Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương đã trở thành cuốn sách giáo dục con thu hút sự chú ý của phụ huynh. Với triết lý giáo dục “tàn nhẫn nhưng yêu thương”, tác giả Sara Imes đã truyền cảm hứng đến hàng triệu cha mẹ.
Được sự đồng ý của alphabooks, Zing xin trích đăng một phần nội dung cuốn sách.
Cha từng nói: “Nếu là trước đây, chắc chắn cha sẽ cho con học chơi đàn piano, nhưng giờ chúng ta là người tị nạn Do Thái… Con có thể không học piano, nhưng không thể không học cách làm người”. Giờ đây hồi tưởng lại, trong những ngày tháng hai cha con sống cùng nhau, hầu như những điều ông nói ra đều là những đạo lý hữu ích, dạy tôi nên người.
Một lần nọ, ông nói: “Ở Trung Quốc, chúng ta là người nước ngoài, bất cứ chuyện gì cũng phải biết khiêm nhường, giữ lễ”. Khi còn nhỏ, tôi thường chơi nhảy dây cùng bạn bè. Ông dặn dò tôi rất kỹ: dây cao su dễ bị đứt, con không nên lấy dây của bạn để chơi, mà hãy dùng dây của mình, ngoài ra phải chan hòa với các bạn. Điều mà cha dạy tôi ở đây chính là đạo lý “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.
Còn nhớ khi tôi 10 tuổi, bác đầu bếp ở tầng dưới thường làm bánh cuộn cho mọi người ăn, nhưng đến lượt tôi thì chỉ nhận được toàn là phần bánh ở góc, tôi thấy hơi chạnh lòng. Biết tôi không vui, cha bèn nhẹ nhàng giảng giải: “Con gái à, đây là thứ người khác cho con, không phải thứ mà con tự tay làm ra. Con chẳng có lựa chọn nào khác, thế nên đừng yêu cầu gì ở họ”.
Trong quá trình trưởng thành của tôi, cha luôn đặt việc giáo dục nhân cách lên hàng đầu. Ông từng viết những từ sau trong cuốn sổ tặng tôi: bác ái, cảm ơn, thành tín, nhẫn nại, lạc quan. Và sau tất cả những chữ này, ông mới viết đến hai chữ “tri thức”. Ý nghĩa của điều này, có lẽ không cần nói thì các bạn cũng hiểu.
Lời nói và việc làm không được tùy tiện
Khi tôi còn nhỏ, cha trông nom tôi rất nghiêm và đưa ra kha khá “lệnh cấm”. Ví dụ, không được phép đi bơi, không được phép mặc đồ bơi. Cách quản giáo của người Do Thái đối với con gái là: quần áo không được phép để lộ cánh tay và gấu váy ít nhất phải dài qua đầu gối, vì vậy, đối với ông, mặc áo tắm là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Do đó, tôi không được học bơi khi còn nhỏ và đến tận bây giờ cũng chưa biết bơi.
Ngoài ra là những quy tắc như khi ăn không được phát thành tiếng, không được nói năng ầm ĩ. Khi trò chuyện chỉ nên nói đủ để bản thân và đối phương nghe thấy, không nên để người thứ ba biết mình đang nói những gì. Để người thứ ba nghe thấy giọng nói của mình tức là bất lịch sự với họ. Ngoài ra, không được phép tùy tiện động chân động tay, một người con gái được nuôi dạy đàng hoàng sẽ không bao giờ tùy tiện đụng chạm vào người khác.
Ở trường, dù là người nước ngoài duy nhất, nhưng tôi cũng được giáo dục như các học sinh Trung Quốc khác. Cha đã nhiều lần nhắc tôi phải tuân thủ các quy định trong trường như học sinh bản địa. Lớn lên, tôi ngày càng ưa nhìn với những đốm tàn nhang nhỏ trên mặt, hàng mi cong vút và làn da trắng ngần, vì thế nỗi lo lắng của cha còn lớn hơn.
Ông luôn nhắc nhở tôi: chúng ta đang ở nơi đất khách quê người, nhất định phải cẩn trọng từng lời ăn tiếng nói và hành động cử chỉ, gặp bất cứ chuyện gì cũng phải biết khiêm nhường, giữ lễ với người khác. Có lẽ điều này liên quan đến những trải nghiệm trong quá khứ của dân tộc Do Thái, lúc nào họ cũng phải giữ lại một chút thận trọng. Nhưng đây chính là đặc điểm của người Do Thái: thông minh, cảnh giác cao, luôn nghiêm cẩn giữ mình khi sống nơi đất khách quê người.
Cần tránh khẩu nghiệp
Cha từng kể tôi nghe câu chuyện này. Một con gấu bị thương nặng trong trận chiến với đồng loại, nó tìm đến căn nhà gỗ của người gác rừng để xin giúp đỡ. Người gác rừng thấy nó đáng thương, bèn cho nó ở lại. Buổi tối, người gác rừng kiên nhẫn lau rửa và băng bó vết thương cho gấu, không những vậy còn chuẩn bị một bữa tối ngon lành cho nó ăn; tất cả những điều đó khiến gấu hết sức cảm động.
Khi đến giờ đi ngủ, do chỉ có một chiếc giường nên người gác rừng bảo gấu lên ngủ chung với mình. Nhưng lúc gấu chui vào trong chăn, một mùi hôi hám xộc thẳng vào mũi người gác rừng làm ông thất kinh: “Trời ạ! Ta chưa bao giờ ngửi thấy mùi nào kinh khủng đến vậy, ngươi đúng là con gấu hôi nhất thế gian này!”.
Gấu chẳng nói chẳng rằng, sau đó cũng chẳng thể nào chợp mắt, miễn cưỡng chờ đến khi trời sáng thì cảm tạ người gác rừng và bỏ đi. Nhiều năm sau, trong một lần tình cờ gặp lại, người gác rừng hỏi gấu: “Vết thương năm đó giờ đã lành chưa?” Gấu đáp lời: “Vết thương ngoài da thịt thì tôi đã quên từ lâu, nhưng vết thương trong lòng thì mãi mãi chẳng thể lành!”
Đồng thời, ông còn nhắc đến câu thành ngữ “ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn” (lời ác lạnh người sáu tháng ròng) và giải thích rằng: “Truyền thống của người Á Đông là làm việc gì cũng phải tính đường lùi cho người khác, như vậy sau này mới có thể gặp lại họ.” Cha dạy tôi phải nói năng cẩn thận và luôn cố gắng bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp cho tôi, bởi ông hy vọng khi bước ra ngoài xã hội, tôi sẽ không bị thiệt thòi, mong tôi có thể dễ dàng tự lập.
Những ngôn ngữ tục tĩu, thô thiển không bao giờ xuất hiện trong phạm trù của tôi, từ nhỏ tôi đã bồi dưỡng được thói quen này. Tương tự như vậy, tôi cũng dạy bảo ba đứa con mình: tuyệt đối không được tùy tiện làm mất lòng người khác, không được ăn nói trước sau bất nhất, bàn chuyện thị phi và chê cười khuyết điểm của người khác.
“Làm người phải luôn chừa một đường lùi cho người khác, cho dù bản thân đúng đắn mười phần, cũng phải để lại ba phần thể diện cho người khác” - đây là lời dạy của cha khi tôi còn nhỏ. Cha thường nói rằng, trước kia người Do Thái không có đất nước của riêng mình, phải ngụ cư trên đất đai của người khác, thế nên làm bất cứ điều gì cũng không được quá đà, phải chừa lại đường lùi cho họ.