Ảnh minh họa: redorbit.com |
Người ta không thể thực hiện những thay đổi trong chương trình đào tạo phi công ngay lập tức vì chúng có thể tạo ra những nguy cơ khác, Reuters nhận định.
Ngành công nghiệp hàng không đang đối mặt với một thực tế: Thời gian phi công điều khiển máy bay đang giảm mạnh. Giờ đây phần lớn phi công chỉ tự điều khiển khi máy bay cất cánh và đáp xuống trong những chuyến dài. Chế độ lái tự động giúp họ trong khoảng thời gian còn lại.
Khi một sự cố xảy ra - như băng tích tụ trong động cơ hay bão mạnh, ngay cả những phi công kỳ cựu nhất cũng trải quả "hiệu ứng bối rối" và phải cố gắng nhớ lại những kỹ năng điều khiển bằng tay để xử lý tình huống.
Một nghiên cứu do Đại học Griffith thực hiện cho thấy khả năng xử lý thông tin của con người giảm mạnh trong khoảng 30 giây sau khi họ rơi vào trạng thái bối rối. Vì thế, học cách xử lý những tình huống bất ngờ có tầm quan trọng ngang với việc am hiểu buồng lái.
Ẩn họa từ hệ thống bay giả lập
Các hệ thống bay giả lập tạo ra một thách thức khác. Chúng quan trọng vì phi công hầu như không có cơ hội học hỏi cách xử lý tình huống dừng đột ngột sau quá trình đào tạo cơ bản. Thế nhưng phần lớn mô hình bay giả lập không thể mô phỏng chính xác chuyển động của máy bay khi dừng đột ngột. Vì thế mà Cục Hàng không Liên bang Mỹ đang cố gắng ban hành văn bản để mô hình bay giả lập mô phỏng chính xác hơn chuyển động của máy bay trong trạng thái dừng giữa trời.
Những nhà sản xuất mô hình bay giả lập muốn có dữ liệu tốt hơn về trạng thái dừng đột ngột của máy bay để cải tiến sản phẩm của họ. Nhưng các nhà sản xuất máy bay lại nói dừng đột ngột là hiện tượng khó dự đoán nếu dữ liệu hầu như chẳng có giá trị. Tranh cãi giữa họ khiến vấn đề trở nên nan giải.
"Chúng ta vẫn chưa biết các nhà sản xuất mô hình bay giả lập thu thập dữ liệu liên quan tới trạng thái dừng đột ngột thế nào", Pat Anderson, giám đốc bộ phận nghiên cứu các chuyến bay của Đại học Hàng không Embry-Riddle tại Mỹ, nhận định.
Trên khắp thế giới, các hãng hàng không, trường đào tạo phi công và chính phủ vẫn chưa đồng thuận về việc thích nghi với những thay đổi.
"Một số hãng hàng không đã vượt xa những tiêu chuẩn bình thường trong quá trình đào tạo phi công, song nhiều hãng mới chỉ đạt yêu cầu tối thiểu. Vì thế đào tạo phi công vẫn giống như một mớ hổ lốn", David Greenberg, một nhà tư vấn hàng không từng giữ chức trưởng bộ phận điều hành bay của hãng Delta Airlines tại Mỹ, bình luận.