Sau nhiều lần vi phạm quy định về bảo mật thông tin, TikTok bị cáo buộc đã cung cấp thông tin người dùng tại Mỹ cho chính phủ Trung Quốc.
Khác với Huawei, TikTok là một nền tảng kỹ thuật số nơi dữ liệu hoạt động của TikTok là thứ vô hình và khó truy xuất.
Sự khác biệt về mô hình kinh doanh và cách xử lý khủng hoảng có thể giúp TikTok không bị trừng phạt nặng nề như Huawei.
Lệnh trừng phạt Huawei là bài học cho TikTok
Đầu năm 2020 là thời điểm bùng phát của đại dịch Covid-19, đồng thời ghi nhận sự tăng trưởng thần kỳ của ứng dụng TikTok với hơn 1,5 tỷ lượt tải về và khoảng 500 triệu người dùng toàn cầu chỉ trong 3 tháng đầu năm, số liệu từ Sensor Tower.
Sự tăng trưởng vượt bậc từ số người dùng tới lượng video được sản xuất, đồng thời là sự xuất hiện của nội dung chính trị trên nền tảng TikTok khiến chính phủ Mỹ nghiêm túc thực hiện nhiều cuộc điều tra về nền tảng video này.
Khác với sự cứng rắn của Huawei khi nhận cáo buộc từ chính phủ Mỹ, TikTok đã nhanh chóng thực hiện hàng loạt sự thay đổi nhằm thuyết phục chính quyền của ông Trump rằng công ty không bị điều khiển hoặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc.
Bổ nhiệm Kenvin Mayer làm CEO nhằm xây dựng hình ảnh TikTok không phải là công ty của Trung Quốc. Ảnh: The New York Times. |
Tháng 5, công dân Mỹ Kenvin Mayer, cựu Chủ tịch Disney được bổ nhiệm làm CEO TikTok. Vị CEO này sau đó xây dựng một đội ngũ điều hành toàn là người Mỹ. Hành động tương tự xảy ra tại Australia khi tân giám đốc Lee Hunter đã thay thế hàng loạt nhân sự người Trung Quốc bằng người dân địa phương.
Đầu tháng 7, TikTok cho biết sẽ chuyển trung tâm dữ liệu người dùng châu Âu về Ireland và Anh. Đồng thời, trụ sở chính của công ty sẽ được dời về Singapore, London hoặc Dublin ở Ireland.
Riêng ở thị trường Mỹ, TikTok cho biết sẽ mở "Trụ sở minh bạch nội dung" tại Los Angeles (Mỹ), với mục đích "cho phép các nhà lập pháp và chuyên gia an ninh tự mình kiểm tra cách TikTok kiểm duyệt nội dung và giữ an toàn cho dữ liệu người dùng".
Ngoài ra, TikTok được biết đã chi hơn 800.000 USD vận động hành lang từ đầu năm 2020. Khoản tiền này được hi vọng sẽ "bôi trơn" quốc hội Mỹ và các nhân viên đang làm việc tại Nhà Trắng, khiến họ sẽ tác động đến những quyết định quan trọng của các chính trị gia Mỹ trong thời gian tới.
ByteDance đang tìm cách bán tháo TikTok
Tháng 11/2019, các cơ quan chức năng tại Mỹ bắt đầu điều tra TikTok như một mối đe dọa an ninh quốc gia tiềm ẩn. Nổi bật là Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đã thực hiện một cuộc điều tra độc lập về quá trình mua lại ứng dụng Musical.ly của ByteDance, xem có vi phạm các quy định về đầu tư hay không.
Tháng 12/2019, Hải quân Mỹ ban hành lệnh cấm toàn bộ quân nhân sử dụng TikTok trên điện thoại do chính phủ cấp. Ngay lập tức, ByteDance ngỏ ý bán lại TikTok.
Theo Bloomberg, ByteDance đồng ý bán lại hơn một nửa cổ phần của TikTok với giá 10 tỷ USD vào tháng 1/2020, để bảo vệ giá trị của doanh nghiệp trước làn sóng chỉ trích từ thị trường Mỹ.
ByteDance ngõ ý bán lại TikTok sau khi Hải quân Mỹ ban hành lệnh cấm sử dụng TikTok với toàn bộ các quân nhân. Ảnh: Insider. |
Mặc dù đang thực hiện nhiều hành động nhằm cứu vãn tình hình căng thẳng tại Mỹ, ByteDance được biết cũng đang cố gắng bán TikTok khi giá trị của công ty này chưa bị tác động quá nặng nề.
Theo South China Morning Post, ByteDance vừa có cuộc họp với một số nhà đầu tư về việc bán lại quyền kiểm soát công ty TikTok. General Atlantic và Sequoia Capital được xác định là 2 công ty tham gia vào thương vụ, giá bán chính xác chưa được TikTok tiết lộ.
Tuy nhiên, một số nhà đầu tư khẳng định ByteDance chỉ có thể bán lại cổ phần của TikTok cho những nhà đầu tư ban đầu của họ, khó có sự xuất hiện của nhà đầu tư mới tham gia vào thương vụ trong thời điểm này.
Trong khi chính phủ Mỹ "đang cân nhắc xem xét cấm" ứng dụng TikTok, nhiều "ngôi sao" trên nền tảng này cho biết đã ngừng sử dụng nó, như trường hợp game thủ Ninja, người có 4,8 triệu người theo dõi trên TikTok, đã khẳng định xóa ứng dụng trên điện thoại của anh.