Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vị tổng thống tự tử vì cà phê

Sáng ngày 24/8/1954, Tổng thống Brazil - Getúlio Vargas, 71 tuổi - đã tự tử với một phát súng vào tim trong chính phòng ngủ của mình; số phận của ông dính chặt vào cà phê.

Hai tháng sau cuộc lật đổ Arbenz, một bi kịch khác trong việc chuyển giao quyền lực ở Mỹ Latinh xuất hiện ở Brazil.

Trong suốt nửa đầu của năm 1954, sự bùng nổ giá cà phê làm tinh thần người Brazil hăng hái, phấn chấn. Trong tháng 3, giới nhiều tiền lắm của ở Brazil mua hàng hóa của Mỹ tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 6, Getúlio Vargas tăng giá cà phê xuất khẩu tối thiểu từ 53 cent lên 87 cent một pound.

Sau đó, vào tháng 7, giá cà phê sụt giảm nhanh chóng. Lý do là trong nửa đầu năm 1954, các hãng rang xay cà phê lớn ở Mỹ - chẳng hạn như General Foods, Standard Brands, Hills Brothers, Folger's, A & P, Jewel đã mua rất nhiều cà phê, dựa trên dự đoán về sự thiếu hụt; các bà nội trợ Mỹ cũng hành động tương tự. Và kết quả là, thị trường Mỹ do dự với chuyện mua thêm cà phê ở mức giá cao khi họ đã có quá nhiều hàng tồn kho vào tháng 7.

Để hỗ trợ thị trường, chính phủ Brazil đã buộc phải mua một số lượng cà phê của chính mình. Vargas cử đại diện của mình yêu cầu một khoản vay từ Ngân hàng dự trữ Liên bang của New York nhằm trả các khoản nợ ngày càng tăng của đất nước, nhưng ngân hàng này từ chối.

Lạm phát ở Brazil đe dọa sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, giá trị trên thị trường tự do của đồng cruzeiro đã đạt đến ngưỡng 60 đổi một đôla Mỹ, gây áp lực ngày càng tăng lên Vargas, buộc ông phải chính thức phá giá đồng tiền.

Chi phí nhập khẩu lớn nhất của Brazil là dầu nhiên liệu; đất nước sẽ cần khoảng 200 triệu đôla nhập khẩu dầu trong sáu tháng tới, ngay cả khi tính theo tỷ giá hối đoái thấp. Brazil có khá nhiều trữ lượng dầu thô, nhưng Vargas quyết tâm không cho phép các công ty Mỹ đến phát triển và khai thác tài nguyên đất nước của ông.

Năm trước đó, ông nêu cao khẩu hiệu “O petróleo é nosso!” (“Dầu mỏ là của chúng ta!”) và gây dựng Petrobras, một công ty thăm dò dầu khí độc quyền nhà nước.

Trong những ngày cuối tuần, ngày 14-15/8, Vargas đã cố gắng thực thi một biện pháp tạm thời, khi một số hãng rang xay Mỹ cắt giảm giá bán xuống 10 cent một pound. Chính phủ Brazil cho phép các nhà xuất khẩu cà phê đổi 20% số đôla họ thu được theo tỷ giá tự do, để làm giảm tỷ giá xuất khẩu tối thiểu 20 cent và cũng phá giả tiền tệ một cách không chính thức. Tuần sau đó, ngành cà phê của Mỹ giảm giá, nhiều nhất là 18 cent một pound.

Khi nền kinh tế Brazil rơi vào hỗn loạn, một cuộc khủng hoảng chính trị cũng nhằm vào Vargas. Kể từ cuộc bầu cử năm 1951, những người phản đối đã chê bai Vargas vì thiên về chủ nghĩa dân kiểm và ủng hộ quyền lao động.

Vào ngày 5/8, một âm mưu ám sát Carlos Lacerda - biên tập viên của tờ báo cảnh hữu Tribuna da Imprensa và một trong những người luôn lớn tiếng chỉ trích Vargas - đã thất bại. Lacerda đang ứng cử trong cuộc đua vào quốc hội với con trai Lutero của Vargas, và một cuộc điều tra sau đó đã chỉ ra mối liên kết giữa những kẻ ám sát với người đứng đầu đội bảo vệ cá nhân của tổng thống.

Những đòi hỏi buộc tội ngày càng gia tăng, cũng giống tình hình cà phê đang dần trở thành thảm họa. Sau một đêm mất ngủ, sáng ngày 24/8/1954, Getúlio Vargas, 71 tuổi, đã tự sát với một phát súng vào tim trong chính phòng ngủ của mình.

Ông viết trong lá thư tuyệt mệnh: “Sau nhiều thập niên chịu sự thống trị, cướp bóc của các nhóm kinh tế và tài chính quốc tế, tôi đã đặt bản thân mình vào vị trí lãnh đạo của cuộc cách mạng và đã chiến thắng”. Tuy nhiên, các nhóm quốc tế không được nêu tên đã cùng tham gia với kẻ thù trong nước của ông, cố gắng lật đổ chiến dịch nhằm tạo ra của cải và quyền tự chủ cho quốc gia của ông.

Khi nhậm chức vào năm 1951, ông đã phát biểu “lợi nhuận của các công ty nước ngoài đạt mức 500% mỗi năm”. Tạm thời cà phê được coi là cứu cánh.

“Cuộc khủng hoảng cà phê đã làm tăng giá trị món hàng chính yếu của quốc gia chúng ta... Chúng ta đã cố gắng để bảo vệ giá cà phê và nhận lại những áp lực dữ dội đối với nền kinh tế. Chúng ta đã buộc phải nhượng bộ... Chẳng còn gì nhiều để trao cho nhân dân trừ máu của chính tôi”. Và ông kết thúc thư tuyệt mệnh “tôi đã trao cho nhân dân cuộc sống của mình. Bây giờ tôi trao luôn cả cái chết của chính tôi. Tôi không còn sợ hãi gì nữa. Tôi bước đi bình thản tới cõi vĩnh hằng, bỏ lại cuộc sống để đi vào lịch sử".

hanh trinh ca phe anh 1

Chiếc áo ông Getúlio Vargas mặc khi tự tử, trên ngực có một lỗ đạn. Hiện vật được trưng bày tại một bảo tàng ở Rio de Janeiro. Ảnh: Aventure-se.

“Nhóm quốc tế" mà Vargas đề cập tới trong thư tuyệt mệnh, cho rằng họ là nguyên nhân cho cái chết của ông vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, người ta khó có thể đổ lỗi cho chứng hoang tưởng trong cái chết của Vargas, bởi ông chắc hẳn đã nhận ra vai trò của Mỹ trong việc truất quyền Arbenz ở Guatemala chỉ hai tháng trước đó.

Tuy nhiên, ông không thể buộc Mỹ chịu trách nhiệm cho việc giá cà phê sụt giảm. Cũng như các chính trị gia Mỹ không thể đổ lỗi cho âm mưu của Brazil đã làm giá cà phê tăng vọt. Trong cả hai trường hợp, giá thị trường đã phản ứng theo quy luật cung cầu, với một sự can thiệp nhỏ từ các nhà đầu cơ và sự hoảng sợ hay tức giận của người tiêu dùng.

Vargas đã chết trong bi thảm, số phận của ông dính chặt vào cà phê. Ông lên nắm quyền vào năm 1930 phần lớn là vì Brazil đang trong cuộc khủng hoảng kinh tế sau sự sụp đổ của giá cà phê. Một phần tư thế kỷ sau đó, ông tự kết liễu đời mình trong hoàn cảnh tương tự. Đời sống chính trị của ông và lịch sử của đất nước Brazil mà ông hằng yêu quý liên quan mật thiết đến cây và hạt cà phê.

Một nhà báo Mỹ viết vào tháng 10/1954: “Cà phê là một phần quan trọng của đời sống kinh tế Brazil, bởi cà phê gắn chặt với chính trị, không thể nào tách rời được. Nhiều người cảm thấy sự đầu hàng của Brazil trước giá cà phê là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc Tổng thống Vargas tự sát”.

Căng thẳng giữa Mỹ và Mỹ Latinh vẫn ở mức cao. Tại Mỹ Latinh, với tuổi thọ trung bình 47 tuổi, giá cà phê đồng nghĩa với sự sống hoặc cái chết.

Andrés Uribe viết trong cuốn sách Brown Gold (tạm dịch: Vàng nâu) của mình rằng: "Các cuộc bạo loạn và biểu tình chống Mỹ - vốn diễn ra một cách định kỳ, quét qua hết nước này đến nước khác trong 20 nước cộng hòa - không thực sự trút lòng thù hận lên Mỹ... Họ chỉ bày tỏ sự bực tức với người láng giềng tốt, khi họ cảm thấy Mỹ thờ ơ với những vấn đề cơ bản của họ". Sự bực tức sẽ tăng lên, do nguồn cung dư thừa trên toàn thế giới dẫn đến giá cà phê xuống thấp một cách thảm hại.

Hieu ve trai tim: The nao la tinh yeu? hinh anh

Hiểu về trái tim: Thế nào là tình yêu?

0

Tình yêu cũng như một loại cây xanh, nếu chúng ta không biết cách chăm sóc dưỡng nuôi, có khi là quá thừa hoặc có khi là quá thiếu, thì nó sẽ héo tàn và chết đi. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Mark Pendergrast / Thái Hà Books và NXB Lao Động

SÁCH HAY