Công an huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, đã tống đạt quyết định khởi tố bị can Lê Tùng Vân (89 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (32 tuổi), Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi) và Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi, cùng ở xã Hòa Khánh Tây) về tội Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân.
Trong số này, 3 bị can Dương, Hoàn Nguyên và Nhất Nguyên bị tạm giam, chỉ có bị can Vân được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Vì sao cơ quan chức năng không áp dụng biện pháp tạm giam đối với người đàn ông này?
Ông Lê Tùng Vân cùng những người sống tại Tịnh thất Bồng Lai. Ảnh: A.L. |
Theo luật sư Quách Thành Lực (Giám đốc Công ty Luật Pháp trị), chính sách pháp luật hiện hành thể hiện tính nhân đạo, nhân văn khi có những quy định khác biệt, ưu đãi hơn với người cao tuổi phạm tội.
Bộ luật Hình sự và Tố tụng hình sự 2015 không giải thích cụ thể khái niệm người cao tuổi, song có đề cập đến tình trạng sức khỏe, độ tuổi của người phạm tội. Theo đó, người già yếu hoặc từ đủ 70 đến 75 tuổi trở lên có thể được hưởng những ưu đãi trong quá trình giải quyết vụ án.
Cụ thể, Khoản 4, Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì sẽ không bị áp dụng biện pháp tạm giam. Thay vào đó, những người này được sử dụng các biện pháp ngăn chặn khác.
Ngoài ra, người già yếu, người từ đủ 70 tuổi trở lên sẽ không bị áp dụng biện pháp áp giải, dẫn giải; không bị cùm chân nếu trong trường hợp họ bị tạm giữ, tạm giam và được trợ giúp pháp lý miễn phí.
Đối chiếu trường hợp này, do ông Vân năm nay đã 89 tuổi, thuộc diện người già yếu, có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng nên việc cơ quan công an không áp dụng biện pháp tạm giam với bị can này là đúng quy định.
Về việc thi hành án, người phạm tội từ đủ 70 tuổi trở lên có thể được tha tù trước thời hạn khi đã chấp hành ít nhất 1/3 mức án tù có thời hạn hoặc ít nhất 12 năm với án tù chung thân được giảm xuống tù có thời hạn, thay vì 1/2 mức án tù và ít nhất 15 năm với án chung thân theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015.
Tịnh thất Bồng Lai tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ảnh: An Huy. |
Đồng quan điểm, luật sư Hà Công Tâm (Giám đốc Công ty Luật Onekey), đánh giá việc không tạm giam bị can Vân là đúng quy định, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật Việt Nam với người cao tuổi khi phạm tội.
Bên cạnh ưu đãi trong việc tạm giữ, tạm giam, luật sư Tâm cho biết theo Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015, người phạm tội từ đủ 70 tuổi trở lên, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả hoặc thuộc trường hợp phạm tội do lạc hậu sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Nếu bị can bị kết án về nhiều tội danh, tòa án sẽ tổng hợp hình phạt theo nguyên tắc không áp dụng biện pháp tử hình đối với người từ đủ 75 tuổi trở lên. Nếu hình phạt cao nhất là tù có thời hạn thì tổng hợp hình phạt sẽ không quá 30 năm tù.
Ngoài ra, theo Luật Thi hành án hình sự 2019, người phạm tội còn có thể được xem xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù do già yếu; giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ với điều kiện đã chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt hoặc xem xét rút ngắn thời gian thử thách còn lại đã được tuyên tại bản án đã có hiệu lực.