Hai năm trước, trong kỳ tích Thường Châu, U23 Việt Nam chỉ dùng một tiền đạo cắm nhưng vẫn ghi bàn liên tục và tiến thẳng tới chung kết. Hai năm sau, trên đất Thái Lan, ông Park sử dụng cặp tiền đạo Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh nhưng đội vẫn chưa có bàn thắng.
Điều gì phía sau sự kém hiệu quả của hàng công U23 Việt Nam?
Quang Hải đơn độc trên hàng công khi mất đi nhiều đối tác giỏi so với năm 2018. Ảnh: Hoàng Hà. |
Đâu rồi những cầu thủ “mũi kim”?
Trong 16 đội dự vòng chung kết U23 châu Á, U23 Việt Nam và UAE là hai cái tên hiếm hoi chưa để thủng lưới đồng thời là hai hàng thủ mạnh nhất giải. Với hàng thủ ấy, U23 Việt Nam lẽ ra phải sớm giành vé. Vậy mà đội bóng của ông Park mới có 2 điểm, không còn quyền tự quyết và đang đứng trước nguy cơ bị loại.
Vị trí hiện tại của U23 Việt Nam chắc chắn có trách nhiệm lớn của hàng công, những người chưa thể ghi bàn suốt 180 phút.
Hai năm trước ở Trung Quốc, U23 Việt Nam ghi 2 bàn sau 2 trận đầu, càng đá càng hay, có thêm 6 bàn trong 3 trận knock-out. Thời điểm ấy, đội thi đấu với sơ đồ 3-4-3, Hà Đức Chinh và Nguyễn Công Phượng thay nhau đá cắm.
Hai năm sau, U23 Việt Nam dùng gặp tiền đạo Tiến Linh, Đức Chinh, những người đã ghi 14 bàn ở kỳ SEA Games 30. Tuy nhiên, đội chưa có nổi một lần lập công.
Đội hình xuất phát của U23 Việt Nam với cặp Tiến Linh, Đức Chinh ở trận gặp UAE. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tại U23 châu Á 2018, đội bóng của ông Park đá phòng ngự phản công, đề cao vai trò của các tiền vệ công và hậu vệ cánh, lên bóng nhanh, khai thác khoảng trống mà đối phương lộ ra để ghi bàn. Lối chơi ấy cần tốc độ, kỹ thuật, khả năng xử lý nhanh, không đòi hỏi nhiều ở tiền đạo cắm.
Hai năm sau, những nhân tố chủ chốt của lối đá ấy đã chia tay đội tuyển. Hàng công mất 3 người là Phan Văn Đức, Công Phượng và Nguyễn Văn Toàn. Các vị trí đá cánh vắng Đoàn Văn Hậu, mất Vũ Văn Thanh và Phạm Xuân Mạnh. Cả 6 người này đều có điểm chung là tốc độ và kỹ thuật.
Ở chiều ngược lại, U23 Việt Nam phiên bản 2020 chỉ còn đúng Quang Hải sở hữu những tố chất tương tự. Hai năm ở Việt Nam, trải qua khoảng chục sự kiện lớn nhỏ, ông Park luôn trung thành với hệ thống 3-4-3, dùng một tiền đạo cắm. Tại sao tới U23 châu Á, ông bất ngờ thay đổi thành 3-5-2, dùng 2 tiền đạo cắm. Tại sao phải thay đổi một hệ thống quen thuộc? Tại sao phải thay đổi sơ đồ chiến thắng? Và tại sao ông làm điều đó trong giải đấu quan trọng bậc nhất, nơi còn là vòng loại cho Olympic?
Có lẽ ông không hề muốn thay đổi. Ông đơn giản là không còn lựa chọn nào tốt hơn.
Trần Thanh Sơn, một trong những cầu thủ của HAGL, đang dự bị tại U23 Việt Nam. Ảnh: Minh Chiến. |
HAGL và SLNA, họ ở đâu?
So với lứa 2018, nhân sự của lứa 2020 không còn những cầu thủ “cây kim” đủ tốt cho chiến thuật của ông Park. Sự vắng mặt của họ liên quan mật thiết tới việc HAGL và SLNA lép vế ở đội tuyển. Ngoài Văn Hậu, 5/6 người trong danh sách trên thuộc quân số của HAGL và SLNA. Năm nay, SLNA không có một cái tên nào trên tuyển còn HAGL chẳng sở hữu cầu thủ nào đá chính.
Đó là 3 lò đào tạo có triết lý phù hợp nhất để sản sinh những cầu thủ “cây kim”. Sự sa sút của họ tác động trực tiếp tới nguồn cung tài năng trẻ cho U23 Việt Nam. Hậu quả đã hiển hiện.
Không còn những ngòi nổ ấy, U23 Việt Nam mất đi vũ khí tốt nhất trong kỳ tích Thường Châu: khả năng bùng nổ. Ngoài Quang Hải, phần còn lại của lứa 2020 không còn những cầu thủ có thể hoạt động độc lập, đủ sức quấy nhiễu hay tự mình kết liễu đối phương. U23 Việt Nam hiện tại chủ yếu là những cầu thủ to khỏe nhưng thiếu sáng tạo, kỷ luật, chăm chỉ nhưng ít đột biến.
Biểu đồ hoạt động Quang Hải trong trận gặp U23 UAE (trái) và U23 Jordan (phải). Anh hoạt động rất rộng, lệch về biên phải và gần như không xâm nhập vòng cấm. Ảnh: AFC. |
Cộng thêm sự vắng mặt của Xuân Trường, U23 Việt Nam gần như không còn khả năng đánh vỗ mặt ở trung lộ mà phải chuyển trọng tâm tấn công sang hai bên. Đá biên nhiều thì phải tạt cánh, tạt cánh nhiều thì cần tiền đạo to cao, đội tuyển chuyển sang sơ đồ 2 người đá cắm với cặp Đức Chinh - Tiến Linh là có lý do.
Cũng bởi vì không còn những cầu thủ “cây kim”, ông Park buộc phải kéo Quang Hải về giữa sân. HLV người Hàn phải đưa cầu thủ tấn công tốt nhất của mình ra xa khung thành vì ông cần năng lực tổ chức của anh. Trong hai trận vừa qua, Hải đều đá rất thấp. Biểu đồ hoạt động trung bình của Quang Hải chỉ loanh quanh ở vạch giữa sân. Điều đó trái với 2 năm trước, thời điểm Hải chỉ tập trung hoạt động ở biên phải, trước vòng cấm.
Không còn Xuân Trường ở tuyến giữa, mất Công Phượng ở tuyến trên, Hải phải một mình đảm nhận cả 2 nhiệm vụ. Anh đá tổ chức nhưng vẫn là người chuyền bóng nhiều nhất hàng công, tạo ra nhiều cơ hội nhất, đi bóng tốt hơn và đồng thời dứt điểm không kém một ai. Tuy nhiên, đa dạng quá thì không chuyên sâu. Hải chưa có bàn nào ở U23 châu Á 2020 cũng là điều dễ hiểu.
Trọng Hùng (số 20) từng được kỳ vọng trở thành Văn Đức mới. Tuy nhiên, anh dính chấn thương ở SEA Games và không có phong độ cao nhất tại U23 châu Á. Ảnh: Minh Chiến. |
Những thử nghiệm thất bại
Ông Park có dự đoán được khó khăn ấy? Câu trả lời là có. Chiến lược gia người Hàn Quốc từng thử nghiệm Trần Danh Trung, Martin Lo và nhất là Nguyễn Trọng Hùng cho vai trò tiền vệ công. Nhưng Danh Trung quá trẻ còn Martin Lo chưa đủ giỏi. Trọng Hùng được tin tưởng hơn cả thì bất ngờ dính chấn thương ở SEA Games. Anh vừa bình phục được vài tuần, thiếu hụt cả phong độ lẫn kinh nghiệm cho một kỳ U23 châu Á khốc liệt.
Văn Đức là tài năng sáng giá nhất của SLNA sau thời Văn Quyến, Công Vinh; Công Phượng là chân sút hay nhất lịch sử U23 Việt Nam; còn Văn Toàn đang đá chính tại tuyển quốc gia. Không tìm được người thay thế họ chẳng phải lỗi của ông Park, đó là lỗi của cả nền bóng đá.
Nhưng tại sao đến U23 châu Á, vấn đề mới được bộc lộ rõ ràng?
“Lỗi” thuộc về hai anh lớn Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Trọng Hoàng. Trình độ vượt trội của họ ở SEA Games, khả năng chơi bóng tại nhiều vị trí và những đóng góp lớn lao của họ khiến đội tuyển tạm quên sự thiếu vắng của những “mũi kim”. Chỉ tới khi họ (và Văn Hậu) cùng vắng mặt, hạn chế mới bộc lộ rõ ràng.
Hai người đàn anh Hùng Dũng, Trọng Hoàng (giữa) đã giúp U22 Việt Nam "giấu" bớt nhiều vấn đề tại SEA Games. Ảnh: Minh Chiến. |
Với U23 Việt Nam, vấn đề không phải là có bao nhiêu tiền đạo, không phải là họ đã ghi bao nhiêu bàn trước kia. Vấn đề là ông Park đang thiếu quá nhiều nguyên liệu để xây dựng nên hệ thống quen thuộc, là đội bóng không tạo ra đủ nhiều cơ hội trước khung thành đối thủ.
Trước U23 UAE và sau đấy là Jordan, hàng công U23 Việt Nam đều thể hiện nhạt nhòa. Đội bóng thiếu các miếng đánh rõ nét, các tình huống nguy hiểm rõ ràng. Hầu hết cơ hội của U23 Việt Nam là những pha bóng lập bập, những cú sút xa trước rừng người của đối thủ.
Phía dưới không tạo được cơ hội, hai tiền đạo dù hay tới đâu cũng chẳng thể ghi bàn.
Đó là vấn đề lớn nhất mà HLV Park Hang-seo cần xử lý nếu muốn thắng đối thủ Triều Tiên vào tối 16/1.