Danh từ chủ nghĩa quốc gia thái quá xuất phát từ chữ Ultra – nationalism của tiếng Anh, hoặc nói theo tiếng Nhật là quốc gia chí thượng chủ nghĩa.
Theo nghiên cứu của tác giả, chủ nghĩa quốc gia thái quá của Nhật đã manh nha từ thời phong kiến cổ đại, và phát triển cực thịnh từ thời Minh Trị Duy tân trở đi.
Nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa quốc gia thái quá không phải khởi phát từ lòng tự hào đối với lãnh thổ to lớn hay binh lực cường thịnh mà chỉ xuất phát từ lòng ái quốc chân thành của người Nhật đối với quốc gia lãnh thổ nơi mình sinh ra.
Sách Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, tái bản năm 2018. |
Trong các yếu tố đã làm cho ý chí tự tôn tự đại đối với quốc gia lãnh thổ của người Nhật ngày càng tăng, yếu tố Thần đạo đóng vai trò quan trọng. Trong sách Thần hoàng chính thống ký cũng đã viết rằng “Đại Nhật Bản là một thần quốc. Thần quốc này do Thiên tổ khai phát và các vị Nhật thần tiếp nối kế thừa. Chỉ có nước ta mới như vậy, còn các nước khác thì không có. Cũng vì lẽ ấy nên nước ta được gọi là Thần quốc”.
Không chỉ có Thần đạo mới quan niệm Nhật Bản là một Thần quốc, mà Phật giáo, nhất là phái giáo Nhật Liên tôn cũng thường có những quan niệm tương tự như thế.
Khuynh hướng quốc gia hóa tôn giáo đã khiến Phật giáo Nhật Bản khác với Phật giáo Ấn Độ và Trung Hoa. Vì ở Ấn Độ, Phật giáo thường không trọng thị quốc gia và quốc vương, còn ở Trung Hoa từ xưa Phật giáo đã áp dụng theo hạnh “sa môn không cung kính vua chúa”, và cũng không nhắm đến mục đích chính trị.
Khi Phật giáo truyền đến Nhật Bản sẽ phải có sự chuyển hướng cho hợp với nhu cầu của dân tộc, của lợi ích quốc gia trước hết mới có thể tồn tại và phát triển được. Cũng bởi lý do ấy nên Phật giáo mới chuyển thành một thứ “Tân Phật giáo” luôn đi sát với quần chúng xã hội mà họ thường gọi là Đại thừa Phật giáo.
Ngoài Thần giáo và Phật giáo ra, chủ nghĩa quốc gia Nhật Bản lấy hệ thống tư tưởng của Nho giáo làm căn bản.
Ở Nhật Bản, quan niệm “Thiên hoàng và tổ quốc là trên tất cả” bao giờ cũng là quan niệm cốt cán của lòng ái quốc.
Nho giáo ở Nhật Bản là một tôn giáo, nhưng cũng là một quan niệm triết học luôn đặt trọng điểm vào khuynh hướng quốc gia chí thượng chủ nghĩa hoặc quyền lực chí thượng chủ nghĩa. Cũng vì thế nên Nho giáo được ưu đãi, được xem là nền tôn giáo thích hợp với tâm hồn và tư tưởng của người Nhật hơn các tôn giáo ngoại lai khác.
Nếu tìm hiểu Nho giáo Trung Hoa, chúng ta sẽ nhận thấy rằng, khi các bậc triết gia Trung Hoa nói đến quốc gia tức là nói đến quốc gia lý tưởng, một quốc gia tổng hợp, gồm cả các quốc gia khác. Còn ở Nhật Bản, mỗi khi nói đến quốc gia là chỉ nhấn mạnh, đề cập riêng đến quốc gia Nhật Bản mà thôi.
Các nhà Nho học ở Nhật như Yoshida Shoin, đã từng lên tiếng công kích Khổng Tử và Mạnh Tử như sau: “Đức Khổng Tử và Mạnh Tử là những người quên quốc gia mình, chỉ nghĩ đến việc cứu tế cho quốc gia kẻ khác, và cũng đã xem vua cha của mình giống như vua cha của người khác”.
Trong sách Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, tác giả cũng đã đưa ra hai lý do giải thích tại sao các tôn giáo của Nhật lại đề cao tinh thần quốc gia lên trên hết như vậy.
Nhật Bản là đất nước có chủ nghĩa quốc gia thái quá. |
Thứ nhất, bởi từ xưa đến nay vấn đề quốc gia luôn luôn quan hệ mật thiết với sinh hoạt xã hội của dân tộc Nhật Bản. Lịch sử sinh tồn của dân tộc thường bị chi phối bởi các vị văn quan, võ tướng, quần thần trong thể chế quốc gia rất bền chặt kiên cố.
Thứ hai, Nhật Bản là một quốc gia do nhiều hòn đảo hợp lại mà thành, là một thế giới cách biệt với các nước ở lục địa khác; vì thế quan niệm quốc gia của người Nhật ít có tính cách cộng đồng phổ biến, trái lại chỉ đóng lại trong phạm vi lãnh thổ mà thôi.
Chủ nghĩa quốc gia thái quá là yếu tố căn bản tạo cho người Nhật một quan niệm tự tôn tự đại đối với quốc gia lãnh thổ của mình. Chủ trương “Thế giới ở dưới một mái nhà” và chương trình “Đại Đông Á” mà chúng ta đã thấy trong trận chiến tranh thế giới lần thứ hai cũng chính là sản phẩm của chủ nghĩa quốc gia thái quá này.
Trong giai đoạn hiện tại, dù khái niệm quốc gia đã thay đổi, chủ nghĩa quốc gia thái quá thời chiến không còn, nhưng ý chí luôn luôn vì quốc gia vẫn còn là yếu tố căn bản để kết hợp tất cả cá nhân, tạo thành một lực lượng hùng mạnh trong việc cải thiện đời sống, xây dựng quốc gia theo lý tưởng mà Nhật Bản đang theo đuổi.
Sách Lịch sử tư tưởng Nhật Bản, được Đông Phương xuất bản lần đầu tại Sài Gòn năm 1965, là thành quả nghiên cứu trong gần 10 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản của Thích Thiên Ân. Năm 2018, cuốn sách được tái bản nhân dịp kỷ niệm 150 năm Minh Trị Duy tân (1868-2018), và 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản (1973-2018).