Người thân khóc khi hay tin dữ về chuyến bay MH370, thảm kịch hàng không quy mô lớn đầu tiên trong năm 2014. Ảnh: Reuters |
Qua hàng loạt tai nạn hàng không dồn dập trong năm 2014, nổi bật là những thảm kịch của hai hãng hàng không Malaysia, các số liệu về thương vong cho thấy hàng không vẫn là loại hình vận tải an toàn nhất so với các loại hình giao thông khác. Theo Boston Globe, tỷ lệ thiệt mạng của một hành khách trên máy bay là 1/60.000.000. Tuy nhiên, điều này không giúp trấn an hội chứng "sợ bay" của hành khách. Ngày càng nhiều người bày tỏ nỗi sợ này trên mạng xã hội, với các từ khóa phổ biến như #ScaredToFly và #AfraidToFly (sợ bay).
Viện sức khỏe tâm thần Mỹ (NIMH) cho biết hội chứng "sợ bay" ảnh hưởng đến 6,5% dân số nước này, Washington Post đưa tin cuối tháng 12/2014, sau thời điểm chuyến bay QZ8501 gặp nạn ở Indonesia. Số lượt theo dõi các vụ thảm kịch hàng không cũng nhiều hơn 43% so với các tai nạn giao thông khác, theo Google Trends. Theo Guardian, nỗi sợ bay chủ yếu xoay quanh hai trạng thái: ám ảnh về khoảng cách và sợ không gian chật hẹp, lo ngại không có lối thoát. Một số người sợ lúc máy bay cất cánh, số khác không thoải mái khi máy bay hạ cánh, và phần lớn hành khách lo âu khi máy bay bị rung lắc.
Bên cạnh những yếu tố tâm lý khác, các chuyên gia chỉ ra 2 nguyên nhân nổi bật là hành khách cho rằng họ không có cơ may sống sót nếu máy bay gặp nạn, và con số thương vong trong những tai nạn máy bay rất lớn (hàng chục hoặc hàng trăm hành khách chết cùng một lúc) gây nên cú sốc đối với xã hội. Cơ quan lưu trữ thông tin tai nạn hàng không (trụ sở ở Genava, Thụy Sĩ), cho biết số vụ tai nạn máy bay trong năm 2014 là 111 vụ, thấp nhất trong 80 năm qua, CNN đưa tin ngày 29/12/2014. Tuy nhiên, số lượng người tử vong đến 1320 người (đã bao gồm những hành khách gặp nạn trên chuyến bay QZ8501). Đây là con số thương vong cao nhất kể từ năm 2005 đến nay.
Hiện trường nơi chuyến bay MH17 gặp nạn tại miền đông Ukraine. Ảnh: AP |
Giáo sư Robert Bor, một nhà tâm lý học và từng là phi công, cho biết: "Vụ khủng bố ngày 11/9 là lần đầu tiên trong lịch sử toàn thể nhân loại chứng kiến tận mắt một tai nạn của hãng hàng không thương mại. Người ta ngay lập tức nghĩ rằng, những hành khách vẫn còn sống trước đó vài giây nhưng chết ngay lập tức sau đó. Đó thực sự là ký ức ám ảnh. Những tai nạn mới đây của hàng không Malaysia tiếp tục khiến người dân hoài nghi và lo lắng về nỗi sợ bay, vì họ cho rằng những tai nạn vẫn cứ xảy ra mà không lý giải được nguyên nhân".
Ông Jon Beatty, chủ tịch tổ chức Fight Safety (trụ sở ở bang Virginia, Mỹ) cho rằng những thảm kịch hàng không vừa qua là "lời cảnh báo lạnh lùng" rằng tai nạn sẽ còn tiếp diễn, vì đây là một ngành đang tăng trưởng, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Theo Beatty, càng nhiều chuyến bay trên bầu trời thì tỷ lệ tai nạn xảy ra càng cao.
Chính quyền Indonesia trục vớt hộp đen của chuyến bay QZ8501 từ đáy biển. Ảnh: Twitter |
Sợ nhưng vẫn bay
Chuyên gia hàng không Robert W. Mann Jr. cho rằng những tai nạn hàng không vừa qua sẽ không làm suy giảm tỷ lệ hành khách trên các chuyến bay. "Tất cả những tai nạn đều là bi kịch thảm khốc, nhưng hành khách sẽ quên rất nhanh, và họ có xu hướng chú trọng vào thị trường quen thuộc nhiều hơn", Robert trả lời trên AP.
Một số hành khách cho biết, họ không quá lo lắng về an toàn hàng không. "Những tai nạn có thể xảy ra mỗi ngày, hoặc không bao giờ. Tai nạn xảy ra dồn dập như vừa qua thực sự là cú sốc, nhưng tôi sẽ vẫn tiếp tục bay", Bram Holshoft, một hành khách người Hà Lan cho biết. Còn hành khách Lam Nguyen (52 tuổi đến từ Tahiti) nói: "Chuyện gì đến sẽ đến, những tai nạn đó không thể khiến tôi ngừng đi máy bay".
Kenneth Quinn, cựu chuyên viên tư vấn của Cơ quan quản lý hàng không liên bang Mỹ (FAA), khẳng định: "Hàng không về cơ bản là loại hình vận tải an toàn, và nó sẽ ngày càng an toàn hơn. Tuy nhiên, tai nạn vẫn thỉnh thoảng xảy ra do những sự cố và lỗi con người. Chúng ta đôi khi quên mất những tính năng ưu việt của hàng không và sự mong manh của cuộc sống con người. Những tai nạn vừa qua khiến chúng ta trân trọng cả hai điều này hơn bao giờ hết".