Sáng 23/7, Malaysia đã đưa ra một quy định mới gây bất ngờ khi yêu cầu mọi loại phim ảnh, dù được phát hành ở định dạng nào hay đưa lên mạng xã hội, đều phải có giấy phép mới được xuất bản.
"Không ai được tham gia sản xuất phim, phân phối, phát hành hay gộp cả ba chức năng trên mà không có giấy phép", Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Saifuddin Abdullah trả lời một thành viên nghị viện nước này trong phiên họp quốc hội vào sáng nay.
Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh: Bernama. |
"Những nhà làm phim phải có giấy phép sản xuất phim và giấy phép quay phim, dù để phát lên truyền thông chính thống hay mục đích cá nhân đưa lên mạng xã hội hoặc các kênh truyền thống", ông Saifuddin giải thích thêm.
Quy định này sẽ được áp dụng với tất cả các mạng xã hội, bao gồm những nền tảng phổ biến tại Malaysia như YouTube, TikTok hay Facebook.
"Chính phủ khuyến khích mọi người, già hay trẻ, tổ chức hay cá nhân, được sản xuất mọi loại phim, miễn là tuân theo luật", ông Saifuddin cho biết.
Tuyên bố của ông Saifuddin đã ngay lập tức nhận nhiều sự phản đối. Bà Wong Shu Qi, người đặt ra câu hỏi ban đầu cho ông Saifuddin cho rằng quy định này đồng nghĩa mọi người dùng YouTube, TikTok đều sẽ phải đăng ký để có giấy phép sản xuất, phát hành phim.
Theo South China Morning Post, giấy phép làm phim tại Malaysia yêu cầu người được cấp phép phải đăng ký theo công ty, với mức phí lên tới 50.000 ringgit, tương đương 11.700 USD. Ông Maszlee Malik, cựu bộ trưởng giáo dục Malaysia cho rằng con số này là quá cao đối với những sinh viên, học sinh phải làm phim như một bài tập và tải lên các nền tảng học trực tuyến.
Quy định này được đánh giá là thảm hoạ đối với các mạng xã hội dựa nhiều vào video như TikTok, YouTube hay Facebook. Ảnh: EPA. |
Bộ trưởng Bộ thanh niên Malaysia Syed Saddiq thì cho rằng quyết định này sẽ giết chết ngành sáng tạo nội dung tại Malaysia.
Thủ lĩnh đối lập tại Quốc hội Malaysia, ông Anwar Ibrahim cho rằng tuyên bố "vô lý" của ông Saifuddin là một bước lùi.
"Có thể thấy chính phủ muốn áp dụng luật với mọi trường hợp, bất kể đó là một chính trị gia hay người dùng mạng xã hội, nếu như nội dung không nhất quán với quan điểm của họ", ông Ibrahim cho biết.
Nhiều người dùng mạng xã hội cũng phản đối phát ngôn của ông Saifuddin. Cây viết KC Nazari thì đùa rằng mình cũng phải xin giấy phép để lắp đặt camera giám sát trong nhà.
"Quy định này đồng nghĩa mọi video cá nhân, dù là về một buổi sinh nhật hay đám cưới, cũng phải được cấp phép trước khi chia sẻ lên mạng xã hội", luật sư Purshotaman Puvanendran nói với South China Morning Post.