Mới đây, khi thông báo thành tích của ca khúc Chúng ta của tương lai, Sơn Tùng sử dụng khái niệm perfect all-kill (PAK) vốn gây tranh luận suốt thời gian dài ở Vpop. Cụ thể, nam ca sĩ viết: “Sau gần một tuần ra mắt, Chúng ta của tương lai vẫn cứ là số 1 cho tất cả. Perfect all-kill. Cảm ơn mọi người rất nhiều vì những con số tuyệt vời đã dành cho bạn ấy”.
PAK là khái niệm rất quen thuộc và vốn phổ biến với fan Kpop hơn cả. Đây là thành tích mà tất cả nghệ sĩ đều ao ước bởi nó chứng minh cho độ nổi tiếng, thành công của một ca khúc trên các bảng xếp hạng âm nhạc.
Sơn Tùng khoe thành tích PAK cho ca khúc Chúng ta của tương lai. Ảnh: FBNV. |
Perfect all-kill là gì?
Theo Grammy, PAK được sử dụng khi một bài hát giành vị trí số 1 trên tất cả bảng xếp hạng thời gian thực, hàng ngày của các nền tảng phát nhạc trực tuyến lớn tại Hàn Quốc cộng thêm BXH thời gian thực, hàng tuần của iChart. Trong đó, bảng xếp hạng thời gian thực lẫn hàng tuần của iChart được tính dựa trên điểm số của các ca khúc từ những nền tảng phát nhạc nói trên.
iChart là một công cụ tổng hợp xếp hạng âm nhạc được vận hành bởi Instiz Corporation. Đây là bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến đầu tiên và duy nhất của Hàn Quốc tổng hợp thứ hạng từ tất cả dịch vụ phát nhạc trực tuyến lớn ở nước này.
Trước năm 2015, iChart tổng hợp điểm từ 10 nhà cung cấp dịch vụ âm nhạc khác nhau, bao gồm Melon, Mnet, Bugs!, Olleh, Soribada, Genie, Naver, Daum, Cyworld và Monkey3. Tuy nhiên, sau khi xem xét tính nhất quán về tiêu chí xếp hạng, lượng người dùng hoặc dịch vụ bị ngừng, iChart có sự thay đổi. Hiện tại, iChart thống kê thành tích từ 6 bảng xếp hạng khác nhau bao gồm Melon (trang nghe nhạc chiếm thị phần lớn nhất Hàn Quốc), Genie, YouTube, FLO, VIBE và Bugs.
Nếu chỉ đứng đầu tất cả bảng xếp hạng thời gian thực trên iChart, bài hát sẽ được chứng nhận all-kill. Còn nếu đứng đầu tất cả bảng xếp hạng thời gian thực lẫn hàng ngày mà chưa bao gồm BXH tuần của iChart, ca khúc được chứng nhận certified all-kill.
IU là ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên đạt thành tích PAK. Ảnh: Naver. |
Chỉ khi đứng đầu tất cả bảng xếp hạng thời gian thực lẫn hàng ngày của 6 BXH nói trên đồng thời giữ vị trí quán quân trên BXH thời gian thực, hàng tuần của iChart, một ca khúc mới được chứng nhận PAK. Vì thế, việc đạt danh hiệu PAK đáng mơ ước không phải điều dễ dàng. Ngoài sự nỗ lực rất lớn từ cộng đồng fan, bài hát đó còn cần sự ghi nhận, yêu thích từ công chúng nói chung.
iChart được coi là minh bạch vì nó tính điểm dựa trên dữ liệu xếp hạng của nhiều cơ quan khác nhau và cập nhật biểu đồ hàng ngày, hàng giờ. Người dùng cũng có thể truy cập trực tiếp vào trang web nghe nhạc khác, chẳng hạn Melon, VIBE… để đối chiếu số liệu.
Đến nay, nghệ sĩ giữ kỷ lục có nhiều ca khúc đạt PAK nhất là IU với 22 sản phẩm. Bài hát có số giờ đạt PAK nhiều nhất là Ditto của NewJeans với 655 giờ.
Trong hàng nghìn ca khúc được phát hành mỗi năm, tính đến nay, chỉ có hơn 80 bài hát Kpop đạt danh hiệu PAK sau Nagging. Năm 2023, chỉ có 6 bài hát đạt trạng thái PAK bao gồm I Am, Queencard, Love Lee, Super Shy, Baddie và Kitsch. Điều đó cho thấy để đạt PAK ở Hàn Quốc khó khăn đến mức nào.
Tại sao PAK gây tranh cãi tại Vpop
Trở lại trường hợp Sơn Tùng, dẫn chứng cho việc đạt PAK, nam ca sĩ lấy số liệu từ bảng xếp hạng tại Việt Nam của 4 dịch vụ nước ngoài. Từ trước đó, fan của Sơn Tùng cũng đã nhiều lần dùng khái niệm PAK để nói về thành tích của thần tượng. Hay Vũ. cũng khoe được PAK khi bài hát Những lời hứa bỏ quên đứng đầu các bảng xếp hạng âm nhạc, hieuthuhai với Ngủ một mình hay Wren Evans dùng thuật ngữ này vào thời điểm phát hành ca khúc Từng quen.
Tuy nhiên, khái niệm PAK khi được dùng ở Vpop vẫn còn gây tranh luận. Lý do khán giả đưa ra là Vpop chưa có một trang chuyên thống kê, tổng hợp tất cả bảng xếp hạng uy tín, minh bạch như iChart. Chưa kể, ca sĩ Việt không phải lúc nào cũng phát hành ca khúc của họ trên tất cả trang nghe nhạc. Dẫn đến, một ca sĩ khoe được PAK nhờ thống kê số liệu từ 5 bảng xếp hạng, trong khi đồng nghiệp khác lại chỉ dẫn chứng con số từ 3 dịch vụ nghe nhạc.
Wren Evans từng sử dụng thuật ngữ PAK khi quảng bá bài hát Từng quen. Ảnh: FBNV. |
Ví dụ cụ thể như Sơn Tùng chỉ lấy số liệu của Chúng ta của tương lai từ 4 dịch vụ nghe nhạc. Trong khi đó, Wren Evans khoe được PAK khi ca khúc Từng quen của anh đứng hạng 1 trên 7 BXH khác nhau. Sự không thống nhất này khiến khái niệm PAK ở Vpop vẫn mông lung, mơ hồ và mang tính tự phát từ các ca sĩ lẫn ê-kíp của họ, chứ chưa có sự chứng nhận rõ ràng từ bên thứ 2 (cụ thể là iChart) như tại Kpop.
PAK ở Vpop nhìn chung chưa được sử dụng một cách nhất quán và rõ ràng nên việc khán giả chưa ghi nhận khái niệm này với các ca khúc lẫn ca sĩ Việt là điều dễ hiểu. Nhất là khi ca sĩ Kpop để được chứng nhận PAK phải đạt hạng 1 trên hàng chục BXH (nếu xét cả BXH thời gian thực lẫn hàng ngày) trong khi ca sĩ Việt chỉ xét PAK dựa trên vài BXH thì sự chênh lệch là quá rõ ràng.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận việc các bài hát của Wren Evans hay Sơn Tùng đã được khán giả yêu thích để rồi đứng đầu một số bảng xếp hạng.
Ông Nguyễn Tường Huy, CEO DREAMeR Entertainment nhận định với Tri thức - Znews bài hát Chúng ta của tương lai dễ nghe nhưng khá an toàn so với Sơn Tùng. Tuy nhiên, theo ông Tường Huy, ngay cả Vpop hiện tại đã là thời đại của các ca sĩ gen Z, họ liên tục cho ra những sản phẩm chất lượng nhưng để có được hiệu ứng về mặt truyền thông và thành tích khi comeback như Sơn Tùng, chưa ai vượt qua được. Do đó, ông cho rằng Sơn Tùng vẫn đang làm rất tốt về mặt hiệu ứng, truyền thông.
Cuốn sách đáng đọc về âm nhạc
Những nốt nhạc tỉnh thức ghi lại những khám phá của tác giả Tricia Tunstall, và những nỗ lực làm sáng tỏ khả năng gần như kỳ diệu của El Sistema để truyền cảm hứng cho mọi người. Shout! The Beatles: Hơi thở thời đại của thế kỷ 20 viết về ban nhạc The Beatles từ những ngày đầu mơ mộng, đến đỉnh cao của vinh quang; giai đoạn thoái trào với nhiều thông tin, sự kiện thú vị.
Wham! - George & tôi: Hồi kí, Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu, Beethoven - Bản nhạc đam mê là những cuốn sách dành cho độc giả yêu âm nhạc tìm hiểu về những nhóm nhạc nổi tiếng.