đồng đội của ba mình, nhà báo Nguyễn Thế Thanh (con Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thế Truyện) nhớ về tướng Hoàng Thế Thiện là người ấm áp, bình dị và thân tình dù bước chân ông đã đi gần khắp các mặt trận nóng bỏng ở Đường 9 - Nam Lào, Tây Nguyên với những chiến công hiển hách trong lịch sử quân sự Việt Nam thời hiện đại.

Nhớ về người cha thân yêu của mình, người con Hoàng Anh Thi vẫn còn đó những kỷ niệm gia đình về người cha ấm áp tình cảm, dạy con cái nghiêm khắc, sống không quan cách, cầu kỳ, luôn khiêm tốn trong mọi việc qua bài "Những mảnh ký ức về bố Thiện của tôi".

Khánh thành Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Đắk Lắk

Nhà tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp được khánh thành để tỏ lòng tôn kính đối với công lao to lớn của ông, đồng thời để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Hồi ức của các vị tướng về ngày thống nhất

Qua trang hồi ức của các vị tướng như Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Hoàng Đan, chiến dịch mùa xuân năm 1975, ngày thống nhất đất nước hiện lên rõ nét.

Trần B.A

Bạn có thể quan tâm