Trong bóng đá, việc hai đội bất phân thắng bại và phải giải quyết bằng loạt sút luân lưu định mệnh là kịch bản dễ xảy ra ở các vòng knockout với đủ 120 phút.
Dù không đội nào muốn phải kết thúc giấc mơ chỉ bằng một cú sút 11 m, nhiều huấn luyện viên thận trọng sẽ yêu cầu học trò bảo toàn tỷ số nếu không có nhiều cơ hội chiến thắng trong thời gian thi đấu chính thức.
Dù được xem như trò chơi may rủi, dưới góc độ khoa học và công nghệ dữ liệu, các đội bóng hoàn toàn có thể cải thiện rõ rệt tỷ lệ chiến thắng trên chấm 11 m nhờ khâu chuẩn bị.
Càng đơn giản càng hiệu quả
Không cần phải quá chỉn chu, thực tế cách tiếp cận quả bóng càng đơn giản, xác suất thành công càng cao khi đá luân lưu.
Ví dụ điển hình nhất về kỹ năng sút phạt đền hoàn hảo có thể kể đến Mile Jedinak của tuyển Australia với tỷ lệ sút phạt đền thành công tuyệt đối trong sự nghiệp (16/16 quả), trong đó có 3 bàn tại các trận đấu ở World Cup.
Jedinak thường chạy đà ngắn và xác định sẵn góc sút trước khi vung chân. Đặc biệt, điều làm nên một chuyên gia sút phạt đền như Jedinak là khả năng sút bóng mạnh và cực kỳ chuẩn xác về cả hai phía của khung thành.
Tiếp cận quả bóng càng đơn giản, xác suất thành công càng cao khi đá luân lưu. Ảnh: Reuters. |
Điều này khiến các thủ môn cực kỳ khó "đọc" Jedinak khi đưa ra quyết định đổ người cản phá.
Mặc dù mỗi cầu thủ thường có phong cách riêng khi sút phạt đền, The Athletic nhận định rằng việc không nhất quán với hướng đá ban đầu, cố gắng thêm vào quá nhiều sự tinh tế hoặc chuyển động trong quá trình chạy đà thường khiến cầu thủ có khả năng đá hỏng cao.
Ví dụ điển hình nhất chính là thảm họa sút phạt đền của tiền đạo Simone Zaza tại tứ kết Euro 2016. Cầu thủ Italy tốn quá nhiều thời gian cho việc chạy đà, trước khi vung chân quá lực khiến bóng bay vọt xà.
Thảm họa sút phạt đền của tiền đạo Simone Zaza tại tứ kết Euro 2016. |
Marcus Rashford của tuyển Anh cũng mất đến 11 giây để chạy đà sau khi trọng tài thổi còi, nhưng vẫn sút trúng cột ở chung kết Euro 2020.
Lựa chọn người sút
Việc tập luyện kỹ lưỡng kỹ thuật sút cũng là một điều tốt, nhưng khi bước vào trận đấu, khía cạnh áp lực lại khủng khiếp hơn rất nhiều.
Qua 30 loạt đá luân lưu tại các kỳ World Cup, 279 quả phạt đền đã được thực hiện, trong đó có 196 quả được ghi, đồng nghĩa tỷ lệ chuyển hóa thành bàn thắng là 70%.
Đi sâu hơn vào phân tích, tỷ lệ đá thành công càng giảm xuống tỷ lệ thuận với thứ tự đá phạt đền. Đặc biệt từ loạt sút thứ 6 trở đi, xác suất chỉ còn là 50%.
Lựa chọn danh sách cầu thủ lãnh trách nhiệm đá phạt đền cũng là một thống kê thú vị. Người sút đầu tiên lý tưởng nhất vẫn là các đội trưởng, với tỷ lệ ghi bàn 25/31 quả, đạt tỷ lệ thành công 81%. Điều này cho thấy thủ lĩnh đội bóng có thể đối phó với áp lực tốt hơn hơn hầu hết cầu thủ trong đội.
Người sút đầu tiên lý tưởng nhất vẫn là các đội trưởng, với tỷ lệ ghi bàn 25/31 quả, đạt tỷ lệ thành công 81%. Ảnh: EPA. |
Nếu có một cầu thủ đã ghi bàn trong thời gian thi đấu chính thức, nhiều khả năng họ cũng sẽ ghi bàn trong loạt đá luân lưu, với 20/25 cầu thủ làm được điều này.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi các tiền đạo có tỷ lệ chuyển hóa tốt nhất. 76% các tiền đạo thực hiện quả phạt đền trong loạt luân lưu đã ghi bàn, so với 69% ở vị trí tiền vệ và 68% của hậu vệ.
Tâm lý
Điều tạo nên một quả phạt đền tốt trước hết phải nằm ở chính người sút. Tâm lý đóng vai trò then chốt khi bước lên chấm 11 m. Một chuyên gia sút phạt đền sẽ biết mình phải sút vào đâu và không bị sao nhãng cho đến khi bóng rời chân.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng một cầu thủ thực hiện quả phạt đền cần ngẩng đầu lên để theo dõi chuyển động của thủ môn và đánh lừa. Thực tế, những chuyên gia sút phạt đền như Jedinak hay Ronaldo không cần phải làm điều phức tạp ấy.
Thay vào đó, những cầu thủ này sẽ cúi mặt xuống đất và giữ sự tập trung tuyệt đối vào quả bóng. Điều này phần nào giúp người đá phạt đền giữ nguyên hướng đá ban đầu của mình.
Ronaldo thường cúi mặt xuống đất và giữ sự tập trung tuyệt đối vào quả bóng khi sút phạt đền. Ảnh: Reuters. |
Don Macpherson, nhà tâm lý học thể thao có tiếng ở Anh, đánh giá Cristiano Ronaldo là hình mẫu hoàn hảo để cải thiện khả năng sút 11 m. "Sút 11 m không giống như chơi xổ số. Đó là một cuộc chiến và bạn phải chuẩn bị cho cuộc chiến đó thật tốt", ông nói.
Góc sút "vàng"
Tại Olympic 2016, tuyển nữ Mỹ bất ngờ bị loại sau loạt sút luân lưu trong trận tứ kết với Thụy Điển, đối thủ bị đánh giá thấp hơn. Sau giải đấu, giới lãnh đạo bóng đá nữ Mỹ thề sẽ không bao giờ thua theo cách này nữa. Một đội ngũ các chuyên gia sau đó đã được tập hợp để thực hiện cách tiếp cận khoa học khi đá phạt đền.
Sau khi dữ liệu được thu thập, các nhà khoa học điều chỉnh một mô hình thống kê về xác suất ghi bàn theo từng góc sút.
Vùng màu xanh lá cây cho thấy khả năng ghi bàn cao (100% ở các góc trên cùng), trong khi màu xanh lam thấp hơn (50% bên trái hoặc bên phải thủ môn). Ảnh: Barca Innovation Hub. |
Kết quả cho thấy khu vực 1/3 góc trên cùng của khung thành cho xác suất ăn bàn lên đến mức tuyệt đối 100%. Từ đó có thể rút được kết luận nếu sút chuẩn xác vào đây, những quả phạt đền này sẽ hoàn hảo và không thể cản phá.
Alan Shearer, cựu danh thủ người Anh và cũng là một chuyên gia sút phạt đền với 56 lần thực hiện thành công ở Ngoại hạng Anh cũng ưa thích cách đá này.
"Góc sút ưa thích của tôi là nóc lưới bên phải thủ môn. Tôi luôn tin rằng nếu mình nhắm vào đó, với tốc độ như mong muốn thì thủ môn sẽ không bao giờ cản phá được”, Shearer nói với The Athletic.
Kết hợp với thống kê về các góc sút khó bị cản phá, tuyển nữ Mỹ còn được các chuyên gia khuyến khích loại bỏ suy nghĩ về thủ môn. Điều này khiến họ không nhất thiết phải sút thật mạnh các góc lưới, vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Khi đã đánh lừa thủ môn, hai góc dưới khung thành cũng là một sự lựa chọn không tồi và dường như cũng không thể bị cản phá.
“Quy tắc cơ bản là nếu thấy thủ môn di chuyển, chỉ cần sút bóng vào vị trí còn lại. Nếu thủ môn đứng yên, hãy sút càng mạnh càng tốt vào góc trên cùng hoặc các điểm xa nhất của khung thành”, nhà khoa học dữ liệu giấu tên của một đội tuyển quốc gia hàng đầu thế giới tiết lộ.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.