Cực quang phát sáng phía sau trạm phóng tên lửa Patriot M903 ở Alaska. Ảnh: Reuters. |
Hệ thống Patriot là một phần trong gói viện trợ trị giá 1,8 tỷ USD dành cho Ukraine, được công bố nhân dịp Tổng thống Volodymyr Zelensky đến Washington để gặp ông Biden và các quan chức khác.
Patriot hiện là một trong những hệ thống phòng không được săn đón nhất trên thị trường vũ khí Mỹ. Đây là hệ thống tên lửa di động đất đối không và chống tên lửa đạn đạo. Nó có thể bắn hạ các tên lửa đang bay tới trước khi chúng tấn công mục tiêu đã định.
Năng lực của hệ thống Patriot
Ngoài khả năng bắn hạ tên lửa, khẩu đội Patriot cũng có thể bắn hạ máy bay. Theo Washington Post, Ukraine sẽ nhận được một hệ thống Patriot với tối đa 8 bệ phóng có khả năng bắn 4-16 tên lửa, tùy vào loại đạn được sử dụng.
Trong giới quân sự, Patriot được xem như vũ khí mang lại cảm giác an toàn, bảo vệ người dân, quân đội hoặc thậm chí các tòa nhà. Quân đội Mỹ đã triển khai nhiều hệ thống Patriot trong một số cuộc xung đột trong 30 năm qua.
Loại vũ khí này được chế tạo bởi tập đoàn quốc phòng và hàng không vũ trụ Mỹ Raytheon. Các khẩu đội Patriot hiện tại có thể chống lại tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, máy bay và "các mối đe dọa khác" mà công ty này không nêu rõ.
Radar của hệ thống này có thể theo dõi tới 50 mục tiêu và tấn công 5 mục tiêu cùng lúc. Tùy thuộc vào phiên bản được sử dụng, tên lửa đánh chặn có thể đạt độ cao hơn 2 km và tấn công mục tiêu cách xa tới 160 km, theo DW.
Tổng thống Zelensky phát biểu trước Quốc hội Mỹ hôm 21/12. Ảnh: Reuters. |
Hệ thống phòng thủ Patriot có thể nhắm mục tiêu, cũng như bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm xa và máy bay cách xa hàng trăm km. Chúng cũng có hệ thống radar mạnh mẽ - tốt hơn so với các hệ thống phòng không tương đương - giúp Patriot dễ dàng phân biệt lực lượng đối đầu.
Một hệ thống Patriot di động thường bao gồm radar mạnh, trạm điều khiển, thiết bị phát điện, trạm phóng và các phương tiện hỗ trợ khác.
Tại sao Ukraine yêu cầu Mỹ cung cấp tên lửa Patriot?
Kyiv hy vọng loại vũ khí này sẽ giúp họ đánh chặn tên lửa. Bên cạnh đó, Kyiv còn coi việc Mỹ viện trợ tên lửa Patriot cho nước này như động thái mang tính biểu tượng. Đó là bằng chứng cho thấy Mỹ, thay vì mệt mỏi trong việc hỗ trợ Ukraine, đang tăng cường nỗ lực giúp nước này.
Ukraine đã nhiều lần yêu cầu hệ thống Patriot của quân đội Mỹ vì nó được coi là một trong những hệ thống phòng không tầm xa mạnh mẽ nhất.
Và mặc dù Washington đã không đáp ứng yêu cầu này trong 10 tháng đầu tiên của xung đột Ukraine, một quan chức Mỹ cấp cao nói với CNN rằng những gì diễn ra trên thực địa ở Ukraine đã ảnh hưởng đến quyết định của họ.
Một hệ thống Patriot có giá bao nhiêu?
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tên lửa đánh chặn trong hệ thống Patriot có giá khoảng 4 triệu USD. Mỗi bệ phóng có giá khoảng 10 triệu USD. Điều đó khiến chúng có thể chỉ được sử dụng để đối phó với những mối đe dọa lớn.
Theo CSIS, một tổ hợp Patriot mới được sản xuất có giá hơn một tỷ USD, Reuters đưa tin.
Liệu có phải nhân tố “thay đổi cuộc chơi" tại Ukraine?
Tên lửa Patriot vẫn gặp phải lời chỉ trích. Trước đó, một bài báo được xuất bản trên Foreign Policy vào năm 2018 với tiêu đề “Tên lửa Patriot được sản xuất tại Mỹ và thất bại ở mọi nơi”, nhưng quân đội Mỹ cho rằng đó chỉ là sự cường điệu hóa.
Tuy nhiên, người dân Mỹ từng bị cung cấp thông tin sai lệch về hiệu quả của vũ khí này. Trong cuộc chiến vùng Vịnh, các quan chức quân sự cho biết hệ thống này đã đánh chặn tất cả trừ hai tên lửa Scud của Iraq. Sau đó, Lầu Năm Góc đã phải điều chỉnh tỷ lệ bắn hạ thành 50%.
Ngày nay, mức độ hiệu quả được cho là cao hơn, nhưng rất khó để tìm ra con số chính xác. Các chuyên gia quân sự nói rằng điều quan trọng là phải biết sử dụng nó như thế nào và trong hoàn cảnh nào.
Giới chức Mỹ cho biết một khẩu đội Patriot cần gần 100 người để vận hành. Các chuyên gia cho rằng mặc dù tên lửa Patriot sẽ là một sự bổ sung có giá trị cho hệ thống phòng không của Ukraine, nó không phải là giải pháp cho tất cả vấn đề.
Trung tướng đã nghỉ hưu Mark Hertling, cựu chỉ huy Lục quân Mỹ tại châu Âu, khẳng định có thể có một số kỳ vọng không thực tế về những gì hệ thống Patriot làm được cho Ukraine.
Chẳng hạn, hệ thống này sẽ không được sử dụng ngay tại Ukraine sau khi Mỹ đã cung cấp, vì sẽ phải mất hàng tháng để huấn luyện quân đội về cách sử dụng hệ thống phức tạp này, ông Hertling nói.
Bên cạnh đó, Tom Karako, Giám đốc Dự án Phòng thủ Tên lửa tại CSIS, cho biết Patriot “không phải là nhân tố thay đổi cuộc chơi” vì nó “vẫn chỉ có thể bảo vệ mảnh đất tương đối nhỏ”.
Reuters cho biết sẽ mất vài tháng trước khi Ukraine có thể triển khai Patriot trên thực địa. Giới chức Mỹ cho biết hệ thống Patriot trước tiên sẽ đến Đức, nơi quân đội Ukraine sẽ học cách sử dụng chúng. Quá trình đào tạo có thể kéo dài hàng tháng.
Nga phản ứng như thế nào?
Trước thông tin trên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitri Peskov ngày 21/12 cảnh báo việc Mỹ gửi vũ khí cho Kyiv “không phải là điều tốt với Ukraine”. “Điều này sẽ dẫn đến leo thang xung đột”, ông Peskov nói với báo giới, theo TASS.
Bên cạnh đó, bình luận về chuyến thăm Mỹ của tổng thống Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov hôm 21/12 cho biết các hành động khiêu khích của Mỹ ở Ukraine chắc chắn sẽ dẫn đến leo thang căng thẳng.
"Bất chấp những cảnh báo của chúng tôi, hệ thống phòng không Patriot sẽ được gửi đến Kyiv", ông nói thêm.
Nga từng nhiều lần khẳng định bất cứ hệ thống vũ khí nào được cung cấp cho Ukraine, bao gồm cả tên lửa Patriot, sẽ là mục tiêu chính đáng của quân đội Moscow.
Những cuốn sách giúp hiểu về cạnh tranh Nga - Mỹ
Zing giới thiệu tới độc giả một số cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về quan hệ giữa Nga và Mỹ - hai trong số các cường quốc hàng đầu trong trật tự thế giới hiện nay.