"Thủ tướng Israel Naftali Bennett đang cố gắng tìm cách tổ chức các cuộc đàm phán và chúng tôi rất biết ơn nỗ lực của ông ấy. Vì vậy, sớm hay muộn, chúng tôi sẽ bắt đầu cuộc đàm phán này với Nga, có thể ở Jerusalem”, Tổng thống Zelensky phát biểu trong một video được công bố hôm 20/3, theo Reuters.
Kể từ khi giao tranh nổ ra, Tổng thống Zelensky nhiều lần cảm ơn nỗ lực làm trung gian hòa giải của Thủ tướng Bennett và đề xuất đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Jerusalem.
Thành phố này hiện là vùng lãnh thổ tranh chấp giữa Israel và người Palestine. Người Palestine coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước họ muốn thành lập.
Trong khi đó, Israel coi toàn thành phố, bao gồm cả vùng phía đông bị nước này chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, là "thủ đô vĩnh viễn và không thể chia cắt".
Israel đang kiểm soát Jerusalem nhưng không được cộng đồng quốc tế công nhận.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nói chuyện với Thủ tướng Israel Naftali Bennett trong cuộc gặp tại Sochi, vào ngày 22/10/2021. Ảnh: Getty. |
Quan hệ lâu năm với Israel
Ukraine từng là nơi có dân số Do Thái lớn nhất ở châu Âu. Nhưng đến tháng 6/1941, khi Đức Quốc xã đánh chiếm Kyiv, hơn một triệu người Do Thái đã bị giết ở đây, theo các học giả nghiên cứu về quy mô vụ thảm sát.
Tổng thống Zelensky cho rằng nhờ sự giúp đỡ của Ukraine, những người Do Thái còn lại đã đến Israel, góp phần xây dựng một nhà nước như hiện nay.
“Những người nhập cư Ukraine là một trong những người sáng lập Israel. Họ mang theo lịch sử và khát vọng xây dựng một đất nước vĩ đại như bây giờ”. Vì vậy, việc để Israel làm trung gian hòa giải “không tệ chút nào đối với chúng tôi”, ông nói, theo Times of Israel.
Israel cũng có một cộng đồng người nói tiếng Nga lớn - chiếm khoảng 12% tổng số cử tri. Theo số liệu của chính phủ Israel, khoảng 1,2 triệu người nói tiếng Nga đã đến nước này từ Liên Xô cũ trong 3 thập kỷ qua, trong đó khoảng 1/3 đến từ Ukraine, New York Times đưa tin.
Ukraine cũng là một trong số ít những nước bày tỏ mong muốn công nhận Jerusalem - nơi tranh chấp giữa Israel và Palestine - là thủ đô của Israel.
Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk từng nói rằng đất nước ông sẽ sớm công nhận Jerusalem là “thủ đô duy nhất” của Israel và mở đại sứ quán tại thành phố này.
Kể từ khi giao tranh nổ ra, Israel cũng đã viện trợ Ukraine dưới nhiều hình thức. Chính quyền Thủ tướng Bennett đã gửi 100 tấn viện trợ nhân đạo tới Ukraine, bao gồm vật tư y tế, hệ thống lọc nước, áo khoác mùa đông, túi ngủ và các vật dụng khác. Israel cũng tiếp nhận người tị nạn từ Ukraine.
Ràng buộc với Nga
Thủ tướng Bennett là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống Putin vào ngày 5/3, kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong suốt một tháng giao tranh, ông cũng lựa chọn đường lối ngoại giao thận trọng, tránh đối đầu trực tiếp với Nga như các nước phương Tây.
Mong muốn hàng đầu của Israel là duy trì khả năng hành động ở Syria mà gần như không bị trừng phạt và không có sự can thiệp của Nga. Theo đó, Moscow sẽ chấp nhận các cuộc tấn công của Israel nhằm vào các mục tiêu của Iran và Hezbollah ở Syria.
Israel cần thiện chí của Moscow để tiếp tục hoạt động một cách dễ dàng. Bất kỳ thay đổi nào trong mối quan hệ với Moscow có thể làm phức tạp chiến lược của nước này ở Syria.
Trong những tuần gần đây, các máy bay Nga đã hoạt động nhiều hơn xung quanh biên giới Syria, cả ở biên giới phía tây với Israel và phía đông Syria, nơi máy bay Mỹ thường xuyên hoạt động, quan chức quốc phòng cấp cao của Israel cho biết.
Sự gia tăng hiện diện của Moscow có thể nhằm phô trương lực lượng, gửi đi một tín hiệu về cuộc khủng hoảng Ukraine, quan chức này cho biết thêm.
Ý thức được việc cần thiết phải xoa dịu Nga, Israel đã từ chối nhiều yêu cầu gửi thiết bị quân sự và tình báo cho Ukraine.