Nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ đã đề xuất Thổ Nhĩ Kỳ chuyển giao tổ hợp phòng không tầm xa S-400 Triumf mà họ mua từ Nga cho Ukraine.
Ankara không phản hồi về đề nghị này. Nếu tổ hợp S-400 được chuyển giao cho Ukraine, nó sẽ là thách thức lớn cho chiến dịch tấn công đường không của Nga ở đây.
Tổ hợp có một không hai
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 Triumf được phát triển dựa trên tổ hợp phòng không di động tầm xa S-300 PMU2 vào cuối những năm 1980 và bắt đầu thử nghiệm vào những năm 1990.
Ban đầu nó được gọi là S-300PMU3. Công ty quốc phòng Almaz của Nga là đơn vị chịu trách nhiệm thực hiện dự án. Về cơ bản, S-400 là phiên bản nâng cấp toàn diện từ S-300PMU2.
Cấu hình của hệ thống gồm radar trinh sát 91N6E với phạm vi tìm kiếm mục tiêu tới 600 km, radar điều khiển hỏa lực 92N6E có khả năng dẫn bắn cho tên lửa ở cự ly 400 km, radar nhìn vòng mọi độ cao 96L6E, xe chỉ huy trung tâm 55K6E, xe tiếp đạn, xe mang phóng với 4 đạn tên lửa trên mỗi xe.
Tổ hợp phòng không tầm xa S-400 tại một vị trí trực chiến. Ảnh: Sputnik. |
Theo thông tin từ nhà sản xuất, mỗi tiểu đoàn S-400 gồm 3 khẩu đội có thể tấn công đồng thời 36 mục tiêu. Điểm mới của S-400 là có thể phóng nhiều loại đạn tên lửa khác nhau, tạo nên sự linh hoạt cao trong chiến đấu.
S-400 có thể bắn tên lửa 40N6E tầm bắn tới 400 km. Đây là tên lửa phòng không phóng từ mặt đất có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay. Tên lửa 48N6E3 có tầm bắn 250 km, 48N6E2 có tầm bắn 200 km, tên lửa 9M96 có tầm bắn 120 km và tên lửa 9M96E có tầm bắn 40 km.
Như vậy một khẩu đội S-400 với 3 xe phóng trang bị hỗn hợp các loại tên lửa có thể thiết lập ô phòng không ở cự ly từ 40 km đến 400 km. Ngoài ra, tổ hợp S-400 còn được trang bị tên lửa chống tên lửa đạn đạo 77N6. Tên lửa này được bổ sung trang bị từ năm 2014 giúp nâng cao khả năng phòng thủ tên lửa cho tổ hợp S-400.
Các thông số kỹ thuật từ radar đến tên lửa của S-400 đều vượt trội so với tên lửa phòng không mạnh nhất của Mỹ và NATO là Patriot. Phiên bản có tầm bắn xa nhất của Patriot là PAC-2 với cự ly tối đa là 160 km, vẫn kém hơn S-300 PMU2 của Nga.
Tên lửa thay đổi cuộc chơi
Các thông số kỹ thuật ấn tượng của S-400 đã giúp Nga có trong tay một quân bài mang tầm chiến lược. Hệ thống vũ khí tối tân này có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở khu vực mà nó xuất hiện.
Đánh giá về S-400, tiến sĩ Robert Farley, thuộc Đại học Washington, Mỹ nhận định, mỗi khẩu đội S-400 có thể bắn 3 loại đạn tên lửa khác nhau với phạm vi tác chiến tối đa tới 400 km. Ngoài ra, hệ thống còn có khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo mạnh mẽ.
Tên lửa S-400 là thách thức lớn cho mọi chiến đấu cơ. Ảnh: TASS. |
Ông Farley nhấn mạnh các hệ thống cảm biến của S-400 hoạt động rất hiệu quả giúp thiết lập khu vực phòng thủ trước mọi mối đe dọa từ trên không.
Không chỉ là vũ khí mang tầm chiến lược, S-400 còn là công cụ ngoại giao quân sự đắc lực của Nga. S-400 đã được triển khai đến nhiều điểm nóng trên thế giới. Năm 2015, S-400 được triển khai đến Syria để đáp trả việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24M của Nga.
S-400 cũng là nguyên nhân khiến nội bộ NATO lục đục. Việc Moscow bán tổ hợp S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ khiến Mỹ tức giận và loại Ankara khỏi dự án tiêm kích tàng hình F-35.
S-400 đã được xuất khẩu cho Belarus, Trung Quốc, Ấn Độ. Ngoài ra, các khách hàng thân thiết của Mỹ như Saudi Arabia, Qatar cũng bày tỏ mong muốn mua hệ thống S-400 của Nga.
Điều này buộc Mỹ phải đề xuất bán hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối THAAD như một giải pháp thay thế để Saudi Arabia hủy kế hoạch mua S-400.