Trong ngày thu trời xanh, gió nhẹ ở Lịch Nguyên, khu nhà ở xã hội lâu đời nhất quận Sa Điền của Hong Kong, người dân đã xếp thành hàng dài bên ngoài nhà sinh hoạt cộng đồng ngay khi bình minh vừa ló rạng.
Đó là điểm bỏ phiếu của khu vực bầu cử này, và hàng trăm người đã xếp hàng trước giờ mở cửa, 7h30, hôm 24/11 để bỏ phiếu chọn ra ủy viên hội đồng quận, một trong những cấp quan chức dân cử thấp nhất tại Hong Kong.
Người dân Hong Kong đi bầu cử hội đồng quận tại một điểm bỏ phiếu hôm 24/11. Ảnh: Reuters. |
Cảnh tượng này xuất hiện ở khắp 18 quận của Hong Kong, nơi gần 3 triệu người đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử thường ít được coi trọng, với các quan chức được bầu ra rốt cuộc chỉ để giải quyết các khiếu nại về tiếng ồn và các dự án cải thiện cơ sở hạ tầng địa phương.
Bước ngoặt của phong trào dân chủ
Tuy nhiên, các quan chức này cũng đại diện cho 117 thành viên của Ủy ban Bầu cử gồm 1.200 người để chọn ra đặc khu trưởng của Hong Kong, một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc theo nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ".
Ở nhiều khu vực, người dân liên tục ra vào các điểm bỏ phiếu từ sáng đến chiều, ngoại trừ buổi trưa vì đây là thời gian nóng nhất trong ngày.
Dù phải chờ đợi lâu hơn nhiều để bỏ phiếu so với những năm trước, nhiều người nói các diễn biến trong 5 tháng qua đã thúc đẩy mong muốn thực hiện quyền dân chủ của họ, trong bối cảnh cuộc bầu cử lần này được đánh giá có thể trở thành bước ngoặt trong phong trào dân chủ của thành phố.
"Tôi đã đợi gần 45 phút trong khi trời bắt nóng lên, nhưng đó là điều tối thiểu tôi có thể làm vì tôi luôn tham gia các cuộc biểu tình ôn hòa. Cho nên đây là một ví dụ khác về nghĩa vụ công dân của tôi", ông Anthony, một nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần đã nghỉ hưu ở Sa Điền, nói.
Người đàn ông 69 tuổi, đi lại phải chống gậy, cho biết ông đến trung tâm khu phố từ ngôi nhà nằm ở vùng đồi núi lân cận, nơi ông đã sống trong ba thập kỷ qua.
Nằm giữa thung lũng với hai ngọn núi vây quanh thuộc Tân Giới (một trong ba khu chính của Hong Kong, cùng với đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long), Sa Điền có cả chung cư, biệt thự cao cấp lẫn nhà ở xã hội, một trường đua và một trường đại học có lịch sử hoạt động mạnh mẽ.
Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm Hong Kong đã chao đảo vì những cuộc biểu tình bạo lực, ban đầu xuất phát từ dự luật về dẫn độ mà nay đã bị hủy bỏ.
Căng thẳng đã lên đến đỉnh điểm vào hai tuần trước khi cảnh sát bao vây Đại học Bách khoa Hong Kong, nơi những người biểu tình đã tự cô lập họ để tạo thành một "pháo đài", tương tự cảnh tượng xảy ra trước đó tại Đại học Trung Văn Hong Kong ở quận Sa Điền.
Giữa nỗ lực giải cứu những sinh viên mắc kẹt dẫn đến các trận chiến đường phố ở nhiều nơi tại Cửu Long, các trường học phải đóng cửa vì những con đường lớn bị người biểu tình phong tỏa. Nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà vì giao thông bị gián đoạn.
Sau khi chính quyền cảnh báo rằng cuộc bầu cử ngày 24/11 có thể bị hủy, thành phố đã trở nên tương đối lắng dịu trong 5 ngày qua, nhưng không rõ tình hình này liệu sẽ kéo dài bao lâu.
Tại Hong Kong, người dân không bầu chọn lãnh đạo, nên cuộc bầu cử hội đồng quận này được coi là phong vũ biểu về suy nghĩ của công chúng đối với chính quyền.
Gần 3 triệu người Hong Kong đã đi bỏ phiếu hôm 24/11. Ảnh: Reuters. |
"Bất chấp tất cả những thay đổi mạnh mẽ và làm đảo lộn mọi thứ ở Hong Kong, việc có thể đi bỏ phiếu giống như giành lại được một tia hy vọng cho những người thực sự yêu Hong Kong", Serena Ho, 32 tuổi, làm việc trong lĩnh vực xuất bản, nói. "Đó là điều mà chúng tôi có thể làm cùng nhau để chiến đấu một cách hòa bình".
Cô nói rằng tại khu vực Thái Cổ Thành ở phía đông đảo Hong Kong nơi cô sống, có cả người đi đánh thức cư dân dậy lúc 7h30 để họ có thể đến các điểm bỏ phiếu sớm.
"Chọn cách xã hội tiến lên"
Song đối với một số người, có những lo ngại rằng chiến thắng cho phe dân chủ có thể đồng nghĩa với việc xã hội giờ đây đang dung thứ cho bạo lực.
Giáo viên Cathy Fung, 46 tuổi, sống tại khu vực Nguyên Long ở Tân Giới, cho biết chị đã cố gắng thuyết phục một số đồng nghiệp trẻ tuổi rằng ủng hộ chính quyền đại lục không phải là quá tệ.
"Rốt cuộc, đây là đất nước đã giúp rất nhiều người thoát khỏi nghèo đói và chúng ta là một phần của nó về mặt lịch sử. Liệu những tư tưởng dân chủ phương Tây có tốt hơn không?", chị nói.
Ở Lịch Nguyên, nhiều người đã đi bầu để ủng hộ ứng viên Jimmy Sham, nhân vật nổi tiếng của phe dân chủ, người đã hai lần bị côn đồ tấn công trong 3 tháng qua.
Vụ mới nhất đã khiến anh phải nằm viện gần một tuần và khi anh đi vận động bỏ phiếu giờ chót tại một chợ ở địa phương, nhiều người ủng hộ - chủ yếu là người dân sống quanh khu vực - đã đến để chụp ảnh với anh và đưa ra những đề nghị hỗ trợ.
Ứng viên Jimmy Sham, một nhân vật nổi tiếng của phe dân chủ tại Hong Kong. Ảnh: Reuters. |
Trong số đó có hai sinh viên Michelle Tsang, 27 tuổi và Yiu Tsang, 22 tuổi, những người chụp ảnh cùng anh.
Cả hai cô gái, sống trong cùng một khu nhà ở Lịch Nguyên, cho biết nhiều bạn bè của họ đã "thức tỉnh" sau nhiều tháng biểu tình diễn ra.
"Người Hong Kong đã trải qua quá nhiều điều khiến chúng tôi buồn... vì vậy tôi tin rằng mọi người đều trân trọng phiếu bầu mà họ có, bởi vì nó đại diện cho những gì chúng tôi đang đấu tranh", Michelle Tsang nói.
Ứng viên Sham cho biết cuộc bầu cử cũng là cách để mang lại sự yên bình cho xã hội một cách dân chủ.
Khi được hỏi liệu anh có lo lắng cho sự an toàn của mình sau hai vụ tấn công không, anh trả lời "tất nhiên rồi!" một cách không do dự.
"Không có cách nào để thoát khỏi các mối đe dọa, nhưng tôi phải chọn cách tôi muốn tiến lên, chúng ta phải chọn cách xã hội tiến lên", anh nói.
Tính đến trưa 25/11 (giờ địa phương), ứng viên các đảng ủng hộ dân chủ giành được đa số tại 17/18 quận ở Hong Kong, với tổng cộng 344 ghế đạt được, so với 58 ghế của các đảng ủng hộ chính quyền và 41 ghế dành cho các ứng viên độc lập. Việc kiểm phiếu vẫn chưa kết thúc, tổng số ghế tranh chấp là 452 và còn 9 ghế chưa có kết quả.