Ấn phẩm Truyện dân gian Do Thái do dịch giả Nguyễn Ước tuyển dịch. Ảnh: Thanh Trần. |
“Người ta thường nói nếu không làm bật lên tiếng cười thì không là truyện dân gian; nhưng với truyện của người Do Thái, khi tiếng cười lắng xuống, nó còn để lại đám mây lãng đãng trên tâm hồn người thưởng ngoạn”, dịch giả Nguyễn Ước, người tuyển dịch Truyện dân gian Do Thái nhận xét.
Theo ông, đó là vì mục đích chính của tác giả nguyên thủy hay người kể lại thường không chỉ nhằm tiêu khiển, mà còn để giảng huấn, tiếp sức cho một dân tộc tồn tại trong hoàn cảnh bi thương nhất. Gần như không có truyện nào trong kho tàng truyện dân gian Do Thái mà lại thiếu một vài câu rao giảng.
Những câu chuyện theo chân người lưu vong
Là một dân tộc có từ thời cổ đại, cho đến nay đã tồn tại được khoảng 4.000 năm lịch sử, trớ trêu thay dân tộc Do Thái chỉ có hai giai đoạn hoàng kim tổng cộng được khoảng 160 năm. Một là dưới thời David - Solomon (1010-931 TCN). Hai là dưới triều đại Hasmonea (140-63 TCN).
Phần còn lại của lịch sử Do Thái là chiến tranh, chia cắt, bị đô hộ, sách nhiễu, giết chóc và cuối cùng là số phận bị lưu đày, lang thang khắp thế giới kể từ khi Đền thờ Jerusalem bị san bằng vào năm 70.
Trong hàng nghìn năm, người Do Thái lưu lạc thành những nhóm thiểu số. Nhưng Do Thái là một dân tộc đặc biệt, trong khi vừa phải kiếm sống tha hương, vừa trốn chạy khỏi kẻ thù, dân tộc chịu đau khổ ấy vẫn giữ gìn phát triển được một truyền thống trào phúng theo chân mình trên mọi nẻo đường.
Trong thời gian bị trục xuất phải lưu lạc khắp nơi, người Do Thái vẫn luôn giữ gìn bản sắc văn hóa. Họ kể cho nhau những câu chuyện từ xưa, về Thiên Chúa và những vị vua khôn ngoan. Song, do phải mưu sinh và chạy trốn, những nhóm người đồng hương thường xuyên phải tách ra, hòa vào vùng đất mới để tiếp tục sinh tồn. Những câu chuyện theo chân họ vì thế thường có nhiều phiên bản và pha thêm màu sắc của vùng đất nơi họ trú ngụ.
Khi Israel được thành lập, những người Do Thái khắp nơi trở về mang theo những câu chuyện, có truyện lên tới 20 dị bản do quá trình truyền miệng trong tình cảnh lưu lạc. Nhưng dù thế nào đi nữa, có một điều chắc chắn là tại những thành phố lớn đông người Do Thái sinh sống, luôn có một bộ phận sưu tập và tàng trữ truyện dân gian.
Một tình nguyện viên đang ghi lại câu chuyện do người Do Thái di dân kể lại tại Jordan năm 1970. Nguồn: Cơ quan Lưu trữ Truyện dân gian Israel |
Món ăn tinh thần của người Do Thái
Vì sao người Do Thái trong thời gian lưu vong không chỉ mang theo các câu chuyện dân gian, mà còn không ngừng sáng tạo thêm như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Tiếng cười của họ xuất phát từ đâu?
Dịch giả Nguyễn Ước dẫn lập luận của Eva Tal trong cuốn Double Crossing (Gạch chéo, 2009). Ở đó bà liệt kê ra những nguyên nhân: Thứ nhất, trong Kinh thánh của người Do Thái cũng chứa đựng những ví dụ mang tính trào phúng và mỉa mai. Thứ hai, hệ thống lập luận mang tính trí tuệ vốn phát triển trong sách Talmud khi nó lên tới cực điểm thì có thể đạt tới mức khôi hài và trở thành đối tượng thích hợp để châm biếm, trào phúng.
Các cộng đồng Do Thái bị cô lập ở châu Âu nên họ thường ấp ủ một truyền thống mang tính bình đẳng chủ nghĩa, cho phép chế nhạo người có của cải hay có quyền lực và sử dụng hài hước như một cách tự trào.
Một loạt ấn phẩm được tổng hợp lại từ các câu chuyện kể. Nguồn: Cơ quan Lưu trữ Truyện dân gian Israel. |
Vào năm 1955, Cơ quan Lưu trữ Truyện dân gian Israel đã được GS Doy Noy thành lập tại Tel Aviv, hiện đã sưu tập được hơn 24.000 truyện dân gian từ các cộng đồng sắc tộc khác nhau tại Israel. Đây là một bộ sưu tập độc đáo, phong phú dựa trên những câu chuyện truyền miệng của người Do Thái và các câu chuyện dân gian của Israel.
Tất cả được thu thập từ hơn 5.000 người kể chuyện của 70 nhóm dân tộc ở một số ngôn ngữ, với các tài liệu có niên đại từ năm 1956 đến năm 1999. Tuy là bộ sưu tập truyện dân gian của Israel nhưng nó cũng bao gồm các đặc điểm cơ bản của các nền văn hóa khác nhau, bao gồm phong tục, tín ngưỡng, chuẩn mực và giá trị của những người nhập cư Do Thái từ khắp nơi trên thế giới.
Việc sưu tập lại các truyện dân gian được Unesco đánh giá là một cố gắng giải cứu di sản văn hóa của các cộng đồng Do Thái bị mất trong Holocaust. Rất nhiều câu chuyện bắt nguồn từ những vùng chiến sự như Iraq, Yemen hay Afghanistan... Đây có thể là nguồn duy nhất lưu giữ văn hóa dân gian của những vùng đau khổ này.