Lần cuối bạn bè và người thân nghe tin tức về Karm Gillespie là từ năm 2013. Sau đó, người đàn ông Australia này đột ngột biến mất.
Ông Karm Gillespie từng là một diễn viên truyền hình ở Australia. Ảnh: 7 News. |
"Biến mất" 7 năm trước
Nhưng tới ngày 10/6 vừa qua, truyền thông địa phương bỗng đưa tin ông Gillespie bị Toà án Nhân dân Trung cấp Quảng Châu tuyên án tử hình, ông đã ngồi tù 7 năm qua sau khi bị bắt giữ ở Sân bay Quốc tế Bạch Vân Quảng Châu vào năm 2013, khi cảnh sát phát hiện 7,5 kg ma tuý đá trong hành lý của ông.
Ông Gillespie từng là diễn viên truyền hình và có mặt trong serie phim Blue Heelers rất nổi tiếng ở Australia vào thập niên 1990. Sau đó ông chuyển sang làm việc trong lĩnh vực quản lý tài sản và tài chính, công việc khiến ông liên tục phải di chuyển khắp nơi tại châu Á, cách xa quê nhà Melbourne của mình.
Bạn bè của ông Gillespie hoàn toàn bị bất ngờ trước thông tin này, vì trước đây họ cũng không biết ông Gillespie đang ở đâu. Vụ bắt giữ ở Trung Quốc không được thông tin rộng rãi và nhiều người cho biết sau khi gặp ông Gillespie lần cuối vào năm 2013, cựu diễn viên Australia hoàn toàn bốc hơi.
Roger Hamilton, một doanh nhân người Mỹ sống ở Bali mới đây đã đăng bức ảnh chụp năm 2013, trong đó có ông Gillespie sau khi hai người vừa tham gia một khoá học về tài chính. Ông Gillespie được cho là biến mất ngay sau đó.
"Đây là một bức ảnh của Karm Gillespie sau khi tốt nghiệp khoá chuyên gia phát triển tài sản cách đây 7 năm. Ngay sau đó, Karm biến mất", ông Hamilton chia sẻ.
Bạn bè lần cuối nhìn thấy ông Gillespie cách đây 7 năm. Ảnh: 7 news. |
"Ông ấy là một thành viên tích cực của cộng đồng chúng tôi, luôn khuyến khích người khác trở thành phiên bản tốt nhất có thể. Ông ấy luôn có mặt ở đó để giúp đỡ mọi người, vì vậy thật kỳ lạ là ông ấy đột ngột biến mất", ông Hamilton nói thêm.
"Hôm nay tôi nghe tin về điều xảy ra với ông ấy. Ông ấy đã ở trong tù tại Trung Quốc được 7 năm và giờ bị tuyên án tử hình. Đây là một công dân Australia, người đã bị giam giữ bí mật bởi chính phủ nước ngoài trong vòng 7 năm trước khi bị tuyên án tử hình mà không có quá trình tố tụng", ông Hamilton nói thêm.
Trước khi biến mất, ông Gillespie từng chia sẻ trên Facebook cá nhân về dự định mua một chiếc Aston Martin trị giá 500.000 USD.
Ông Gilespie được cho là đã lập gia đình và có con cái. Trang tin Ifeng.com của Trung Quốc đưa tin ông này bị tuyên án tử hình vào ngày 10/6, nhưng có cơ hội đệ đơn kháng cáo trong vòng 10 ngày.
Thông tin này xuất hiện trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Australia đang ở mức xấu nhất lịch sử, vì những căng thẳng liên quan đến lời kêu gọi của Canberra nhằm mở cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona gây ra đại dịch Covid-19.
Bắc Kinh sau đó đã phản ứng bằng việc cáo buộc Canberra "đứng về phía Mỹ" và áp đặt một số rào cản thương mại với thịt bò và lúa mạch nhập khẩu từ Australia. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đưa ra cảnh báo đối với công dân về việc học tập hoặc du lịch ở Australia, với lý do "sự phân biệt chủng tộc ngày càng gia tăng" ở nước này.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia. Bang Victoria, quê nhà của ông Gillespie, đã ký kết văn bản ghi nhớ để trở thành một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
Trùng hợp ngẫu nhiên hay có ý đồ?
Trên chương trình tin tức buổi sáng của đài 7 Australia, giáo sư luật quốc tế Donald Rothwell cho rằng thời điểm mà toà Trung Quốc ra phán quyết tử hình với Karm Gilespie là rất đáng suy ngẫm.
"Thực tế là nó diễn ra giữa những căng thẳng giữa Trung Quốc và Australia... vì vậy, tôi nghĩ rằng có vấn đề về thời điểm ra quyết định", ông Rothwell nhận định.
"Tôi nghĩ chúng ta cần phải biết rằng cơ hội kháng cáo tại toà án Trung Quốc là rất thấp. Chỉ khoảng 1% các vụ kháng cáo là thành công", ông Rothwell cho biết.
Văn phòng Ngoại giao và Thương mại Australia cho biết họ đang cung cấp hỗ trợ lãnh sự cho ông Gillespie, và "rất buồn" khi biết tin về phán quyết của toà án.
"Australia phản đối án tử hình, trong mọi hoàn cảnh, với mọi người. Chúng tôi ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình phổ quát", người phát ngôn của bộ cho biết trong một thông báo.
Trong khi đó ông Simon Birmingham, bộ trưởng Bộ Thương mại và Du lịch Australia cho biết án tử hình đối với Karm Gillespie không cần thiết phải được xem là sự trả đũa của Trung Quốc giữa căng thẳng ngoại giao với Australia.
Ông Birmingham nhắc lại mong muốn đến thăm Trung Quốc để đàm phán về vụ việc vào thời điểm thích hợp, và cho biết Australia đang nỗ lực liên hệ với Trung Quốc ở các cấp về vấn đề này.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra xấu đi sau khi chính quyền Thủ tướng Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra về nguồn gốc virus corona. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng Australia Scott Morrison hom 15/6 cho biết chính phủ Australia đã nắm thông tin về vụ bắt giữ Gilespie và liên lạc với phía Trung Quốc nhiều lần về vấn đề này. "Tôi và chính phủ rất buồn, cũng như bày tỏ quan ngại về việc công dân Australia, ông Karm Gilespie đã bị kết án tử hình ở Trung Quốc", ông Morrison nói.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm 15/6 rằng vụ việc không liên quan gì đến mối quan hệ song phương giữa hai nước. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói với các phóng viên phán quyết được đưa ra bởi tòa án Trung Quốc theo quy định của pháp luật.
Trung Quốc đôi khi vẫn áp dụng hình phạt tử hình cho tội danh buôn bán ma tuý với người nước ngoài. Một người đàn ông Nhật Bản bị hành quyết vào năm 2014 vì tội này. Tương tự là một phụ nữ người Philippines vào năm 2013 và một nam giới người Anh vào năm 2009.
Peter Gardner, người mang 2 quốc tịch Australia và New Zealand, cũng đang chờ kết án sau khi bị bắt vào năm 2014 tại sân bay Bạch Vân Quảng Châu với cáo buộc âm mưu vận chuyển 30 kg ma tuý đá từ Trung Quốc sang Australia.