Bài viết dựa trên quan điểm của tác giả Megan Reynolds, Jezebel.
Khoảng thời gian gần đây, tôi gần như rơi vào trạng thái mê hoặc trước sự “quyến rũ” của TikTok. Khi đọc sách và các kênh giải trí trên truyền hình không còn khiến tôi mặn mà nữa, TikTok là ứng dụng duy nhất chiếm lấy khoảng thời gian của bản thân.
Không hề nói quá, TikTok là một ”chất gây nghiện”, và nó hoàn toàn có thể khiến cuộc sống của bạn trở nên khó chịu, mệt mỏi hơn nếu lạm dụng.
Tôi tự hỏi, liệu thế hệ thanh thiếu niên sẽ ra sao nếu cứ bị cuốn vào trong ứng dụng khi có quá nhiều thời gian rảnh rỗi. Và khi năm mới 2021 đến, họ có nhìn lại những gì mình thực sự làm được trong năm 2020 nếu cứ dính lấy TikTok.
"Những đoạn video sẽ vẫn ở đây thôi, vậy nên bạn hãy tắt điện thoại, đi ngủ một chút để nghỉ ngơi". |
Giữa vô vàn video thú vị tôi xem trong đêm, một đoạn video với hình ảnh một người đàn ông tóc nâu tươi cười hiện lên, thúc giục tôi dừng ngay việc đang làm, đặt điện thoại xuống và lên giường đi ngủ.
Nó thực sự hữu ích, đẩy con mắt tôi ra khỏi màn hình điện thoại, tôi đứng dậy, uống một chút nước và chìm vào giấc ngủ, cảm thấy hài lòng với khả năng tự kiềm chế của chính mình.
Vào tháng 2/2020, TikTok đã ra mắt công cụ quản lý thời gian hoạt động trên màn hình, cho phép các phụ huynh kiểm soát rõ ràng thời lượng mà con cái họ dành ra trên ứng dụng.
Nhiều đoạn video với thông điệp tích cực, hữu ích được đưa vào luồng nội dung bạn xem. Ảnh: TikTok. |
Tuy nhiên, đoạn video nhắc nhở mà tôi thấy là một sáng kiến mới được tung ra. Qua đó, TikTok hợp tác với các nhà sáng tạo nổi tiếng để sản xuất ra những thông điệp có nội dung tích cực như bạn nên hoạt động nhiều hơn, ra ngoài nhiều hơn, hay không nên chia sẻ thông tin sai sự thật,…với hy vọng tác động đến thế hệ thanh thiếu niên.
Điều mâu thuẫn là, một công ty đang đặt sự tồn tại của mình vào lượng người xem lại tung ra nhiều thông điệp quan tâm đến sức khỏe người dùng và hạn chế họ.
Đây thực sự là một mẹo thông minh nhằm nâng cao sự uy tín của TikTok. Ứng dụng này đơn thuần chỉ cần đưa các đoạn video nhắc nhở ngắn vào luồng nội dung không bao giờ kết thúc của người dùng, và tất nhiên họ sẽ dễ dàng bỏ qua nó.
TikTok ở đây vì bạn, quan tâm tới bạn, miễn sao bạn không bao giờ rời đi.
Theo số liệu thống kê của tổ chức Sensor Tower, Ấn Độ là quốc gia có số lượng lượt tải TikTok nhiều nhất với 611 triệu lượt, đứng thứ 2 là Trung Quốc với 196,6 triệu lượt và thứ 3 là Mỹ với 165 triệu lượt cài đặt.
Tính tới nay, TikTok đã có 2 tỷ lượt tải về trên toàn thế giới. Ứng dụng hiện bị cấm cửa tại Ấn Độ do những căng thẳng xung đột biên giới với Trung Quốc và đang đứng trước nguy cơ nói lời "tạm biệt" với thị trường Mỹ.