Việc Thổ Nhĩ Kỳ hôm 24/4 tuyên bố đóng cửa không phận với tất cả máy bay chở quân của Nga tới Syria, bất kể dân sự hay quân sự, là động thái gây bất ngờ nhưng không thể tránh khỏi. Đây là dấu hiệu cho thấy Ankara quyết tâm cứng rắn hơn với Moscow vì chiến dịch quân sự mà Nga phát động ở Ukraine, theo Financial Times.
Thổ Nhĩ Kỳ quyết gây sức ép
Quyết định cấm cửa binh sĩ Nga bay qua không phận để đến Syria được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu công bố hôm 24/4. "Chúng tôi đóng cửa không phận với máy bay quân sự và thậm chí cả dân sự của Nga chở theo binh sĩ tới Syria", ông Cavusoglu tuyên bố trong chuyến thăm Uruguay, theo kênh truyền hình nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ TRT.
Syria là nơi quân đội Nga đóng vai trò then chốt, giúp duy trì quyền lực của chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad.
Các chuyên gia nhận định bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm phức tạp thêm các nỗ lực tiếp vận, hậu cần, luân chuyển và bổ sung binh sĩ của Nga ở Syria. Trước đó, ngay sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine hồi cuối tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa eo biển Bosphorus. Đây là con đường duy nhất từ biển Đen ra vùng nước quốc tế bên ngoài.
Nga không có biên giới tiếp giáp trên bộ với Syria. Nay, khi đường thủy từ Biển Đen đã bị đóng, Nga chỉ có thể chuyển quân bằng đường không.
Charles Lister, giám đốc chương trình nghiên cứu Syria tại tổ chức tư vấn chính sách Middle East Institute, nhận định con đường chuyển quân duy nhất của Nga lúc này là không vận thông qua Iran và Iraq.
Binh sĩ Nga tuần tra ở Syria năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Theo Bloomberg, phần lớn hoạt động chuyển quân giữa Nga và Syria trước này đều đi qua không phận Thổ Nhĩ Kỳ, dù số lượng binh sĩ được vận chuyển chưa từng được công khai.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận lệnh đóng cửa không phận của nước này khó có khả năng làm gián đoạn hoạt động vận chuyển binh sĩ, vũ khí giữa Nga và Syria. Dù vậy, việc đi đường vòng qua Iran sẽ khiến Moscow mất thêm thời gian và chi phí vận tải, hậu cần.
Mục đích của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm thể hiện sự đoàn kết với các thành viên NATO khác trong nỗ lực chung hỗ trợ Ukraine và gây sức ép toàn diện lên Nga, buộc Moscow phải sớm chấm dứt chiến dịch quân sự.
Từ sau khi Moscow đưa quân vào Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm Nga sử dụng không phận nước này phục vụ các chiến dịch quân sự tại Syria. Tuy nhiên, việc đóng cửa hoàn toàn không phận với quân đội Nga và công khai quyết định trên là bước leo thang đáng chú ý.
Aaron Stein, giám đốc chương trình Trung Đông tại viện nghiên cứu chính sách Foreign Policy Research Institute, cho biết Mỹ và nhiều quốc gia liên tục hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng ảnh hưởng của mình với Moscow, đặc biệt liên quan tới Syria, để gia tăng sức ép lên Điện Kremlin.
"Ankara cần nhiều thời gian để nhất trí với phương Tây, nhưng sau 2 tháng, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến thêm một bước dài nhằm cản trợ hoạt động của Nga ở Syria vì vấn đề Ukraine", ông Stein nhận xét.
Binh sĩ Nga vào hàng ngũ trước một tiêm kích Su-35 tại căn cứ không quân Hmeimim ở Syria hôm 9/5/2021. Ảnh: AFP. |
Quan hệ Nga - Thổ phức tạp
Thổ Nhĩ Kỳ đến nay vẫn cố gắng hành xử cân bằng trong quan hệ với Nga. Trong khi gần như toàn bộ châu Âu đã cấm cửa máy bay Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục là một ngoại lệ bởi khách du lịch từ Nga mang lại cho Ankara nguồn lợi kinh tế khổng lồ.
Dù từ chối tham gia cùng phương Tây trong chiến dịch trừng phạt kinh tế - thương mại chống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục cung cấp máy bay không người lái cho Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng tích cực đóng vai trung gian hòa giải, là nước chủ nhà cho vòng đàm phán mới nhất giữa Ukraine và Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, khẳng định Ankara sẵn sàng hỗ trợ mọi cách có thể trong quá trình thương lượng giữa Ukraine và Nga, theo AFP.
Quyết định tăng cường sức ép lên Nga ở Syria, nơi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ và có hiện diện quân sự đáng kể, phản ánh sự phức tạp trong quan hệ giữa Moscow và Ankara.
Thổ Nhĩ Kỳ và Nga nhiều năm qua đã rơi vào mối quan hệ vừa cạnh tranh nhưng cũng vừa hợp tác.
Kể từ sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan và người đồng cấp Nga bắt đầu xây dựng quan hệ cá nhân thân thiết. Tuy thế, hai nước lại ủng hộ những phe khác nhau trong các cuộc xung đột từ Syria, Lybia cho đến vùng Caucasus, theo Bloomberg.
Tổng thống Putin và Tổng thống Erdogan gặp nhau tại Moscow tháng 3/2020. Ảnh: Reuters. |
Lúc này ở Syria, hàng nghìn binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang được triển khai nhằm bao vây lực lượng người Kurd ở tỉnh Idlib. Đáng nói, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang ở vị trí dễ bị tấn công bởi lực lượng chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Omer Ozkizilcik, chuyên gia an ninh và chính sách đối ngoại tại Ankara, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép với Nga ở Syria nhằm buộc Nga "nghiêm túc hơn trong các cuộc đàm phán" với Ukraine.
"Nếu muốn Nga đàm phán và đạt một thỏa thuận, cần có vị thế tốt trên chiến trường và phải sử dụng sức mạnh cứng. Thổ Nhĩ Kỳ đã làm như vậy suốt những năm qua và sẽ tiếp tục cách làm này", ông Ozkizilcik nói.
Tuần qua, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự nhắm vào lực lượng vũ trang người Kurd ở miền Bắc Iraq. Các chuyên gia nhận định không loại trừ khả năng Ankara sẽ tận dụng ảnh hưởng với Nga để mở chiến dịch quân sự tương tự nhắm vào quân đội người Kurd ở Syria.