Theo thông tin từ Google Việt Nam, Sundar Pichai sẽ đến Hà Nội vào ngày 22/12 để tham dự một cuộc nói chuyện với hơn 200 người gồm các lập trình viên, sinh viên, những doanh nhân khởi nghiệp công nghệ trong nước.
Chuyến đi đến Việt Nam của Sundar Pichai diễn ra ngay sau khi CEO của Google có chuỗi ngày trở về quê hương Ấn Độ để truyền cảm hứng tại các trường đại học, gặp gỡ giới công nghệ và sinh viên.
Sundar Pichai được cho là đã có mặt tại Việt Nam. Ảnh: BBC. |
Đến chiều 21/12, có thông tin cho rằng Sundar Pichai đã có mặt sớm ở Hà Nội. Một vài nhân vật có ảnh hưởng trong giới khởi nghiệp tại Việt Nam cho rằng, có thể Pichai đang muốn du lịch tại Việt Nam, sẵn tiện có buổi chia sẻ với lập trình viên và chủ doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Tuy nhiên, trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Sơn Dương, người sáng lập Toong - không gian làm việc chung cho giới khởi nghiệp công nghệ (start-up) tại Hà Nội, nơi sẽ diễn ra buổi gặp mặt với CEO Google, cho rằng Sundar Pichai có lý do riêng để đến Việt Nam.
“Lịch làm việc của những người như ông Pichai rất dày, nên chắc chắn chuyến thăm lần này không chỉ đơn thuần là tiện đi du lịch qua Việt Nam mà lại dành thời gian chia sẻ với mọi người", ông Dương nhận định
Theo ông Dương, nên coi đây là tín hiệu ban đầu của sự quan tâm tìm hiểu đến thị trường Việt Nam của Google. Còn mức độ quan tâm đến đâu thì chỉ người trong cuộc mới biết rõ. Hơn nữa, ông Pichai đến Việt Nam sau chuyến thăm của Phó chủ tịch Google - Mike Cassidy đến Việt Nam cách đây một tháng. "Tôi không nghĩ đây là việc tình cờ”, ông nói.
Cũng theo nhân vật có ảnh hưởng trong giới khởi nghiệp này, hệ sinh thái start-up tại Việt Nam chưa hình thành, nhưng thị trường đang nhiều cơ hội tiềm ẩn. "Tôi nghĩ việc gia tăng ảnh hưởng tại một thị trường như vậy là điều quan trọng để nắm bắt được những cơ hội tiềm năng tại đây", ông Dương lý giải về việc CEO Google đến Việt Nam.
Sundar Pichai sẽ có buổi nói chuyện với sinh viên và giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam vào chiều 22/12. |
Trước khi làm rõ sự hiện diện của mình tại Việt Nam bằng những chuyến thăm của các nhân vật cao cấp, Google từng có những ảnh hưởng nhất định trong giới doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ (start-up) tại Việt Nam thông qua ba hoạt động chính: truyền cảm hứng, tạo dựng cộng đồng và cung cấp bộ công cụ dành riêng cho các nhà phát triển.
Để truyền cảm hứng cho những start-up tại Việt Nam, Google đã khởi động chương trình Start Up Grind, mang những nhân vật khởi nghiệp công nghệ thành công đến với những người trẻ để cùng chia sẻ kinh nghiệm. Tuy nhiên, vì đặc thù của cộng đồng trong nước, chương trình này vẫn chưa mang lại những hiệu quả rõ nét, chưa đáp ứng được kỳ vọng của những người tham gia.
"Theo tôi, Start Up Grind là một hoạt động khá bổ ích cho những start-up trẻ có cơ hội được học hỏi từ câu chuyện của những người đi trước. Tuy nhiên, hoạt động của Start Up Grind hiện nay chưa có tính ảnh hưởng đủ lớn trong cộng đồng. Tôi thấy start-up Việt cần sự tương tác nhiều hơn nữa từ những hội nhóm tương tự để có thể mang lại hiệu quả rõ nét", ông Đỗ Sơn Dương nhận định.
Về mặt công nghệ, Google hiện cung cấp gói giải pháp mang tên Google Launch Pad, gồm công nghệ, sự kiện, tài nguyên trực tuyến, chuyên môn và cộng đồng để các lập trình viên có thể ra mắt và mở rộng một ứng dụng. Với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ, Google cũng mang đến dịch vụ Google Cloud Platform, là nền tảng điện toán đám mây giúp doanh nghiệp tạo máy ảo ứng dụng web, lưu trữ đám mây, quản lý truy vấn dữ liệu, cân bằng tải cho mạng, hệ thống học máy từ Google...
Tuy nhiên, theo anh Hà Quốc Dũng, Giám đốc của Startup Grind Vietnam, để được sử dụng Google Cloud Platform, doanh nghiệp cần đáp ứng về vốn và nhiều điều kiện khác và phải được hai tổ chức ở Việt Nam là 500 Startups và Start Up Grind Vietnam giới thiệu.
Nói về những kỳ vọng của giới khởi nghiệp tại Việt Nam tại buổi nói chuyện của Sundar Pichai, sáng lập của Toong cho rằng các cuộc gặp mặt như thế này không dài nhưng mang lại những động lực lớn cho giới start-up Việt Nam, đặc biệt là các start-up công nghệ.
"Những người đứng đầu các thương hiệu có tính biểu tượng và là tham vọng của nhiều start-up Việt Nam đến và chia sẻ tại đây sẽ giúp mang tham vọng của start-up Việt đến gần Google hơn", ông Dương chia sẻ.