Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Giao thông lên tiếng về taxi Uber

"Tính hợp pháp của Uber tại Việt Nam là chưa có mà nếu chưa có quy định tức là vi phạm", Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho hay.

Đột ngột kiểm tra taxi Uber

Lực lượng liên ngành TP.HCM đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính taxi Uber hoạt động chở khách trên địa bàn.

Thời gian qua, dịch vụ Uber, loại dịch vụ tận dụng chức năng điện thoại di động thông minh (smartphone) để giúp những người có phương tiện vận tải kết nối trực tiếp với người có nhu cầu đi lại gây ra nhiều tranh luận trái chiều.

Trả lời về việc liệu dịch vụ Uber có bị cấm hay không, tại buổi họp báo chiều 1/12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Hồng Trường cho biết: "Tính hợp pháp của Uber tại Việt Nam là chưa có mà nếu chưa có quy định tức là vi phạm".

Lãnh đạo Bộ Giao thông cho biết thêm, Bộ cũng đã có văn bản gửi Bộ Thông tin Truyền thông đề nghị các cơ quan chức năng tuyên truyền về thực tế hình thức chở người có thu tiền thông qua ứng dụng Uber.

Dịch vụ Uber rẻ vì trốn thuế
Dịch vụ Uber rẻ vì trốn thuế. Ảnh:  Infonet.

Văn bản nêu rõ Uber không bảo đảm quyền lợi cho người đi xe vì đây không phải là hình thức kinh doanh vận tải phù hợp quy định. Người điều hành, người lái xe không được quản lý theo quy định do đó tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn giao thông cũng như an toàn tài sản của chính bản thân người đi xe.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết: "Taxi Uber một số quốc gia cấm, một số quốc gia cấp phép. Ở TP.HCM một số người dân rất hài lòng vì dịch vụ nhanh, giá thành hạ so với truyền thống.

Đây là loại hình rủi ro do không đăng ký, không đóng thuế, thiệt hại cho nhà nước và không đảm bảo an toàn giao thông. Hành khách không nhận được khoản bảo hiểm nào, người lái xe cũng có rủi ro, không phân biệt dược anh này là lái taxi hay dân thường, chở ma túy nếu hành khách mang theo. Do vậy ở góc độ quản lý nhà nước đây là hình thức kinh doanh không lành mạnh, cần có chế tài quản lý".

Ông Ngọc cho biết thêm, Bộ Giao thông cũng đã đề nghị Bộ Công an tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý đối với lái xe chở người có thu tiền nhưng không thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô cũng như các quy định khác của pháp luật Việt Nam, đồng thời có biện pháp ngăn chặn việc vi phạm pháp luật (nếu có) của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phần mềm Uber để kinh doanh.

Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra nội dung liên quan đến việc thực hiện quy định về thuế và việc thanh toán tiền của người đi xe với tổ chức, cá nhân sử dụng phần mềm Uber.

Thời gian qua tại TP.HCM xuất hiện một loại hình dịch vụ taxi mới thông qua việc cài đặt phần mềm ứng dụng Uber trên điện thoại thông minh để kết nối giữa người cần di chuyển và lái xe có nhu cầu đi xe.

Cụ thể, những xe tham gia sử dụng Uber không có phù hợp taxi, không logo, không đồng hồ tính tiền cước như những xe taxi khác mà người cần di chuyển chỉ cần dùng ứng dụng Uber để đăng ký hành trình, hệ thống của Uber sẽ tự động kết nối với một chủ xe (có đăng ký tham gia vào ứng dụng Uber).

Sau đó, hệ thống sẽ tự hiển thị thông báo các thông tin về chi tiết phí chuyển đi, thông tin cơ bản về chiếc xe sắp đến đón, nếu khách hàng đồng ý thực hiện chuyến đi, chi phí sẽ trả qua thẻ thanh toán quốc tế Visa, MasterCard, giá cả thấp hơn so với taxi thông thường...

Điều này đã dẫn đến nhiều bức xúc từ các đơn vị kinh doanh vận tải và tài xế taxi do cạnh trạnh không bình đẳng ảnh hưởng đến trật từ vận tải trên địa bàn thành phố.

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm