Sau Tết, nhu cầu trở lại TP.HCM để học tập, làm việc vẫn còn rất lớn. Ảnh: VNA. |
Sau Tết, Hoàng Anh (28 tuổi) vẫn ở Hà Nội để chờ giá vé máy bay giảm rồi mới vào TP.HCM làm việc. Tuy nhiên sau một tuần, anh nhận thấy giá vẫn neo cao.
"Mọi năm, chỉ cần qua mùng 10 Tết là giá vé đã hạ nhiệt, chỉ còn khoảng 2 triệu đồng. Nhưng hiện tại giá máy bay vẫn ở mức cao nên tôi đành phải mua luôn, vì không thể trì hoãn công việc thêm được nữa", Hoàng Anh chia sẻ.
Vé đắt hơn cao điểm Tết
Theo khảo sát của Tri Thức - Znews, giá vé máy bay chặng Hà Nội - TP.HCM đến hết ngày 29/1 vẫn neo cao ở mức 3,5-4,5 triệu đồng/chiều của tất cả các hãng. Mức giá này thậm chí còn cao hơn cả trong giai đoạn cao điểm Tết.
Trong khi đó, chặng Hải Phòng - TP.HCM ngày 25/2 chỉ còn vé phổ thông trên 2 chuyến bay của Vietjet Air với giá khoảng 3,4 triệu đồng. Riêng Bamboo Airways và Vietnam Airlines chỉ còn vé hạng thương gia ở mức 6 triệu đồng/chiều.
Chặng Thanh Hoá - TP.HCM có khá nhiều chuyến bay song không còn vé giá rẻ. Vé một chiều của Vietjet Air và Vietnam Airlines đều ở mức 3,2-3,5 triệu đồng.
Tương tự, chặng Vinh - TP.HCM tìm "đỏ mắt" cũng không thấy vé giá rẻ.
Giá vé chặng Hà Nội - TP.HCM vẫn ở mức cao. Ảnh: Google Flight. |
Chặng Chu Lai - TP.HCM có phần căng thẳng hơn khi ngày 25/2 đã hết sạch vé. Những ngày sau đó, đường bay này chỉ còn vé hạng phổ thông của Vietjet Air với giá 1,8-2 triệu đồng/chiều hoặc vé thương gia của Vietnam Airlines với giá 4-5,5 triệu đồng/chiều.
Với chặng Đà Nẵng - TP.HCM, giá vé rẻ nhất đã là 2,3 triệu đồng của Vietjet Air. Nếu bay với Bamboo Airways hay Vietnam Airlines, khách hàng phải trả mức 4,3-4,5 triệu đồng.
Chặng Pleiku - TP.HCM cũng có ngày đã "cháy vé" vì chỉ có 3 chuyến bay của Vietnam Airlines và Vietjet Air. Giá vé ở mức 1,3-2,8 triệu đồng.
Bài toán của hãng bay
Nói với Tri Thức - ZNews về tình trạng này, lãnh đạo một hãng hàng không cho biết dù đã sau Tết nhưng nhu cầu quay trở lại TP.HCM để học tập và làm việc vẫn còn rất lớn. Chưa kể, sinh viên một số trường đại học có thời điểm đi học trở lại muộn hơn người đi làm.
"Do tính chất gần như bắt buộc của việc di chuyển, số lượng người đặt vé từ trước Tết đã ở mức hơn 90%. Số lượng ghế trống rất ít cộng với việc nhu cầu vẫn còn dẫn đến tình trạng giá vé cao, có chặng khan hiếm", vị này nói.
Ông cũng giải thích thêm rằng sau giai đoạn cao điểm, đây là thời điểm các hãng bay bắt đầu giảm số lượng chuyến bay. Các chuyến bay ở giai đoạn này về bản chất vẫn là những chuyến bay lệch đầu, tức một chặng có khách còn một chặng rất ít khách hoặc phải bay rỗng.
Nếu vẫn duy trì số lượng chuyến như giai đoạn cao điểm, hãng phải gánh chi phí bay rỗng rất cao. Việc giảm số lượng chuyến bay nhưng các chuyến đều được lấp đầy có lợi về mặt kinh tế hơn.
Lãnh đạo một hãng hàng không
"Nếu vẫn duy trì số lượng chuyến bay như giai đoạn cao điểm, hãng phải gánh chi phí bay rỗng rất cao. Đây là bài toán mà các hãng đều phải cân nhắc kỹ lưỡng dựa theo nhu cầu của khách hàng.
Việc giảm số lượng chuyến bay nhưng các chuyến bay đều được lấp đầy sẽ có lợi về mặt kinh tế hơn", lãnh đạo hãng chia sẻ.
Thực tế trong giai đoạn cao điểm, Vietnam Airlines có thời điểm khai thác 481 chuyến/ngày. Tuy nhiên, từ sau ngày 20/2, chỉ còn 401 chuyến/ngày với 81 tàu bay phục vụ.
Tương tự, Vietjet từng khai thác 455 - 468 chuyến/ngày nhưng đã giảm còn 364 chuyến/ngày.
Bên cạnh đó, 44 máy bay Airbus A321 NEO của Vietnam Airlines và Vietjet cũng đang phải dừng bay để kiểm tra động cơ. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác của các hãng. Hiện, máy bay phải "nằm đất" để tháo động cơ gửi đi sửa chữa trong khi các hãng liên tục thuê ướt thêm máy bay để bổ sung vào đội bay.
Gần đây, Cục Hàng không đã có văn bản gửi các công ty hàng không bao gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways, Pacific Airlines và Vietravel Airlines yêu cầu báo cáo công tác bán vé máy bay dịp Tết Nguyên đán 2024.
Các doanh nghiệp cũng cần báo cáo việc giám sát hoạt động của hãng đối với các đại lý bán vé máy bay và các biện pháp xử lý, gửi báo cáo chậm nhất vào ngày 26/2.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.