Trong quá trình sử dụng tên lửa để tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander-M của Nga phóng ra loại mồi nhử chưa từng được biết đến trước đây, để đánh lừa hệ thống phòng không của Ukraine.
Ban đầu, người ta nhầm tưởng những vật thể dài khoảng 30 cm, có hình dạng như phi tiêu, màu trắng với phần đuôi màu cam là bom hoặc đạn chùm. Ngay cả giới phân tích tình báo nguồn mở cũng ngạc nhiên về những thiết bị này.
Mồi nhử này chỉ có trên ICBM
Nhà phân tích quân sự Thomas Newdick viết trên trang tin quân sự The Drive rằng loại mồi nhử này được gọi là “hệ thống hỗ trợ xâm nhập” hoặc penaid. Chúng được thiết kế để tăng cơ hội xuyên thủng lá chắn tên lửa của đối phương.
Penaid trước đây chỉ được trang bị cho tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Nó được bố trí cùng với đầu đạn hạt nhân. Khi đầu đạn chuẩn bị tái nhập khí quyển, hệ thống này sẽ được kích hoạt phóng về phía trước đầu đạn.
Vị trí lắp mồi nhử trên tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga. Ảnh: Twitter/Michael Duitsman. |
Nó tạo ra một vật thể phản xạ radar lớn phía trước để che chắn đầu đạn phía sau khỏi hệ thống radar của đối phương. Ngoài ra, hệ thống này còn phát ra tín hiệu vô tuyến gây nhiễu radar dẫn đường và điều khiển hỏa lực.
Điều này khiến hệ thống phòng không không thể xác định chính xác vị trí của đầu đạn, và có thể phải tốn rất nhiều tên lửa đánh chặn để bắn vào mồi nhử, giúp đầu đạn vượt qua lá chắn tên lửa để tấn công mục tiêu.
Hệ thống Penaid được phát triển để đối phó với lá chắn tên lửa đạn đạo của đối phương. Với đầu đạn của ICBM, việc vượt qua lá chắn tên lửa để đánh trúng mục tiêu là yếu tố sống còn trong một cuộc chiến. Do đó, các kỹ sư phải trang bị hệ thống mồi nhử để đảm bảo khả năng thành công trong cuộc tấn công.
Phần lớn các ICBM trên thế giới đều được trang bị hệ thống này. Việc Nga trang bị hệ thống mồi nhử tinh vi cho tên lửa đạn đạo chiến thuật khiến giới phân tích quân sự phương Tây ngạc nhiên.
Giới phân tích quân sự cho rằng việc Nga trang bị mồi nhử cho Iskander cho thấy những nỗ lực của Moscow nhằm đảm bảo tên lửa đạn đạo chiến thuật của họ cũng có khả năng đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa tinh vi nhất.
Khi nhìn thấy những mồi nhử còn sót lại ở Ukraine, nhà phân tích quân sự Michael Duitsman nhận định: "Trước đây, chúng tôi luôn tự hỏi những nắp tròn này ở đuôi tên lửa Iskander để làm gì. Giờ đây, chúng ta đã biết chúng là vỏ bọc chứa ống phóng mồi nhử".
Nhà phân tích Newdick cho rằng ông khá ngạc nhiên khi Nga tiết lộ tính năng quan trọng của Iskander-M, điều mà họ đã tìm cách giữ bí mật với công chúng trước đây. Ông cho rằng việc để lộ tính năng đặc biệt này trong cuộc chiến ở Ukraine là không cần thiết.
Ông Dmitry Stefanovich, thành viên tại Trung tâm An ninh Quốc tế IMEMO RAS có trụ sở tại Moscow, Nga, cho rằng hệ thống mồi nhử trên Iskander không thực sự cần thiết trước các hệ thống phòng không của Ukraine.
Tuy vậy, một số nhà phân tích khác cho rằng Moscow muốn sử dụng chiến trường Ukraine để thử nghiệm tính năng của hệ thống mồi nhử này và nó đã hoạt động. Hệ thống phòng không của Ukraine đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.
Lời cảnh báo cho phương Tây
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander, NATO định danh là SS-26 Stone được Nga phát triển vào giữa những năm 2000. Tên lửa được đưa vào trực chiến từ năm 2006.
Iskander được phát triển để thay thế cho loại tên lửa đạn đạo chiến thuật OTR-21 Tochka đã lạc hậu. Iskander được thiết kế với nhiều tính năng vượt trội so với Tochka. Tên lửa được bố trí trên xe mang phóng chuyên dụng với khả năng cơ động cao.
Tên lửa Iskander khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga. |
Một trong những tính năng nổi bật của Iskander là có thể chỉ thị mục tiêu từ nhiều nguồn khác nhau. Mục tiêu có thể được chỉ thị bằng vệ tinh, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm, hoặc trinh sát trên mặt đất.
Mục tiêu có thể được xác định lại trong quá trình tên lửa bay đến mục tiêu. Một tính năng độc đáo khác của tên lửa Iskander là được trang bị đầu đạn quang học có thể điều khiển bằng liên lạc vô tuyến mã hóa từ máy bay cảnh báo sớm hoặc UAV.
Tên lửa được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy nhiên liệu rắn đem lại khả năng cơ động cao. Tên lửa Iskander bay với quỹ đạo bán đạn đạo, kết hợp với tính năng cơ động cao ở giai đoạn cuối.
Tên lửa được trang bị 6 mồi nhử ở đuôi, chúng sẽ được phóng ra khi tên lửa đến gần mục tiêu. Khả năng cơ động cao kết hợp với hệ thống mồi nhử tinh vi khiến việc đánh chặn Iskander trở nên rất khó khăn.
Iskander-M có tầm bắn khoảng 400-500 km. Mỗi xe mang phóng có thể mang theo 1-2 tên lửa Iskander. Tên lửa có chiều dài 7,3 m, đường kính 0,9 m, trọng lượng phóng 3,8 tấn với phiên bản gốc, 4,6 tấn với phiên bản Iskander-M. Tên lửa mang theo đầu đạn nặng 800 kg.
Ngoài ra, Moscow đã phát triển một phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất Iskander-K. Phiên bản này có tầm bắn tới 5.000 km. Nó là chủ đề gây tranh cãi giữa Nga và Mỹ, khi Washington cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký năm 1987.
Hiệp ước INF cấm các bên liên quan phát triển tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn đến 5.000 km.
Giờ đây, giới tình báo phương Tây đang gấp rút thu thập các mẫu mồi nhử của tên lửa Iskander ở chiến trường Ukraine để nghiên cứu tính năng của nó.
Một số ý kiến cho rằng việc Nga để lộ tính năng độc đáo của tên lửa Iskander ở Ukraine là cơ hội cho phương Tây nghiên cứu biện pháp đối phó. Hiệu quả của tên lửa Iskander có thể bị giảm trong các cuộc chiến ở tương lai.
Tuy nhiên, bất kỳ vũ khí nào đều cần được thử nghiệm ở chiến trường thực tế để kiểm chứng các tính năng của nó. Việc sử dụng Iskander-M ở Ukraine là cơ hội không thể tốt hơn để Nga hoàn thiện các điểm còn thiếu sót của nó.
Trong tương lai, Iskander-M sẽ trở thành sát thủ đáng sợ hơn đối với NATO.