Mặc dù bắt đầu khi còn trẻ tuổi, nhưng tính tới thời điểm Snapchat bắt đầu phát triển, Evan đã nhận được tập hợp hiểu biết và bài học kinh doanh bằng cả thế kỷ.
Trong khi nhiều người tuổi đôi mươi có lẽ rất lo lắng khi có các cuộc họp lớn với các nhà đầu tư hùng mạnh thì Evan Spiegel nổi tiếng vì đã nhìn chằm chằm vào một nhà đầu tư mạo hiểm, người không muốn điều chỉnh các điều khoản đầu tư chuẩn mực của công ty mình, và nói với ông này: “Nếu ông thích điều khoản chuẩn mực thì hãy đầu tư vào một công ty chuẩn mực”. Nhà đầu tư này sau đó đã đầu tư vào vòng gọi vốn thứ ba của Snapchat năm 2013.
Đây là những gì chúng tôi sẽ xem xét khi nói về những lợi thế bất công. Tất cả các yếu tố này chồng chất lên nhau và đóng góp mạnh mẽ vào thành công của Evan với Snapchat, và vào việc anh trở thành tỉ phú tự thân trẻ nhất theo Forbes.
Evan trở thành tỉ phụ tự thân với Snapchat. Ảnh: BBC. |
Mối liên hệ với sự giàu có, ảnh hưởng và quyền lực đã tác động trực tiếp lên thành công của anh. Anh đã có thể leo thang danh vọng ở độ tuổi trẻ như vậy là bởi vì anh đã có được tiền đề quan trọng để làm được điều đó. Trên thực tế, không phải anh leo thang, mà anh đã bay lên bằng tên lửa.
Nói vậy không phải để quy kết toàn bộ thành công của Snapchat cho môi trường dưỡng dục đầy ưu ái của Evan. Không hề. Có rất nhiều cậu ấm cô chiêu chẳng làm nên trò trống gì. Cũng như với tất cả các câu chuyện thành công khác, có nhiều yếu tố đóng góp vào đó.
Chẳng hạn, Evan rất thông minh, và, về cốt lõi, Snapchat có sự thấu hiểu khách hàng tuyệt vời, rằng mọi người muốn giao tiếp bằng những bức ảnh mà sẽ “tự hủy”, tức là biến mất sau vài giây. Đây là điều mà chưa ai trong số những người khổng lồ về truyền thông xã hội như Facebook, Twitter và Instagram thậm chí từng nghĩ đến.
Evan không những có điều kiện về nguồn vốn, các mối quan hệ và các cố vấn, mà anh đã thực hiện xuất sắc một sản phẩm rất mang tính thời đại. Anh đã ở đúng nơi, vào đúng thời điểm, với một ý tưởng đúng đắn. Evan cùng những người đồng sáng lập và các nhân viên của anh đã làm việc rất chăm chỉ và thực sự thông minh để đưa ý tưởng tới thành công.
Điều mới lạ về Evan ư? Anh thẳng thắn thừa nhận mình đã có bao nhiêu thời gian nghỉ ngơi trên hành trình của mình. Trái ngược với những lời khuyên đã quá thường xuyên được tung ra trong thế giới công nghệ, kiểu như “hạ quyết tâm chăm chỉ”, “làm thâu đêm suốt sáng”, “vắt chân lên cổ mà chạy”, Evan nói thế này:
“Vấn đề không phải là làm việc chăm chỉ hơn. Mà là xoay vần hệ thống”.
“Xoay vần hệ thống” có những ý nghĩa thiếu đạo đức, kiểu như “thao túng hệ thống” hay thậm chí “gian lận hệ thống”. Chúng tôi không có ý đó; chúng tôi chỉ có ý đơn giản là vấn đề không nằm ở làm việc chăm chỉ hơn, mà ở chỗ làm việc thông minh hơn để thành công.
Tóm lại, toàn bộ cuốn sách này chính là về vấn đề đó: làm thế nào để làm việc thông minh hơn, và làm thế nào xoay vần hệ thống theo hướng có lợi cho bạn. Và cốt yếu là bạn không cần phải lớn lên trong đặc quyền như Evan Spiegel mới có thể làm được điều đó.
Thực tế là, như Evan công nhận, thế giới không công bằng. Và nó không công bằng hơn đối với một số người. Anh đã được nuôi dưỡng trong sự giàu có, được giáo dục cực kỳ tốt, với cha mẹ rất thành công và các mối quan hệ xã hội. Nhưng nếu như bạn không lớn lên với những lợi thế này thì sao? Có phải điều đó có nghĩa bạn sẽ đương nhiên thất bại?