Mùa giải Thái League 2019 đánh dấu một thay đổi lớn trong việc sử dụng cầu thủ ngoại ở Thai League. Lần đầu tiên trong lịch sử, ban tổ chức giải trao 3 suất ngoại binh thuộc khu vực Đông Nam Á cho mỗi đội bóng.
Không hề tình cờ khi Thai League 2019 cũng là năm chứng kiến sự đổ bộ của các cầu thủ Đông Nam Á tới Thai League. Riêng Việt Nam có hai người lần đầu sang Thái trong năm nay là Đặng Văn Lâm (Muangthong United) và Lương Xuân Trường (Buriram United).
Những thay đổi ở Thai League đã và sẽ tiếp tục tác động tới toàn Đông Nam Á.
Quy định sử dụng ngoại bình tại Thai League trong 5 mùa giải gần đây ngày càng có xu hướng nghiêng về khu vực Đông Nam Á. Đồ họa: Minh Phúc. |
Tham vọng bành trướng Đông Nam Á của bóng đá Thái
5 năm qua, quy định sử dụng ngoại binh ở Thai League đã liên tục thay đổi theo hướng lấy Đông Nam Á làm trọng tâm.
Mùa giải 2015, mỗi CLB tại Thái Lan được sử dụng 7 ngoại binh trong đó có một cầu thủ quốc tịch châu Á. Mùa giải 2016 là 5 ngoại binh trong đó có 1 cầu thủ châu Á. Càng về sau, số lượng ngoại binh ngoài châu Á dần bị hạn chế, số lượng cầu thủ châu Á và ASEAN càng tăng lên.
Đến mùa giải 2019, luật 3+1+3 (3 ngoại binh ngoài châu Á + 1 ngoại binh châu Á + 3 ngoại binh Đông Nam Á) chính thức được áp dụng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự thay đổi đó. Nhưng lý do quan trọng nhất nhằm hiện thực hóa tham vọng bành trướng Thai League ra toàn Đông Nam Á. Sau hơn 2 thập kỷ phát triển, bóng đá Thái Lan đã đạt tới tầm vóc mới. Cùng với định hướng tiến ra châu Á của đội tuyển quốc gia và các CLB, giải vô địch Thái Lan cũng dần mở cửa ra bên ngoài.
Tháng 7/2018, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FA Thailand) Somyot Pumpanmuang mời tất cả các CLB chuyên nghiệp tới dự cuộc hội thảo bàn về việc tăng số ngoại binh ASEAN. Ông Pumpanmuang nói: “Nếu các cầu thủ ASEAN chơi bóng tại Thái Lan, số lượng CĐV của Thai League chắc chắn sẽ tăng lên. Như thế, giá trị giải đấu cùng như doanh thu của các CLB sẽ tăng theo. Điều đó sẽ cho phép chúng ta tiếp tục phát triển và tạo ra các cầu thủ giỏi hơn”.
Luôn xuất hiện ở trung tâm các bản tin, hình ảnh của những Xuân Trường, Văn Lâm được tận dụng triệt để giúp Thai League vươn ra các thị trường nước ngoài như Việt Nam. Ảnh: Buriram. |
Trước đấy, để tăng cường hiểu biết về khu vực, người Thái cũng bổ nhiệm Benjamin Tan làm Phó giám đốc điều hành Thai League kiêm Giám đốc marketing của FA Thái Lan. Ông Tan từng làm Phó giám đốc các dự án phát triển bóng đá Singapore, có vợ là người Việt Nam.
Ngày nhận chức, ông Tan nói: “Tôi tin rằng nếu Thái Lan đem về những cầu thủ giỏi nhất từ Singapore, Việt Nam, Philippines, Thai League sẽ phát triển và mang về nhiều nguồn tài trợ tiềm năng hơn”.
Kế hoạch của người Thái là chương trình lâu dài, bài bản. Tham vọng được thể hiện rõ ràng qua cách Muangthong hay Buriram United quảng bá các tân binh. Dù chỉ là người mới như Văn Lâm hay chưa chắc suất đá chính như Xuân Trường, họ vẫn liên tục xuất hiện trên các bản tin, là trung tâm trong các chiến dịch truyền thông của CLB, được quan tâm, được săn sóc cẩn thận. Nhiều CĐV Thái Lan thậm chí bất bình khi Xuân Trường liên tục chiếm vị trí trung tâm trong các bài viết đăng tải trên fanpage của Buriram.
Như Thai League, Muangthong hay Buriram chắc chắn hiểu mỗi mẩu tin của Văn Lâm, Xuân Trường có thể mang tới trăm ngàn lượt xem từ Việt Nam.
Trong bối cảnh K.League tiếp tục là giải đấu hấp dẫn nhất châu lục, còn Nhật Bản vẫn giữ vị trí cường quốc bóng đá số một châu Á, tiếp cận các vùng bóng đá phát triển hơn là việc quá khó. Với người Thái, Đông Nam Á là thị trường gần gũi và khả thi hơn cả.
Để những cầu thủ như Chanathip xuất ngoại, các đội bóng Thái Lan phải đối diện với khoảng trống nhân sự rất lớn. |
Người Thái cần cầu thủ Việt
Tuy nhiên, thương mại không phải là yếu tố duy nhất khiến người Thái nhắm tới thị trường Đông Nam Á.
Thành công của Chanathip Songkrasin mở ra làn sóng cầu thủ Thái xâm nhập Đông Á. Mùa 2018, có 3 cái tên Thái Lan chơi tại Nhật Bản. Sang năm 2019, con số ấy tăng lên 5 người. Các ngôi sao xuất ngoại càng nhiều, sức mạnh của Thai League càng bị suy giảm. Sức mạnh suy giảm thì thành tích ảnh hưởng. Việc Muangthong tụt khỏi tốp ba lần đầu tiên sau 4 năm là một dấu hiệu.
Danh sách cầu thủ Thái Lan chơi bóng tại Nhật Bản mùa 2019. Ảnh: All Things Thai Football. |
Để cân bằng lại lực lượng và tiếp tục quá trình xuất khẩu cầu thủ, người Thái cần những sự bổ sung.
Ở chiều ngược lại, bóng đá Đông Nam Á đang trên đà tiến lên. Những chiến thắng liên tiếp của những đội tuyển Việt Nam, Malaysia và Philippines ở đấu trường lục địa giúp họ thu hẹp dần khoảng cách với bóng đá Thái Lan. Trình độ cầu thủ Việt Nam, Malaysia giờ không còn kém Thái Lan quá nhiều. Giống như Chanathip trong quá khứ, những người như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu... đều cần một thử thách lớn hơn.
Khi cung gặp cầu, điều kiện hoàn hảo để cầu thủ Đông Nam Á gia nhập Thai League đã xuất hiện.
HLV người Singapore K.Balagumaran từng nói: “Nếu chúng ta không thể đi sang châu Âu, Thai League rõ ràng trở thành lựa chọn lý tưởng hơn cả”.
Sự tiến bộ thần tốc của bóng đá Việt Nam đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa cầu thủ Việt và Thái. Ảnh: Minh Chiến. |
Đông Á xa xôi nhưng Thái Lan thì có thể
Trước Thái Lan, Đông Á (cụ thể là Nhật Bản, Hàn Quốc) mới là điểm đến trong mơ của cầu thủ ASEAN. Nhưng thất bại của Xuân Trường, Công Phượng, Chan Vathanaka hay mới đây nhất là cả Teerasil Dangda đã khiến Đông Nam Á phải nghĩ lại.
Thay vì Đông Á xa xôi, Thái Lan với những điều kiện gần gũi về địa lý, văn hóa và chuyên môn trở thành điểm đến lý tưởng hơn cả.
Gia nhập Thai League cũng giúp thu nhập của các cầu thủ Đông Nam Á tăng lên đáng kể. Ngoại trừ giải vô địch quốc gia Malaysia, Thai League có mặt bằng thu nhập cao hơn tất cả các giải quốc nội khác trong khu vực.
Một khảo sát của ESPN cho thấy thu nhập trung bình của một cầu thủ giỏi ở Singapore là 5000 USD mỗi tháng. Tại Việt Nam, những ngôi sao lớn như Văn Quyết hay Anh Đức mới có thu nhập 40 tới 50 triệu đồng mỗi tháng (trên dưới 2000 USD). Các giải khác như Philippines, Lào, Campuchia, Myanmar còn thấp hơn.
Tại Thái Lan, Đặng Văn Lâm gia nhập Muangthong với mức lương khởi điểm hơn 10.000 USD mỗi tháng. Xuân Trường ở Buriram United cũng có thu nhập tương tự. Đây cũng là con số phổ biến mà Thai League trả cho các ngoại binh giỏi, khoác áo tuyển quốc gia trong khu vực.
Cầu thủ Việt Nam cần Thái Lan nhưng Thai League cũng cần cầu thủ Việt. Với Đông Nam Á, mở cửa Thai League là thương vụ “win - win” cho cả đôi bên.