Khoảnh khắc lúc bắt đầu đời sống, hay là lúc thụ thai, là một khoảnh khắc tuyệt vời kỳ diệu. Đây là sự sáng tạo điển hình, dấu hiệu của một triển vọng mới - một cuộc sống đã bắt đầu trên Trái Đất.
Đối với bào thai đang phát triển, đối với đứa trẻ đang lớn lên cũng như đối với cha mẹ, khoảnh khắc này là bước đầu của một hành trình dài.
Chào đón thai kỳ
Dù trong hoàn cảnh nào chăng nữa, khi đón nhận tin mừng về đứa con sắp ra đời, nếu cha mẹ đang ở trong tâm trạng yêu thương và lạc quan thì bào thai sẽ được phát triển tốt đẹp hoàn hảo hơn.
Trong suốt thời gian mang thai, điều quan trọng là người mẹ lắng nghe trực giác của mình, ăn thực phẩm lành mạnh, dành thời gian cho bản thân và người bạn đời, vận động thể thao đều đặn và tập cách giữ tâm hồn thư giãn.
Chăm sóc thai kỳ
Chăm sóc tiền sản: Chăm sóc tiền sản bao gồm việc thăm khám sức khỏe và tình trạng thể chất của mẹ và bé thường xuyên, thường cần từ tám đến mười lần gặp bác sĩ, trải dài trong chín tháng thai kỳ. Chăm sóc tiền sản còn gồm việc nghiên cứu những thông tin hữu ích, chẳng hạn như việc nuôi con bằng sữa mẹ, chăm sóc núm vú, những gì sẽ xảy ra khi cơ thể người mẹ thay đổi, v.v.. Các lớp học về sinh nở và/hoặc tiền sản là một cơ hội tốt để gặp gỡ các bố mẹ khác và tìm hiểu về thai kỳ, lúc sinh nở và những gì bạn cần chuẩn bị cho việc làm mẹ.
Lựa chọn dịch vụ: Hiện nay, ở Việt Nam có các dịch vụ chăm sóc thai kỳ do bác sĩ và hộ sinh cùng phụ trách, dịch vụ của bác sĩ sản khoa tại các bệnh viện công hoặc bệnh viện tư. Hãy liên hệ với bệnh viện địa phương nơi bạn ở để lấy thông tin. Chọn cách thức chăm sóc thai kỳ phù hợp nhất với mình và người bạn đời.
Ốm nghén: Ốm nghén là tình trạng thường gặp trong thời kỳ đầu khi mang thai. Ốm nghén có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào trong ngày. Việc này liên quan đến sự gia tăng nội tiết tố và là một trong những cách thức mà cơ thể bạn thích ứng và điều chỉnh với việc mang thai.
Tình trạng ốm nghén thường bắt đầu giảm xuống vào khoảng tuần thứ mười hai của thai kỳ. Hãy lắng nghe cơ thể mình. Tìm sự trợ giúp và đồng cảm từ bạn đời, gia đình, bạn bè, hộ sinh, bác sĩ và những người chăm sóc sức khỏe cho bạn. Hãy trao đổi với hộ sinh về những liệu pháp tự nhiên an toàn có thể giúp điều chỉnh cơ thể chẳng hạn như bấm huyệt, châm cứu và uống trà thảo dược. Một số ít bà mẹ bị ốm nghén nặng và cơ thể có thể bị mất nước nghiêm trọng. Hãy tham vấn hộ sinh và bác sĩ nếu bạn lo ngại về tình trạng sức khỏe của mình.
• Ăn thực phẩm lành mạnh, tập thể dục đều đặn và nghỉ ngơi hoặc thư giãn thường xuyên.
• Trò chuyện với đứa con trong bụng thông qua sự sờ chạm, âm nhạc, tiếng hát và hình dung một mối quan hệ lành mạnh, đầy yêu thương giữa bạn và con.
• Tạo bầu không khí tích cực xung quanh trong giai đoạn mang thai – những cảm xúc tích cực này sẽ tác động đến con và tạo ra nền tảng vững chắc cho gia đình.
• Tạo môi trường an toàn và một đội ngũ hỗ trợ đắc lực – hãy yêu cầu được giúp đỡ khi cần thiết.
• Tình trạng thể chất, tinh thần và cảm xúc đều giữ những vai trò quan trọng.
• Ở những tuần đầu, cảm thấy mệt mỏi là điều bình thường vì cơ thể bạn đang điều chỉnh để thích nghi với những thay đổi trong thời gian mang thai. Nếu tình trạng mệt mỏi kéo dài, cần bổ sung thực phẩm giàu chất sắt.
•Giai đoạn mang thai là một tình trạng tự nhiên, không phải là một bệnh lý.
Giai đoạn mang thai là khoảng thời gian thay đổi lối sống. Hãy tự chăm sóc bản thân để chăm sóc tốt hơn cho đứa con sắp chào đời.
Thực phẩm và Dinh dưỡng
Ăn uống lành mạnh là điều quan trọng. Nếu có thể, nên dùng những thực phẩm tươi mới được trồng hữu cơ. Hóa chất bảo vệ thực vật và hóa chất bảo quản thực phẩm có thể gây nhiều tác hại. Hạt và ngũ cốc chứa nhiều vitamin; rau củ tốt nhất là chỉ hấp sơ, không nên nấu chín rục, để đảm bảo cung cấp dinh dưỡng tối đa cho mẹ và bào thai đang phát triển. Sữa bò hữu cơ hoặc biodynamic rất tốt và nên uống sữa càng tươi càng tốt.
Sức khỏe của Mẹ
Bạn là nhân vật rất quan trọng. Sức khỏe của bạn ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi. Đây là lúc bạn cần lắng nghe cơ thể mình. Hãy thay đổi bất kỳ thói quen nào không tốt cho sức khỏe. Hút thuốc lá, uống rượu và dùng chất gây nghiện có thể làm tổn hại cho bào thai đang phát triển. Khi cần thiết, hãy nhờ gia đình, bạn bè và chuyên gia chăm sóc sức khỏe giúp đỡ.
Dược phẩm: Không nên dùng thuốc và thực phẩm chức năng khi không có tư vấn của bác sĩ. Các liệu pháp vi lượng đồng căn và các phương thuốc tự nhiên có thể hữu ích mà ít rủi ro hoặc ít gây tác dụng phụ hơn. Hãy tham vấn các chuyên gia chăm sóc sức khỏe theo liệu pháp tự nhiên.
Chăm sóc răng miệng: Thai nhi cần can-xi để phát triển xương một cách khỏe mạnh; điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng của người mẹ. Ngoài ra, sự gia tăng lượng nội tiết tố có thể khiến cho nướu và răng nhạy cảm với những vi khuẩn ẩn trú trong mảng bám răng. Bạn cần được tư vấn nếu tình trạng chảy máu chân răng kéo dài. Quan trọng là cần đánh răng hai lần một ngày, khám nha khoa thường xuyên và gặp bác sĩ để được tư vấn điều chỉnh bổ sung lượng can-xi.
Chăm sóc núm vú: Sau khi tắm, dùng ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng kéo núm vú ra và vê tròn. Xoa bóp núm vú với dầu ô liu, mỡ cừu hoặc dầu hạt mơ nguyên chất hữu cơ.
Thư giãn và tập thể dục: Tập thể dục tốt nhất là đi bộ đều đặn, nhất là đi bộ ngoài thiên nhiên. Xoa bóp có thể rất hữu ích trong quá trình mang thai. Những biện pháp thư giãn nếu được áp dụng thường xuyên thì sẽ đem lại lợi ích tốt nhất.
Thiền và chiêm nghiệm: Trong thời gian mang thai, nếu ta có thể ngồi thiền mỗi ngày, hay cầu nguyện hoặc đến thăm một nơi thanh tịnh sẽ rất có ích.
Càng sớm càng tốt, hãy hằng ngày kết nối với nội tâm của mình và suy nghĩ về con, về hành trình của con đến với thế giới này. Quan trọng là mang lại cho thai nhi những tư tưởng đầy yêu thương, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ. Tạo ra một khung cảnh tĩnh lặng và hài hòa trong tâm trí.
Ý kiến bạn đọc
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng.
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.