Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LONGFORM

Vì sao 'Thế hệ Vàng' của Malaysia không thành công như Việt Nam

Không cần trí tuệ nước ngoài như Park Hang-seo, chẳng phải xuất khẩu cầu thủ như Thái Lan, Malaysia là mô hình thành công độc đáo ở Đông Nam Á, đối thủ kế tiếp của tuyển Việt Nam.

cau thu nhap tich anh 1cau thu nhap tich anh 2

Không cần trí tuệ nước ngoài như Park Hang-seo, chẳng phải xuất khẩu cầu thủ như Thái Lan, Malaysia là mô hình thành công độc đáo ở Đông Nam Á, đối thủ kế tiếp của tuyển Việt Nam.

Khi trận chung kết SEA Games 2009 còn chưa kết thúc, HLV Henrique Calisto đã quay lại phía các trợ lý. Ông cúi đầu, nói với họ: “Thôi, mình thua trận này rồi”.

Đấy là lần duy nhất trong suốt những năm tháng làm việc tại Việt Nam, “người đàn ông thét ra lửa” đó phải bất lực. Bóng đá Malaysia non trẻ đã làm được cái điều mà Thái Lan hay Singapore không thể làm nổi một năm về trước: đánh bại Việt Nam.

Chiến thắng ấy góp phần đặt dấu chấm hết cho “Thế hệ Vàng thứ hai” của bóng đá Việt Nam, những người đã vào tới tứ kết Asian Cup 2007 và chinh phục AFF Cup 2008, đồng thời mở ra thời kỳ bóng đá Malaysia thống trị khu vực.

cau thu nhap tich anh 3

Thắng lợi tại chung kết SEA Games 2009 chỉ là chiến công đầu tiên của bóng đá Malaysia trước Việt Nam, khởi đầu cho hàng loạt thắng lợi khác.

cau thu nhap tich anh 4

Trước SEA Games năm ấy, bóng đá Việt Nam đang ở đỉnh cao khu vực. Malaysia, ở chiều ngược lại, vẫn xếp chiếu dưới. SEA Games năm ấy đã giúp Malaysia khai sinh một thế hệ mới. Họ lật nhào sự thống trị của Việt Nam, xô đổ người khổng lồ Thái Lan và tạo nên triều đại của riêng mình.

Ba năm kể từ đó, Malaysia là Roger Federer của bóng đá Đông Nam Á, đánh đâu thắng đó. Ba năm liên tiếp, họ thâu tóm 2 HCV SEA Games, đăng quang AFF Cup 2010 với chiến thắng trước Việt Nam ở bán kết. Bên cạnh Thái Lan, Malaysia là nền bóng đá thứ hai ở khu vực từng làm được điều này.

Những chiến công ấy mở ra 10 năm tiếp theo đầy vinh quang. Tuyển quốc gia Malaysia 3 lần vào chung kết trong 5 kỳ AFF Cup gần nhất, U23 Malaysia vô địch 2 kỳ SEA Games trong 5 kỳ vừa qua. Để tiện so sánh, Việt Nam chưa từng có mặt ở chung kết SEA Games từ năm 2009 tới nay.

Sự phát triển ổn định suốt một thập kỷ tạo nền móng cho bóng đá Malaysia vươn ra châu lục. Tại VCK U23 châu Á 2018, khi Việt Nam còn hân hoan với kỳ tích của đội U23, Malaysia cũng xuất sắc có mặt tại tứ kết. Tại ASIAD 18, Malaysia khiến châu Á chấn động khi quật ngã Hàn Quốc có Son Heung-min trên sân. Á vận hội năm ấy, người Mã đứng đầu trong một bảng đấu có cả Hàn Quốc, Bahrain, Kyrgyzstan và chỉ thua 0-1 trước Nhật Bản tại vòng kế tiếp.

Nói với báo giới sau trận, HLV Ong Kim Swee của Olympic Malaysia bảo: “Chúng tôi tin rằng mình có thể đánh bại những đội bóng lớn. Thực tế chứng minh chúng tôi từng quật ngã cả Olympic Hàn Quốc thì chẳng có gì đáng ngại cả. Điều đó cho thấy đội tuyển có thể làm được bất kỳ điều gì”.

Nếu bóng đá Việt Nam tự hào với Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu thì Malaysia cũng đang sở hữu những tài năng sáng giá. Đội hình Malaysia đến Mỹ Đình ngày 10/10 có 8 thành viên trưởng thành từ giải đấu ở Trung Quốc. Không chỉ Việt Nam, Malaysia cũng đang có một “Thế hệ Thường Châu”.

Hai trận Vòng loại World Cup 2022 trong tháng 10 rất thú vị vì nó đưa tuyển Việt Nam gặp lại Malaysia và Indonesia, những đội bóng đã loại chúng ta ở 2 kỳ AFF Cup 2014 và 2016, đều theo những cách đau đớn, đều trên thảm cỏ Mỹ Đình. Không thắng được hai kẻ cựu thù ấy, tuyển Việt Nam có thể quên luôn giấc mơ World Cup.

cau thu nhap tich anh 5cau thu nhap tich anh 6

cau thu nhap tich anh 7

Khác với toàn bộ phần còn lại của Đông Nam Á, Malaysia vươn tới đỉnh cao mà không cần những sự hỗ trợ từ bên ngoài. Các chiến công lớn của người Mã đều được gây dựng bởi những chiến lược gia nội.

“Dị nhân” Datuk K. Rajagobal, người mở ra thời kỳ Malaysia thống trị khu vực bằng việc đánh bại Calisto, sinh ra ở thủ đô Kuala Lumpur. Người kế nhiệm Ong Kim Swee trưởng thành từ bang Malacca cách Kuala Lumpur 2 giờ lái xe. HLV trưởng tuyển Malaysia hiện tại, Tan Cheng Hoe, lớn lên ở Kedah, một bang nằm ở biên giới phía Bắc.

cau thu nhap tich anh 8

Cả Rajagobal, Kim Swee và Cheng Hoe đều chưa từng thi đấu hay làm việc tại nước ngoài. Họ đều trưởng thành từ cái nôi bóng đá nội, đều chỉ dẫn dắt các CLB trong nước, đều nắm quyền ở U19, U23 trước khi chuyển lên tuyển quốc gia. Con đường của họ không khác nhiều so với Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, những cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam.

Điểm khác biệt là họ đều thành công.

Ba cái tên ấy không phải những ngoại lệ. Ngoại trừ Frank Bernhardt từng cầm quân trong một giai đoạn ngắn, tuyển quốc gia Malaysia chưa có thêm HLV ngoại nào kể từ năm 2005.

Đó thực sự là điều kỳ lạ đặt trong bối cảnh khu vực Đông Nam Á. Những đội tuyển Việt Nam thành công nhất lịch sử đều gắn với tên tuổi các HLV ngoại, từ Karl-Heinz Weigang tới Alfred Riedl, từ Calisto tới là Park Hang-seo.

Với Thái Lan, tình hình cũng diễn ra tương tự khi hai HLV chính thức gần nhất là Milovan Rajevac (Serbia) và Akira Nishino (Nhật Bản). Philippines cũng không nằm ngoài quy luật khi trả 80.000 USD cho Sven-Goran Eriksson (Thụy Điển), còn Indonesia từng tin vào danh tiếng của Luis Milla (Tây Ban Nha) hay giờ là Simon McMenemy (Scotland).

Malaysia không dùng hàng nhập khẩu. Họ vẫn sống khỏe với đồ nội địa. Tại vòng loại U23 châu Á 2020 hồi tháng 3, U23 Malaysia của Ong Kim Swee cầm hòa Trung Quốc của Guus Hiddink. Tại Vòng loại World Cup, tuyển Malaysia của Tan Cheng Hoe khiến UAE chật vật chống đỡ. Năm 2014, Malaysia giành chiến thắng 4-2 trước Toshiya Miura tại Mỹ Đình. Còn Tan là người bất phân thắng bại với thầy Park ở chung kết lượt đi AFF Cup năm ngoái.

Chưa có những bằng chứng rõ ràng giải thích hiện tượng độc đáo ấy trên băng ghế huấn luyện của đội tuyển Malaysia. Tuy nhiên, chúng ta có thể xem xét hai giả thiết.

Thứ nhất, Kuala Lumpur là nơi đặt trụ sở Liên đoàn Bóng đá Châu Á (AFC), nghĩa là thay vì tìm kiếm những nguồn trợ giúp từ nước ngoài, Malaysia đã luôn là đầu não, trung tâm phát triển của châu Á. Họ ở gần nhất, có điều kiện tốt nhất để học hỏi tinh hoa châu lục.

Thứ hai, giải vô địch quốc gia Malaysia là sự khác biệt. Đây là giải quốc nội giàu nhất Đông Nam Á. 12 CLB Malaysia Super League sở hữu 5 SVĐ có sức chứa lớn hơn hoặc bằng Mỹ Đình. Hai SVĐ quốc gia Bukit Jalil hay Shah Alam thuộc hàng lớn nhất thế giới với trên 80.000 chỗ ngồi. Giải quốc nội của họ được tài trợ bởi Nike, Kappa, BMW... Các CLB Malaysia dùng 5 ngoại binh, trả lương cao nhất Đông Nam Á.

cau thu nhap tich anh 9cau thu nhap tich anh 10

Giống như các HLV, cầu thủ Malaysia không có nhu cầu xuất ngoại. Họ lớn lên từ các lò đào tạo trẻ, ở lại trong nước, cạnh tranh quyết liệt để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp tại giải đấu trả lương hậu hĩnh nhất Đông Nam Á. Thu nhập của các tuyển thủ Malaysia rơi vào tầm 70.000 ringgit (hơn 16.000 USD/tháng). Đó là con số không tưởng với những Quang Hải, Đỗ Duy Mạnh hay Lương Xuân Trường, cao hơn hẳn thu nhập của Đặng Văn Lâm ở Muangthong (hơn 10.000 USD) và chỉ kém chút ít so với Văn Hậu tại châu Âu (22.000 USD/tháng).

Tất cả những điều đó giữ mọi nguồn lực của bóng đá Malaysia ở lại quê nhà, tạo cho họ động lực tự thân cực cao để phát triển. Người đại diện kỳ cựu Hafizan Halim nói với ESPN: “Các cầu thủ nhận được những đề nghị từ Thái Lan. Nhưng đó thậm chí không phải điều cần lựa chọn. Thứ họ có thể nhận được từ các CLB địa phương còn nhiều hơn thế”.

Mô hình bóng đá “bạo vì tiền” của Malaysia cũng gây ra những tranh cãi nhưng hiệu quả của nó vẫn đang hiển hiện. Sức mạnh tài chính giúp Malaysia có điều kiện phát triển thứ bóng đá tự thân, giúp họ xây dựng những khối đoàn kết đậm đặc “tinh thần Malaysia”, đủ sức đương đầu với mọi ông lớn khu vực.

cau thu nhap tich anh 11

Tuy nhiên, chừng ấy có lẽ là chưa đủ. Bóng đá Malaysia dường như vẫn thiếu “một chút gì đó” để vươn xa trên hành trình châu lục. Kể từ U23 châu Á 2018 tới nay, bóng đá Malaysia chưa từng vượt qua tứ kết một giải châu lục. Nội lực tự thân giúp họ vượt qua vòng đấu bảng, cho phép họ chơi vài trận để đời trước Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng không đủ để tiến sâu hơn. Những phát triển mạnh mẽ về chất chưa tạo ra sự thay đổi về lượng với bóng đá Malaysia.

Đó cũng là điều hợp lý nếu nhìn vào bài học trước đó của Thái Lan. Tuyển Thái dưới thời Kiatisak Senamuang chơi cực hay ở Đông Nam Á nhưng trở thành “rổ đựng bóng” mỗi khi bước ra sân chơi châu lục.

Malaysia cũng như Thái Lan hay Việt Nam chưa thể vượt qua được những hạn chế nội tại của “vùng trũng” Đông Nam Á. Họ vẫn cần chút “doping” từ những nền bóng đá phát triển hơn. Việt Nam có điều đó từ Park Hang-seo, Thái Lan có từ Nishino. Với Malaysia, đấy là những cầu thủ mang gốc gác nước ngoài.

Văn Hậu hay Quế Ngọc Hải hẳn chưa thể quên cầu thủ nhập tịch Mohamadou Sumareh ở AFF Cup 2018. Sinh ra tại Gambia, chuyển tới Malaysia năm 17 tuổi, Sumareh là cầu thủ nhập tịch đầu tiên của bóng đá Malaysia kể từ thập niên 60. Hai tháng trước ngày đối đầu Việt Nam, anh mới ra mắt đội tuyển quốc gia.

Vào sân từ ghế dự bị trong trận gặp Sri Lanka, Sumareh lập tức ghi bàn. Màn ra mắt hoàn hảo của Sumareh đã “bật đèn xanh” cho một chiến dịch có thể thay đổi cả nền bóng đá Malaysia. Kết quả của chiến dịch ấy là sự xuất hiện của những cầu thủ gốc nước ngoài như tiền vệ nhập tịch Brendan Gan, Mã kiều Matthew Davies và La’Vere Corbin-Ong. Họ nhiều khả năng sẽ cùng ra sân ở trận gặp Việt Nam ngày 10/10. Hai người trong số này, Gan và Davies, đến từ Australia, là thành tựu của Giám đốc Kỹ thuật Peter de Roo, người Hà Lan và từng là chuyên gia tìm kiếm tài năng cao cấp ở Australia.

Họ là những dấu hiệu cho thấy sự dịch chuyển của bóng đá Malaysia, một sự dịch chuyển cần thiết để Malaysia tìm thấy điều họ còn thiếu trên hành trình bước ra châu lục.

cau thu nhap tich anh 12cau thu nhap tich anh 13

Tuy nhiên, mọi thứ diễn ra có vẻ hơi nhanh chóng?

Nhìn vào lịch sử nhập tịch vô cùng thận trọng của người Thái, ta sẽ hiểu nhập tịch luôn là câu chuyện nhạy cảm với bóng đá Đông Nam Á. Nhiều nền bóng đá, trong đó có Việt Nam, từng muốn làm điều đó nhưng bất thành.

Ở chiều ngược lại, Malaysia chỉ cần hơn một năm để đưa gần nửa đội hình cầu thủ có gốc nước ngoài lên tuyển. Hai cuộc khảo sát được thực hiện bởi Harian Metro và Berita Harian trên Facebook lần lượt cho thấy 68% và 75% người Malaysia ủng hộ dự án này.

Đề xuất của Liên đoàn Bóng đá Malaysia (FAM) được Thủ tướng Mahathir Mohamad ủng hộ nhiệt tình miễn là “không phải 11 người đều tới từ nước ngoài”. FAM thậm chí đã lên một kế hoạch 3 giai đoạn cho chuyện này cùng bản danh sách 10 cầu thủ mang dòng máu nước ngoài đủ điều kiện khoác áo đội tuyển.

“Sự dễ dãi” ấy sẽ không bao giờ diễn ra tại Việt Nam hay Thái Lan. Nguyên nhân vì đâu?

Trong các nước Đông Nam Á, Malaysia là quốc gia duy nhất có hai vùng lãnh thổ chính nằm cả trên đất liền lẫn đại dương. Lịch sử Malaysia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ hai nền văn minh Ấn Hằng và Trung Hoa. Quốc gia nửa đảo, nửa đất liền này nằm ở trung tâm Đông Nam Á, tọa lạc trên con đường giao thương chiến lược nối liền Đông Á và châu Âu. Vị trí địa lý biến Malaysia thành một đất nước có đa dạng tôn giáo, sắc tộc và ngôn ngữ bậc nhất. Đó cũng là lý do khiến người Malaysia dễ dàng chấp nhận cái mới, sẵn sàng mở cửa cho những cầu thủ nhập tịch.

Sumareh đã nói sau ngày ra mắt đội tuyển: “Bàn thắng này là để đền đáp niềm tin và sự ủng hộ không ngừng nghỉ của HLV Tan Cheng Hoe cũng như người dân Malaysia đã thể hiện với tôi. Họ đã tin tưởng khi tôi nói rằng mình sẽ cống hiến tất cả cho tuyển Malaysia”.

Anh chàng Sumareh, HLV Tan đều sẽ góp mặt trong trận gặp Việt Nam ngày 10/10. Họ là những biểu tượng của một Malaysia đậm đà bản sắc nhưng cũng cởi mở và hiện đại. Cũng như Việt Nam, cũng như Thái Lan, người Mã đã bắt đầu nói về World Cup.

Đó chắc chắn sẽ là đối thủ thú vị và không dễ chơi dành cho tuyển Việt Nam của HLV Park Hang-seo.

Đánh giá tuyển Việt Nam không biết ghi bàn, báo Malaysia đúng hay sai?

Malaysia sở hữu thành tích 26 bàn từ đầu năm 2019, trong khi tuyển Việt Nam ghi 7 bàn. Có phải hàng công của HLV Park Hang-seo yếu hơn đối thủ trước thềm trận đại chiến?

Minh Chiến

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm