Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao taxi Uber mới xuất hiện ở Việt Nam đã bị 'sờ gáy'?

Xe không đăng ký dịch vụ cung cấp taxi, nhưng tài xế thu tiền của khách sử dụng dịch vụ và trả 20% cho nhà cung cấp dịch vụ Uber. Loại hình vận chuyển này đang nở rộ ở Việt Nam.

Trảm ngọn ở gần

Thông tin mới nhất từ Thanh tra giao thông thuộc Sở GTVT TP.HCM cho hay, hôm 1/12,  'đội đặc nhiệm' của đơn vị này vẫn đang tiếp tục 'lùng và xử lý' taxi Uber.

"Ra quân hôm 28/11, đội này vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ được giao. Dù chưa có số liệu cụ thể nhưng chắc chắn số lượng taxi Uber được phát hiện và xử lý gia tăng", một cán bộ Thanh tra giao thông cho biết.

Cũng theo vị cán bộ này, trước khi Thanh tra giao thông nhận chỉ thị ‘ra quân’, Sở GTVT với sự tham mưu của Phòng quản lý vận tải đường bộ đã có cuộc làm việc cùng nhiều sở, ngành liên quan trước đòi hỏi thực thi nhiệm vụ quản lý đối với loại hình taxi Uber.

Thanh tra giao thông TP.HCM đang lập biên bản một 'đối tác' của Uber. 

Sau cuộc làm việc này, Sở GTVT TP HCM đã chỉ thị lực lượng Thanh tra giao thông lập tức phối hợp cùng Cảnh sát giao thông vào cuộc. Ngay trong ngày đầu tiên 'ra quân', đội 1 thuộc Thanh tra giao thông TP HCM đã phát hiện và xử lý 5 taxi Uber.

Những chủ xe bị Thanh tra giao thông phát hiện đều thừa nhận tại biên bản vi phạm sự hợp tác với Uber cung cấp dịch vụ taxi. Đáng nói hơn, chủ xe vi phạm cũng thừa nhận phương tiện dùng vận chuyển khách đi xe không hề đăng ký kinh doanh mà chỉ là xe cá nhân, gia đình sử dụng.

Cả chủ xe lẫn khách đi xe đều thừa nhận giao dịch thu- chi tiền phí dịch vụ taxi với Uber. Cụ thể, khách đi xe thanh toán tiền với Uber qua thẻ, còn chủ xe được nhận từ Uber 80% số tiền khách đi xe trả, cũng thanh toán qua thẻ.

Điều này đồng nghĩa với việc Uber thu lợi 20% tổng số tiền phí dịch vụ taxi mà khách đi xe trả, dù Uber đang hiện diện tại TP HCM và Việt Nam nói chung theo cách ‘chui’ hoàn toàn.

Nói cách khác, toàn bộ mô hình taxi Uber tại TP HCM và đang manh nha xuất hiện tại Hà Nội, chiếu theo các quy định hiện hành của Pháp luật Việt Nam, từ quy định vận tải đến quy định kinh doanh, đều bất hợp pháp.

Nhìn gốc ở xa

Đến thời điểm này, hầu như Uber ‘vô hình’ với cơ quan chức năng tại TP HCM bởi công ty đang điều khiển cả mô hình taxi nằm tận Singapore. Tại TP HCM, Sở KH-ĐT khẳng định Uber chưa hề thiết lập văn phòng đại diện hay doanh nghiệp theo bất cứ mô hình nào đúng quy định của quốc gia sở tại.

Hồi cuối tháng 10, ông Mike Brown, Tổng giám đốc Uber khu vực Đông Nam Á (trụ sở tại Singapore), được báo Thanh Niên dẫn lời, nói rằng Uber “chỉ đặt văn phòng đại diện nhỏ tại Việt Nam từ tháng 6/2014”. Tuy nhiên, địa chỉ ‘văn phòng’ lại thuộc diện ‘bảo mật’(?).

Trang chủ của Uber hiển thị tiếng Việt nhằm thu hút 'đối tác' và người đi xe, dù bản thân Uber chưa hiện diện tại Việt Nam theo đúng quy định. Lối kinh doanh thiếu tôn trọng quốc gia sở tại khiến Uber vấp phải làn sóng 'tẩy chay'.

Điều tra tiếp theo của ký giả báo này cho thấy tại Việt Nam có một ‘nhân vật’ tên Đặng Việt Dũng tự xưng là Giám đốc Uber Việt Nam. Tuy nhiên, vị giám đốc này chỉ hé lộ vai trò ‘tiếp thị’ mà thôi, mọi vấn đề khác không liên quan.

Trong khi đó, hôm 29/11, báo điện tử Dân Trí dẫn lời ông Karun Arya-Giám đốc truyền thông khu vực Đông Nam Á & Ấn Độ, khẳng định Uber đã ký hợp đồng với gần 200 ‘đối tác’ tại Việt Nam. Điều này phản ánh thực tế Uber phát sinh giao dịch lẫn thu-chi trên lãnh thổ Việt Nam mà không hề có đại diện theo quy định của nước sở tại.

Câu hỏi đặt ra là Uber đang kinh doanh ‘chui’? Và các hợp đồng hợp tác mà ông Karun Arya đề cập có giá trị pháp lý tại Việt Nam?

Ông Karun Arya còn nói rằng Uber không sở hữu hay vận hành bất kỳ phương tiện vận chuyển nào tại Việt Nam, nên mọi trách nhiệm và nghĩa vụ, nếu phát sinh với người đi xe và quốc gia sở tại đều do ‘đối tác’ chịu trách nhiệm thực hiện.

Nếu Uber không ‘vận hành’ thì mô hình taxi Uber hoạt động nhờ đâu? Ai thu tiền của khách đi xe và ai trả tiền cho chủ xe tham gia mô hình này? Phát ngôn từ Uber vừa thiếu trách nhiệm vừa khiến người nghe lấy làm khó hiểu?

Cơ quan chức năng đang rất rõ ‘chủ xị’ hay gốc của mô hình taxi Uber chính là Uber chứ không ai khác, song đến thời điểm này chỉ có thể ‘nhìn gốc từ xa’ mà chưa có cách chi chạm đến. Mặt khác, theo ý kiến từ một cán bộ Thanh tra giao thông thì “đây là chuyện lớn mà cấp sở hay địa phương khó lòng xử lý rốt ráo”.

Trước mắt tại TP HCM, cơ quan chức năng sẽ tập trung xử lý những chủ xe tham gia mô hình taxi Uber nhưng không đăng ký kinh doanh cho phương tiện cũng như vi phạm một số vấn đề khác theo quy định hiện hành.

Vậy là những ‘đối tác’ của Uber lâm cảnh ‘giơ đầu chịu báng’, còn Uber thì thu lợi và bình chân như vại. Trong kinh doanh, để mô hình phát triển bền vững, có lẽ Uber phải hiện diện hợp pháp hơn và trách nhiệm hơn, nếu muốn giữ chân ‘đối tác’ của mình.

Uber nói rằng từ khi ra đời đến nay đã hiện diện trên 200 quốc gia. Tuy nhiên với cách hiện diện ‘lụi’ như tại Việt Nam, Uber đang vấp phải làn sóng ‘tẩy chay’ từ nhiều quốc gia. Riêng tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan vừa chính thức ban bố lệnh cấm Uber hoạt động hôm 28/11. Trước đó, cả Singapore là nơi Uber đặt trụ sở cấp khu vực cũng ban lệnh kiểm soát mô hình taxi này. Indonesia cũng đã có lệnh tương tự.

Ngày đầu kiểm tra, lập biên bản vi phạm 5 taxi Uber

Sáng 28/11, Thanh tra Sở GTVT TP.HCM phối hợp Phòng cảnh sát đường bộ - đường sắt Công an TP kiểm tra, xử phạt xe taxi Uber hoạt động chở khách.

http://giadinh.net.vn/xa-hoi/vi-sao-taxi-uber-moi-xuat-hien-o-viet-nam-da-bi-so-gay-20141202062827089.htm

Theo Đỗ Bá/Gia đình & xã hội

Bạn có thể quan tâm