Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đường thi cử lận đận khiến Nguyễn Công Trứ 'ham chơi'

Dẫu là "nhân vật có kỳ tài lỗi lạc, về ngôn ngữ, hành động, thường không chịu bó buộc theo quyền sáo thói thường", nhưng Nguyễn Công Trứ thành tài muộn, đường công danh lận đận.

Bất luận về thời đại nào, dù phương Đông hay phương Tây, phàm đã là một nhân vật có kỳ tài lỗi lạc, về ngôn ngữ, hành động, thường không chịu bó buộc theo quyền sáo thói thường. Sự khác tục ấy, với hạng người hương nguyện, đều cho là ngạo ngược, không quy củ, trái lễ độ. Biết đâu rằng chính những người khác tục ấy, đối với việc đời, mới có gan, có thủ đoạn, dám nói, dám làm.

Còn các người thường, không kể những kẻ chẳng có danh phận gì, nói ngay những kẻ được ở vào địa vị làm mái nóc, làm tai mắt cho hạ dân, mà chỉ sống theo nền nếp, phúc nhờ may mắn, sống lâu lên lão làng, dù có giàu sang tới bậc nào, ngoài thân gia họ ra, chẳng chút chi bổ ích cho xã hội nhân quần, thì sống đấy cũng như không, mà chết rồi là hết chuyện. Vậy hạng người khác tục ấy là hạng người mà đời cần phải có, vì có hạng người ấy, đời mới trở nên tốt đẹp.

Ông Nguyễn Công Trứ, một nhân vật có tiếng của nước ta trong đời gần đây, chính là đại biểu cho hạng người ấy.

Ông Nguyễn Công Trứ sinh ngày mồng một tháng 12 năm Mậu Tuất, tức là năm thứ 38 (1778) vua Hiển Tôn nhà Lê, tên tự là Trọng Chiêm, quán làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, nay thuộc phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

nguyen cong tru anh 1

Chân dung Nguyễn Công Trứ. Ảnh: honguyenvietnam.

Từ khi còn bé, ông đã tỏ ra người có tài khí rất lỗi lạc, có những cử chỉ khác thường. Lớn lên, tính tình rất hào đạt, không câu nệ những điều nhỏ nhặt, gặp việc gì cũng dám nói, dám làm.

Cũng vì tính ngang trái ấy, văn chương thường theo ý kiến mình, không chịu buộc lòng theo ý khảo quan, nên dù học rộng, văn hay mà thi luôn mấy khoa không đậu, ông có làm bài thơ tỏ chí:

Đi không chẳng lẽ trở về không,

Cái nợ trần hoàn chửa trả xong.

Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt,

Trót đem thân thế hẹn tang bồng.

Đã mang tiếng ở trong giời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

Trong cuộc trần ai ai dễ biết,

Rồi ra mới rõ mặt anh hùng.

Một người có tài trí như ông, chỉ mong được dịp xuất đầu đem những điều dự định ra giúp đời giúp nước. Nhưng phiền nỗi sinh vào một thời đại, trên triều đình chỉ chuyên lấy khoa mục để kén nhân tài, các sĩ phu đều phải do đường ấy để tìm lối xuất thân. Vì vậy, ông cũng phải cúi cổ vùi đầu trong đống sách chết, nhai nhẩm mớ hư văn để được theo đòi cùng các bạn, đua chen nơi trường ốc, cầu cái phúc may tên chiếm bảng vàng.

Vậy mà thi mãi không đậu, người hào đạt như ông, sự đắc thất dù chẳng quan tâm, nhưng cũng không tránh khỏi điều tục lụy. Vì nhà ông vốn đã nghèo, lại phải theo học mãi, đi thi mãi, nên lại càng nghèo. Ở vào cảnh cùng quẫn ấy, thầy đồ không thể nằm yên ở nhà được. Cũng phải như các bạn nhà nho khác, “nón sơn úp bụng, đi liểu đi liều”, tìm nơi dạy học, lấy lương hồ khẩu chờ đợi thời cơ.

Về văn tài của ông, ngoài Hán văn ra, các lối quốc văn cũng giỏi và có đặc sắc. Khi đi dạy học, ông có viết đôi câu đối ở bên chỗ ngồi rất thú vị:

Chị em ơi! Ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông tây nam bắc bốn phương giời, đâu cũng lừng danh công tử xác!

Giời đất nhẻ! Gắng một phen này nữa, xếp cung kiếm cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng phu kềnh!

Dù là “công tử xác”, nhưng vốn tính hào hoa, hễ có tiền là lại đi tìm các cuộc vui chơi. Về các thú chơi, món gì ông cũng ham thích. Ông có bài thơ nói về cái thú đánh bạc, trong có hai câu”

Làm hai ba chữ [1] mà chơi vậy,

Bỗng chốc nên quan [2] cũng sướng đời.

(Chú thích: [1] Đồng tiền; [2] Quan tiền. Ý nói có mấy đồng đem đánh được thành quan tiền.)

Bất đắc chí về khoa danh, ông lại càng chơi bời. Tuy vậy, những người biết rõ tài trí ông đều chắc hẳn mai sau ông sẽ làm nên công danh sự nghiệp lớn.

Một hôm, trong lúc đi tìm thú vui, giữa đường bỗng gặp giời mưa gió rét, ông phải tạm vào cái quán nước cạnh đường ngồi nghỉ. Ngồi lâu mỏi mệt, ông liền nằm kềnh lên cái ổ rơm của nhà hàng, rồi ngủ lúc nào không biết. Bỗng có đại binh của quan Tả quân Lê Văn Duyệt đi diễn tập về qua đấy. Các người trong làng đều sợ hãi, cùng đứng nép vào một xó. Toán quân tiền hô đi vào quán, thấy trên ổ rơm có người đắp chiếu nằm ngủ, thét gọi phải dậy, thì vừa lúc quan Tả quân phóng ngựa tới nơi.

Dù bị bách phải dậy, ông Trứ vẫn ra bộ nghênh ngang, không chút sợ hãi. Quân lính xúm lại chực bắt. Ông Duyệt ngồi trên ngựa nhìn vào, thấy dáng người có vẻ khác thường, truyền quân lính không được làm dữ và bảo dẫn ông ra đứng trước mặt, hỏi:

- Cớ sao mi thấy đại quân ta trẩy qua mà cứ nằm ì không dậy? Tội khinh mạn ấy đáng nên trọng trị.

Vẫn giữ vẻ điềm nhiên, ông Trứ thưa:

- Quân đội của đại vương là quân nhân nghĩa, kỷ luật nghiêm minh, đi tới đâu, dân sự vẫn được yên ổn làm ăn, không hề bị kinh động. Nhờ vậy, ở ngay dưới oai phủ việt, tiểu sinh vẫn được nằm yên. Cũng vì đi đường nhọc mệt, gặp nơi yên ấm ngủ quên, nên không biết đại quân qua ngoài mà xa tránh, thực là đắc tội, cúi xin đại vương lượng thứ cho.

Nghe nói, ông Duyệt dịu dàng bảo rằng:

- Thế ra mi là học trò, vậy mi vịnh ngay được hai câu thơ tả cảnh “đắp chiếu nằm ổ rơm” là cảnh mi nằm ngủ vừa rồi. Nếu hay ta sẽ tha tội cho, bằng dở hay không vịnh được, lập tức theo quân pháp trị tội.

Ông Trứ xin phép, rồi ứng khẩu đọc ngay:

Ba vạn anh hùng [1] đè xuống dưới,

Chín lần thiên tử [2] đội lên trên.

(Chú thích: [1] Tục ngữ nói anh hùng rơm. [2] Chữ chiếu đắp đồng âm với chữ chiếu của vua.)

Quan Tả quân tấm tắc khen hay, hỏi rõ họ tên, thưởng cho 5 nén bạc, lại ân cần khuyên bảo mấy lời, rồi để cho đi.

Cũng từ đó, ông Lê Văn Duyệt lưu tâm đến ông Trứ, định sẽ có ngày thu dụng.

Doãn Kế Thiện/Nhã Nam/NXB Hồng Đức

SÁCH HAY