Tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio USS Maine (SSBN 741). Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Chuyến thăm đã được thống nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khi cả hai ký kết Tuyên bố Washington tại Nhà Trắng vào ngày 26/4. Mục đích là để tăng cường sự sự hiện diện của các vũ khí chiến lược tại bán đảo Triều Tiên, theo Nikkei Asia ngày 17/5.
Trong khi các chi tiết của chuyến thăm được giữ bí mật, tàu USS Maine dự kiến sẽ ghé thăm Hạm đội chỉ huy Chinhae, một căn cứ hải quân của Mỹ gần thành phố Busan ở miền nam Hàn Quốc, vào giữa tháng 5.
Tuy nhiên tàu ngầm USS Maine sẽ không dừng lại ở Yokosuka hoặc Sasebo, hai căn cứ của Hải quân Mỹ tại Nhật Bản.
Điều này là do chính sách "ba nguyên tắc phi hạt nhân" của Nhật Bản. Chính sách này được Tokyo thực hiện từ năm 1967, khi Thủ tướng Eisaku Sato cam kết Nhật Bản sẽ không sở hữu hoặc sản xuất vũ khí hạt nhân, cũng như không cho phép đưa chúng vào lãnh thổ Nhật Bản.
Tàu ngầm USS Maine ở đảo Guam (Mỹ). Ảnh: Hải quân Mỹ. |
Có nên thay đổi nguyên tắc thứ ba?
Một số nhà lập pháp Nhật Bản và nhà phân tích đã lưu ý rằng vẫn còn dư địa để có thể thay đổi nguyên tắc thứ ba trong ba nguyên tắc phi hạt nhân, về việc không cho phép vũ khí hạt nhân nhập cảnh.
Ban đầu, yếu tố thứ ba được đưa vào các nguyên tắc phi hạt nhân để trấn an công chúng rằng Tokyo sẽ không cho phép quân đội Mỹ triển khai hoặc vận chuyển vũ khí hạt nhân qua lãnh thổ Nhật Bản, sau khi Okinawa được trả lại cho Nhật Bản vào năm 1972.
Các nhà phân tích cho rằng chuyến thăm của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo của Mỹ tới Hàn Quốc có thể châm ngòi cho cuộc tranh luận mới về thái độ quay lưng thẳng thừng với vũ khí hạt nhân của Nhật Bản.
Mỹ đã gửi tàu ngầm tên lửa đạn đạo tới Hàn Quốc 35 lần trong thập niên 1970 và 1980. Chuyên gia hạt nhân Hans Kristensen viết trong một bài báo cho Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ năm 2011. Chuyến thăm của tàu USS Robert E Lee vào tháng 3/1981 là lần cuối cùng.
Ông Tetsuro Kuroe, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết đã đến lúc Nhật Bản phải thảo luận về vấn đề này. Ông Kuroe nói rằng mặc dù ông ủng hộ 99% nội dung của Chiến lược An ninh Quốc gia Nhật Bản và hai tài liệu bổ sung được xuất bản vào tháng 12/2022, vấn đề duy nhất mà ông cảm thấy chưa được giải quyết là về hạt nhân.
Nhật Bản có cần tự vệ?
Đối mặt với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và việc Nga lấp lửng khả năng dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật, bản Chiến lược An ninh Quốc gia chỉ lưu ý rằng Nhật Bản sẽ tiếp tục tuân thủ ba nguyên tắc phi hạt nhân.
Một nhóm các cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản, trong đó có ông Tesuro Kuroe, đã đưa ra đề xuất chính sách đề nghị Nhật Bản thảo luận về việc xem xét lại ba nguyên tắc, mà không xem các nguyên tắc đó là điều cấm kỵ.
Nhóm cựu quan chức quốc phòng Nhật Bản nói: "Nhật Bản không thể bảo vệ an ninh quốc gia của mình bằng cách chỉ tuân theo ba nguyên tắc phi hạt nhân như cương lĩnh quốc gia".
Tướng về hưu Ryoichi Oriki, người chủ trì nhóm cựu quan chức trên, nói với Nikkei Asia: "Trung Quốc dự kiến có 1.500 vũ khí hạt nhân vào năm 2035. Họ đang dần trở thành cường quốc hạt nhân ngang hàng Mỹ và Nga. Nhật Bản cần nghĩ đến phải làm gì trong môi trường mới này".
Tướng Oriki cho biết Nhật Bản tránh thảo luận về vũ khí hạt nhân. Nhưng ông chỉ ra rằng cuộc tranh luận ở Hàn Quốc về việc có nên sở hữu vũ khí hạt nhân hay không đánh dấu sự thay đổi mới trong khu vực.
Tướng Oriki nói: "Nếu cả hai miền Triều Tiên đều là quốc gia hạt nhân, điều đó sẽ thay đổi toàn bộ mối quan hệ giữa các bên trong khu vực".