Ảnh minh họa: Elia Barbieri/The Guardian. |
Khi được hỏi cảnh nóng trong phim hay truyện để lại dư vị gì, có khán giả phàn nàn rằng mình "chẳng mảy may xúc động". Một số đạo diễn cũng hoài nghi về vai trò của cảnh nóng: nếu như có các bậc thầy về nhục cảm như Claire Denis hay Pedro Almodóvar thì cũng có Spielberg nổi tiếng kín đáo, hay Tarantino - người nhận định rằng “tình dục không nằm trong tầm nhìn của tôi về điện ảnh”.
Một số gen Z không thích thú cảnh nóng trên màn ảnh, thậm chí còn đặt câu hỏi về tính hợp pháp khi sử dụng tình dục làm một công cụ kể chuyện. Trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) có người phản đối nội dung được dán nhãn X (khiêu dâm): “Chỉ cần chuyển màn hình sang màu đen là đủ”. Thực sự thắc mắc là các khán giả này xem phim gì vậy nhỉ?
Cũng giống tình dục, cảnh nóng khó có thể mang lại cảm giác hài lòng nếu người thực hiện không rõ mình đang làm gì hoặc tò mò muốn tìm hiểu. Có lẽ những người phản đối cảnh nóng mới chỉ trải nghiệm loại tình dục màn ảnh sáo rỗng, buồn cười, vô cớ.
Có những bộ phim sẽ hoàn toàn mất chất nếu thiếu vắng những cảnh tình dục, tiêu biểu có thể kể đến Je Tu Il Elle (1974) của Chantal Akerman, Appropriate Behaviour (2014) của Desiree Akhavan, Happy Together (1997) của Vương Gia Vệ hay Don't Look Now (1973) của Nicolas Roeg. 4 phim này là đủ để phản bác lại lập luận của một người trên mạng xã hội X rằng “chưa từng có người trưởng thành nào trong lịch sử xem cảnh nóng và nói 'chà, quả là một kiệt tác'".
Từ trái qua, poster các phim Je Tu Il Elle, Appropriate Behaviour, Happy Together, Don't Look Now. Ảnh: IMDb. |
Je Tu Il Elle kết thúc với cảnh quan hệ tình dục đồng tính nữ lộ liễu lần đầu xuất hiện trong một phim hướng đến khán giả đại chúng; phim này ra mắt cùng năm với truyện ngắn mang tính đột phá tương tự Dyketactics của Barbara Hammer. Tình dục trong phim được mô tả như một công cụ giải phóng và thể hiện bản thân.
Nhân vật chính - Julie trẻ tuổi và bạn gái mình ngập trong khao khát trên giường, phù hợp với cảnh mở đầu bằng dòng chữ “Tôi đói khát”. Tuy nhiên, do cấu trúc và bố cục mà cảnh mang đến cảm giác buông bỏ rất phức tạp: chỉ bao gồm ba cảnh quay, thời lượng trên màn hình là 10 phút, quay ở góc máy cách một sải tay bằng một máy quay tĩnh, chừng mực.
Ngay cả khi hai cơ thể quấn lấy nhau như quần áo trong máy giặt, cảnh phim vẫn khéo léo tránh lộ quá rõ người nào là người nào. Dàn diễn viên tiết lộ một ngầm ý khác: Julie do chính đạo diễn thủ vai, vì thế những gì giống như sự thổ lộ hay sự mong manh biến thành kiểu hành động tự quyết.
Điều tương tự cũng đúng với Akhavan - diễn viên chính, đạo diễn và đồng biên kịch của Appropriate Behaviour. Cô là người duy nhất có quyền quyết định cách ghi hình cơ thể mình. Một cảnh quan trọng lột tả màn làm tình tay ba giữa một phụ nữ và cặp vợ chồng mà cô đưa về nhà, trong đó cán cân quyền lực giữa ba người liên tục thay đổi khó đoán.
Ai cho rằng cứ chiếu một cảnh làm mờ sẽ bộc lộ được sắc thái những cảm xúc trên thì cần xem Call Me By Your Name (2017) để thấy sự dè chừng đã khiến bộ phim trở nên "nhẹ đô" đến thế nào. Biên kịch phim James Ivory đã thắc mắc tại sao đạo diễn Luca Guadagnino lại quyết định “hướng máy quay ra ngoài cửa sổ về phía hàng cây” thay vì tập trung vào các diễn viên chính, Timothée Chalamet và Armie Hammer - hai bóng lưng đang diễn cảnh làm tình mãnh liệt.
Một cuộc khảo sát gần đây của Đại học California cho thấy người xem thế hệ Z thích “nội dung tươi sáng, tràn trề hy vọng kể về những người vượt qua khó khăn”. Đến đây lại phải nhắc Chalamet, lần này là trong Lady Bird (2017) khi anh nói một câu nhẹ nhàng khiến vai của cô gái trẻ của Saoirse Ronan đang chán chường thất vọng tỉnh mộng: “Rồi em sẽ trải nhiều nhiều mối quan hệ tình dục chẳng đặc biệt gì trong đời”.
Phim ảnh rất giỏi trong việc khiến những cảnh làm tình ngượng ngùng trở thành bất hủ, mà so ra thì thành tích của các ngôi sao khiêu dâm được yêu thích không là gì. Ta có Anna Paquin mất trinh vì một Kieran Culkin cười gượng gạo, thiếu kinh nghiệm trong Margaret (2011), hay Gina McKee trong Wonderland (1999) về nhà trên chuyến xe buýt đêm sau màn mây mưa chóng vánh kết thúc bằng việc người bạn hẹn hò cáu kỉnh cáu kỉnh của cô ăn đồ thừa từ một cái chảo.
Có trường hợp tình dục trên màn ảnh rất ồn ào, như bản nhạc tiếng lò xo giường kêu cót két trong Delicatessen (1991), hoặc khi Emma Thompson và Jeff Goldblum gần như phá hủy toàn bộ căn hộ trong một buổi chiều trong The Tall Guy (1989).
Có khi cảnh nóng lại đặt khúc khởi đầu cho bộ phim theo sau. Happy Together (1997) mở đầu bằng cảnh ân ái kéo dài 90 giây đầy tuyệt vọng giữa cặp đôi sắp chia tay. Chi tiết này sẽ kéo dài suốt phần còn lại của bộ phim; mọi phân cảnh đều mang sắc u sầu nhìn qua lăng kính của đam mê mãnh liệt một thời.
Màn hứng tình ở phần đầu của Betty Blue (1986), một cảnh có hiệu quả cao trong một phim không hề hay, có chức năng ngược lại: tăng kịch tính và sức hút.
Trái với các trường hợp trên, cảnh nổi tiếng trong Don't Look Now lại diễn ra khi ta đã quen với cặp đôi chính do Julie Christie và Donald Sutherland thủ vai. Họ đang đau buồn trước cái chết của đứa con gái nhỏ.
Nhiều yếu tố hấp dẫn ở đây: sự thân mật của các diễn viên, máy ảnh đặt gần họ và phần hiệu chỉnh sáng tạo, chuyển tiếp đến cảnh cặp đôi đang mặc quần áo trước khi liên tục quay lại cảnh lúc hai cơ thể đang quấn lấy nhau. Roeg thậm chí còn gợi ý rằng lúc ấy, đôi tình nhân đang tìm kiếm một đứa trẻ khác để xoa dịu mất mát, thêm vào tia hy vọng giữa những cảm xúc giông bão của bộ phim.
Loại bỏ tình dục khỏi vốn từ vựng điện ảnh rõ ràng sẽ vô nghĩa tương tự như cấm ngặt các cảnh quay trên bàn ăn tối. May mắn thay, ngày nay không thiếu nhà làm phim biết sử dụng tình dục một cách thuyết phục và mượt mà.
Ba bộ phim hay ra mắt năm ngoái - Passages của Ira Sachs, Joyland của Saim Sadiq và Rotting in the Sun của Sebastián Silva - đều triển khai những cảnh gần gũi xác thịt theo lối rất hấp dẫn và phiêu lưu. Hai tác phẩm chuyển thể văn học sắp ra mắt cũng vậy: Poor Things của Do Yorgos Lanthimos chuyển thể từ tác phẩm của Alasdair Gray, với sự góp mặt của Emma Stone và Mark Ruffalo, All of Us Strangers có Andrew Scott và Paul Mescal do Andrew Haigh chuyển thể từ tiểu thuyết của Taichi Yamada.
Sẽ là khôn ngoan nếu các đạo diễn cứ tiếp tục bỏ ngoài tai lời phản đối từ những khán giả xem cảnh nóng rồi chỉ thấy cái ngượng ngùng xấu hổ, thay vì thấy ôi sao mà nhiều rung cảm để lại.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.