Một gia đình giàu có ở Hà Nội đầu thế kỷ XX. Ảnh:Flickr. |
[…]
Một chuyện là “Đặt tên”.
Có tên để mà gọi. Thế thôi mà! Nhưng mỗi nhà làm một kiểu. Nhà thường thường khi sinh con trai, hay đến nhà ông đồ, “ăn mày” cụ một chữ, đặt tên cho cháu. Ông đồ hay đặt trong mấy chữ: Hiếu, Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Chính, Quang, Minh, Huy, Hoàng, Anh, Dũng, Cương, Cường. Cốt để chúc cho cháu thành người tốt.
Đẻ con gái hay đặt tên hoa: Lan, Huệ, Mai, Cúc. Trong những tên hoa, có chữ bị nhà quyền quý lấy để đặt tên cho các “thị tỳ”: Sen, Đào. Nói thật, ở nước ta không có những thị tỳ như trong các tiểu thuyết cổ phương Bắc, vì triều đình nhà Lý đã “cấm bán người”. Đây chỉ là con nhà nghèo đi làm thuê, đi “ở đợ”, trừ nợ có thời hạn. Nhưng các ông bà chủ vẫn gọi chung là “con Sen”, “con Nhài”.
Nhà nông đẻ con gái, thì đặt tên là cái Cua, cái Cáy, con Diếc, con Rô cho xong. Nhà có chữ không dùng tên “Nhài”, lấy cái cớ về đêm mới nở. Họ hay dùng các chữ trong Nữ tắc: Công, Dung, Ngôn, Hạnh, U, Nhàn, Trinh, Tĩnh. Nhà thợ thuyền hay dùng các chữ: Mực, Thước. Nhà chùa hay đặt cho các chú tiểu tên: Tuệ, Giác, Tĩnh, Thông.
Tên bố mẹ đặt cho, lúc mới đẻ gọi là “nhũ danh”. Khi đi học lại có thể đổi tên khác. Lúc lớn lên, tùy ý hướng, lại có thể đổi tên lần nữa. Tên cuối cùng, tên chính thức, là tên “húy”. Tục gọi là “tên cúng cơm”.
Các ông vua như Lê Thánh Tôn, “Thánh Tôn” là tên “thụy” đặt ra sau khi chết, để tôn thờ, chớ còn sống thì không ai dám gọi tên, mà chỉ dám gọi là “Đức Kim thượng, đức vua”. Vua Gia Long, thì tên húy là Ánh, Gia Long là “niên hiệu” thôi, thụy hiệu là Thế Tổ Cao hoàng đế.
Sách Hà Nội thanh lịch của Hoàng Đạo Thúy ghi lại nhiều chuyện liên quan đến cuộc sống thường ngày của người xưa. Ảnh: Phong Linh. |
Mỗi văn sĩ đặt cho mình một tên “tự”, thường lấy ở trong một câu kinh sách có chữ tên mình, hay lấy một tên ngược với tên mình. Lại còn tên “hiệu” là tên đặt để tỏ ý chí, tỏ cái thích của mình. Có khi lấy trong tên làng mình.
Có tên để gọi. Nhiều tên thế, mà cái ngược đời lại là “kiêng” gọi tên. Con không dám nói tên bố mẹ, cứ nói chệch đi. Ví dụ, Lỵ lại nói là Lợi. Có những nhà tự cho là có “gia giáo”, một câu mà có đến vài chữ “kiêng”, thì nực cười.
Tên vua, tên hoàng hậu thì cả nước phải kiêng. Vua Tự Đức tên là Thì, ai cũng phải nói là “Thời”. Mỗi kỳ thi, phải yết bảng những tên phải kiêng. Dùng nhầm vào hay viết không đúng cách, gọi là “phạm húy”, bị “đánh hỏng”.
Đến chơi nhà người ta mà vô ý gọi tên bố mẹ chủ nhà, coi là thiếu lễ phép. “Thất lễ”.
[...]