Phân tích
Trong 15 kỳ EURO đã được tổ chức xuyên suốt lịch sử, tuyển Anh vắng mặt 6 lần. Trong 9 lần tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất lục địa già, "Tam sư" bị loại từ vòng bảng 4 lần. Anh chưa từng vô địch, thậm chí vào trận chung kết cũng là điều không thể.
Thành tích tốt nhất của Anh là bán kết ở giải đấu được tổ chức trên sân nhà vào năm 1996. Là ông lớn của bóng đá thế giới, song tuyển Anh tại EURO luôn thất bại.
Tuyển Anh chưa từng vào chung kết EURO. |
Những thảm bại nhục nhã
Chức vô địch World Cup 1966 trên sân nhà tới giờ vẫn là dấu son duy nhất của "Tam sư" trong lịch sử. Song ở kỳ EURO tiếp nối vinh quang này, Anh lại thất bại theo cách ít ai ngờ.
Geoff Hurst, người lập hat-trick cho Anh trước tuyển Tây Đức ở chung kết World Cup hai năm trước đó, dính chấn thương chỉ 4 ngày trước trận gặp tuyển Nam Tư vì đá giao hữu.
Báo chí Anh thậm chí cũng tin đội nhà sẽ thất bại trước đối thủ Nam Tư khi tờ Times chạy dòng tiêu đề: "Anh trước nguy cơ sụp đổ". Lo lắng trở thành sự thật. Mất trung phong quan trọng nhất, Anh không thể tìm được đường vào khung thành tuyển Nam Tư trước khi bị đối thủ trừng phạt chỉ 4 phút trước khi hết giờ.
Tuyển Anh chỉ là gà mờ ở sân chơi EURO. |
Đây cũng là trận đấu ghi nhận thẻ đỏ đầu tiên trong lịch sử bóng đá Anh ở những giải đấu lớn. "Sự sụp đổ khó tin của nhà ĐKVĐ World Cup với nòng cốt là các cầu thủ Man United vô địch cúp C1 châu Âu 1968 dường như báo hiệu số phận trắc trở của "Tam sư" tại các VCK EURO.
Trong 3 kỳ EURO tiếp theo tham dự (1980,1988,1992), Anh đều bị loại ở vòng bảng, thậm chí chỉ thắng duy nhất 1 trận. Năm 1988, Anh thua trắng cả 3 trận trước Hà Lan, Liên Xô, Cộng hòa Ireland.
Khi Premier League ra đời, thành tích "Tam Sư" có thay đổi, nhưng chưa từng xứng tầm với những tung hô từ truyền thông. Năm 1996, với Paul Gascoigne và Alan Shearer là nguồn cảm hứng, Anh trở lại vòng bán kết EURO, nhưng thất bại trên chấm phạt đền trước Đức.
Trong giai đoạn từ năm 2000 tới giờ, Anh liên tục thảm bại tại EURO dù đội hình từng có lúc được coi là mạnh nhất thế giới. Tại EURO 2000, giải đấu diễn chỉ một năm sau khi MU giành cú ăn ba, "Tam sư" bị loại từ vòng bảng với thất bại nổi tiếng trước Bồ Đào Nha ở vòng bảng: Dẫn 2-0 trước khi thua ngược 2-3.
Tới EURO 2004, Anh thua Bồ Đào Nha trên chấm luân lưu dù thủ môn đối thủ (Ricardo) bắt bóng bằng tay không. Ở EURO 2008, khi Premier League lần đầu có trận chung kết Champions League nội bộ toàn Anh và được thừa nhận rộng rãi là giải đấu hay nhất thế giới, "Tam sư" thậm chí bị hất cẳng từ vòng loại.
Hình ảnh Steve McLaren cầm ô nhìn Frank Lampard, Wayne Rooney, Steven Gerrard sụp đổ trước Croatia ở vòng loại tới giờ là nỗi đau của người Anh và trò cười cho người Đức, Pháp, Tây Ban Nha hay Italy.
Ở kỳ EURO gần nhất, Anh thua Iceland, đội tuyển tí hon chưa từng biết mùi giải đấu lớn nào trước đó trong lịch sử. Nếu muốn tìm ra đội bóng lớn nào gây thất vọng nhất tại các kỳ EURO trong lịch sử, đó chắc chắn luôn là Anh.
Vì sao Anh thảm bại?
Gary Lineker gọi thất bại của Anh trước Iceland ở EURO 2016 là khoảnh khắc "tồi tệ nhất lịch sử" bóng đá Anh. Ngôn từ đao to búa lớn kiểu này được nhớ tới chỉ bởi vì đây là thời đại của mạng xã hội, nơi bất kỳ kết quả không như ý nào dưới cơn điên của đám đông đều có thể biến thành thảm họa. Những kết quả kém cỏi tại EURO 2000 hay vòng loại EURO 2008 đều có thể coi ở mức độ tương tự.
Điểm chung lớn nhất của Anh trong các thất bại khó quên xuyên suốt lịch sử EURO luôn là việc họ sở hữu đội hình được tung hô trên mặt báo, nhưng thể hiện phong độ trái ngược trên sân cỏ. Nếu nhìn vào từng cá nhân, Anh là đội tuyển mạnh, song khi cùng chơi bóng dưới màu áo đội tuyển quốc gia, tất cả lại hóa tầm thường.
Tại kỳ EURO gần nhất, Anh thua cả Iceland và bị loại. |
Scholes, Beckham, Tony Adams, Steve McManaman, Owen, Campbell đều là những ngôi sao tại EURO 2000. Song, tất cả vụn vỡ trước Romania không còn Georghe Hagi.
Bản lĩnh kém cỏi của Anh thể hiện rõ nhất qua những thất bại trên chấm luân lưu. Tại EURO 2004 và 2012, thời điểm Anh sở hữu đội hình đầy anh tài của thế hệ vàng, "Tam sư" đều gục ngã ở trò chơi cân não. Cú đá lên trời của Beckham, hay gương mặt tái mét của Ashley Young, Ashley Cole là những ký ức ám ảnh người Anh về thế hệ ngôi sao hùng hổ khi khoác áo CLB, nhưng né tránh trách nhiệm ở cấp độ ĐTQG.
Nhiều cách lý giải cho sự kém cỏi này của tuyển Anh. Roy Keane tin việc các cầu thủ là ngôi sao ở cấp độ CLB là một nguyên nhân. "Thành phần tuyển Anh là những cầu thủ ở các câu lạc bộ lớn tại Premier League", Keane mở đầu bài phát biểu trên Telegraph vào năm 2012. "Họ luôn cạnh tranh quyết liệt mỗi khi đối đầu nhau để giành chiến thắng. Thế nên, họ chẳng thể là những người bạn tốt mỗi khi lên tuyển."
"Nhiều cầu thủ của đội tuyển Anh không bao giờ chịu bỏ qua cái tôi cá nhân để hướng đến thành công chung cho đội tuyển. Họ muốn vô địch Champions League cùng câu lạc bộ hơn là lên ngôi cùng đội tuyển".
Báo chí Anh trong quá khứ tin việc các cầu thủ nhận mức lương kếch xù ở CLB và phải thi đấu quá nhiều đấu trường khiến mỗi khi trở về tập trung cho ĐTQG ở các giải đấu lớn, họ phần lớn đều kiệt sức.
Rooney là ví dụ tiêu biểu. Giải đấu tốt nhất của Wazza trong màu áo tuyển Anh là EURO 2004, khi anh còn đang thi đấu tại Everton với 40 trận/mùa. Từ khi khoác áo MU và nâng số trận phải cày ải lên mức 50 trận/mùa, Rooney luôn gặp vấn đề trước thềm các giải đấu lớn. Trước World Cup 2006, Rooney bị đạp gãy xương bàn chân trong trận gặp Chelsea.
Trước World Cup 2010, chân sút này gặp chấn thương nặng khi đối đầu Bayern ở Champions League. Tới EURO 2012, Rooney bị treo giò 2 trong 3 trận vòng bảng. Rooney chưa từng có phong độ lý tưởng để cống hiến cho tuyển Anh như khi còn khoác áo Everton.
Sự chuyên nghiệp, theo Keane, cũng là lý do khiến Anh luôn thua tại các kỳ EURO. "Cầu thủ Anh quá thiếu chuyên nghiệp. Họ có thể không thích đối phương, nhưng khi ra sân phải luôn đặt lợi ích của đội bóng lên hàng đầu", Keane nói. "John Terry và Rio Ferdinand có thể cùng nhau chơi bóng vì đội tuyển Anh? Chắc là không. Nếu có, Roy Hodgson đã gọi cả 2 thay vì chỉ Terry và để Ferdinand ở nhà".
Kỳ vọng ở EURO 2020
So với thế hệ đàn anh trong quá khứ, tuyển Anh lúc này có những thay đổi rõ rệt. Họ trẻ trung hơn, ít hào nhoáng và được xây dựng lộ trình phát triển rõ rệt từ khi còn là cầu thủ ở lò đào tạo.
Năm 2015, Rio Ferdinand từng có buổi trò chuyện với các cầu thủ trẻ của Anh trong màu áo đội U15. Trung vệ huyền thoại MU kể lại: "Năm 2002, tôi cùng tuyển Anh tham dự World Cup 2002 và gặp Brazil ở tứ kết. Đối thủ là Ronaldo, Rivaldo, Ronaldinho, Roberto Carlos, Cafu... toàn là những gã kiệt xuất. Khi quốc ca Anh vang lên, tôi nhìn thấy gia đình mình trên khán đài, tất cả cảm xúc cứ ùa tới. Tôi bật khóc.
Tuyển Anh có đội hình rất mạnh để dự EURO 2021. Đồ họa: Hải Phúc. |
Chúng tôi thua trận. Mọi thứ trở nên trống rỗng. Tôi đã chơi không tốt, không làm đúng vai trò của mình. Thế đấy, đó là lời nhắc nhờ tôi luôn tự nhủ với chính mình: Không bao giờ được để cảm xúc xen vào khi trận đấu diễn ra. Khi xúc động, các cậu không thể thi đấu tốt nhất được".
Trong những cầu thủ trẻ của Anh chăm chú nghe Ferdinand nói hôm ấy có Jadon Sancho, Phil Foden, Bukayo Saka, những người chắc chắn sẽ giành suất dự EURO cùng tuyển Anh hè này. Không đến mức các cầu thủ trẻ sẽ nhìn ra bài học mà Ferdinand nói để không bao giờ đi vào vết xe đổ, song những cuộc trao đổi trực tiếp về sai lầm mà chính thế hệ đàn anh mắc phải rõ ràng tốt với thế hệ kế cận.
Trong nhiều năm qua, bóng đá Anh đã nỗ lực nhìn thẳng vào sai lầm như cách Ferdinand đã làm, để cải thiện chính mình. Các cầu thủ được rèn luyện phải "yêu lấy màu áo Tam Sư" từ lứa tuổi U10, được rèn luyện chơi thứ bóng đá kiểm soát với tư tưởng luôn hướng lên trên từ tuổi U15... Các đội bóng Anh chơi bóng với những triết lý và tư duy rõ ràng, chịu ảnh hưởng từ những chiến lược gia hay nhất thế giới như Pep Guardiola, Jurgen Klopp hay Thomas Tuchel.
Thế hệ cầu thủ ngôi sao mới của tuyển Anh ít hào nhoáng hơn hẳn các bậc đàn anh, nhưng bản lĩnh không thể bị xem thường. Mason Mount, Phil Foden, Alexander-Arnold đều tỏa sáng ở các lượt trận bán kết Champions League... ở tuổi chỉ ngoài đôi mươi. Những ngôi sao đang vào độ chín như Kane, Stones, Rashford cũng sẵn sàng chơi đến cùng tại EURO.
3 trong số 4 đội vào chung kết hai cúp châu Âu mùa này đều tới từ Premier League, song trái ngược với cột mốc năm 2008 đáng quên, tuyển Anh đã có mặt tại EURO sau chiến dịch vòng loại thành công rực rỡ. Thậm chí, thánh đường Wembley có vinh dự tổ chức 8 trận mùa hè này.
Tuyển Anh rõ ràng đang có những hy vọng nhất định để xua tan đi những đám mây mờ mà thế hệ đàn anh mang lại trong lịch sử các VCK EURO.