Trong báo cáo vừa gửi các bộ ngành, UBND TP Hà Nội cho biết hầu hết gói thầu của dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đều phải kéo dài thời gian và bị nhà thầu đòi thêm chi phí phát sinh.
Hà Nội thừa nhận các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật và giao diện giữa các gói thầu khiến việc bàn giao mặt bằng cho các gói thầu đều bị chậm trễ so với ngày mốc thỏa thuận.
Nhiều gói thầu phát sinh hàng triệu USD
Như gói thầu CP01 đoạn cầu cạn trên cao ký hợp đồng ngày 11/4/2014 có thời gian hoàn thành dự kiến là 30 tháng nhưng phải kéo dài thêm 26,5 tháng. Chi phí phát sinh theo đề xuất của nhà thầu DAELIM (Hàn Quốc) là hơn 19 triệu USD, trong khi chủ đầu tư là UBND TP Hà Nội chỉ xác nhận mức phát sinh là hơn 6,6 triệu USD.
Gói thầu CP02 là các ga trên cao ký hợp đồng ngày 14/8/2013 có thời gian hoàn thành dự kiến là 57 tháng nhưng phải kéo dài thêm 24 tháng. Nhà thầu Posco E&C đòi thanh toán thêm hơn 7 triệu USD. Chủ đầu tư và tư vấn đang trong quá trình đánh giá và đàm phán.
Hạng mục cầu cạn và nhà ga trên cao đều phát sinh chi phí vì chậm bàn giao mặt bằng sạch. Ảnh: Việt Linh. |
Gói thầu CP05 Kiến trúc Depot có thời gian hoàn thành là 61 tháng nhưng phải kéo dài thêm 24 tháng. Nhà thầu là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội đang lập báo cáo chi phí bổ sung.
Còn gói thầu CP07 (Hệ thống đường sắt 2) có thời gian hoàn thành là 40 tháng nhưng phải kéo dài thêm 21 tháng. Nhà thầu Colas Rail (Pháp) yêu cầu thanh toán thêm hơn 3 triệu EUR trong khi chủ đầu tư chỉ xác nhận mức phí phát sinh là 1,47 triệu EUR.
Chính quyền Hà Nội cho biết các nhà thầu đang căn cứ điều khoản hợp đồng để quy trách nhiệm thanh toán chi phí phát sinh cho chủ đầu tư. Hợp đồng dự án quy định rõ nhà thầu sẽ được phép gia hạn thời gian hoàn thành nếu không được tiếp cận mặt bằng đúng hạn, đồng thời được đền bù các chi phí do việc kéo dài thời gian.
Bất đồng vì thiếu quy định chung
Những chậm trễ trong giải phóng mặt bằng (GPMB) tại dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội không chỉ kéo dài thời gian hoàn thành công trình mà còn gây chia rẽ quan điểm giữa chủ đầu tư và nhà thầu về hình thức đền bù chi phí phát sinh.
UBND TP Hà Nội cho biết trong hợp đồng không quy định cách tính toán chi phí phát sinh. Các quy định hiện hành cũng không có hướng dẫn chi tiết về việc tính chi phí bổ sung khi điều chỉnh tiến độ.
Lộ trình tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội. Ảnh: MRB. |
Do đó, chi phí phát sinh được nhà thầu tính toán dựa trên phương pháp phân tích cửa sổ thời gian (được sử dụng rộng rãi với các hợp đồng FIDIC) và căn cứ điều kiện cụ thể của từng gói thầu. Mức chi phí sau đó sẽ được các đơn vị tư vấn thẩm tra và trình lên chủ đầu tư.
Sau nhiều tháng đàm phán, nhà thầu vẫn không chấp thuận mức chi phí phát sinh theo cách tính của chủ đầu tư và các tư vấn bởi nó thấp hơn nhiều so với đề xuất của nhà thầu. Họ yêu cầu thành lập ban hòa giải, tiến tới khiếu kiện vấn đề này lên trọng tài quốc tế, đồng thời dừng huy động công trường nếu việc thanh toán không được giải quyết sớm.
Để tránh kịch bản trên, UBND TP Hà Nội đang phải kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp cho ý kiến hướng dẫn và thống nhất phương pháp lập dự toán chi phí bổ sung do kéo dài thời gian hợp đồng.
Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km ngầm. Dự án đi qua các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1,176 tỷ euro (khoảng 33.000 tỷ đồng, theo tỷ giá năm 2013) trong đó vốn vay ODA hơn 899 triệu euro (khoảng hơn 25.000 tỷ đồng) từ chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp - AFD, Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Ngân hàng đầu tư châu Âu và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Vốn đối ứng trong nước gần 280 triệu euro (khoảng 7.800 tỷ đồng) lấy từ ngân sách thành phố.
Khởi công tháng 9/2010, dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội đặt mốc hoàn thành vào tháng 9/2017 nhưng phải lùi tiến độ vì thiếu vốn. Đoạn đường trên cao đã chốt được thời gian vận hành chính thức vào tháng 4/2021, đoạn đi ngầm sẽ vận hành vào cuối năm 2022.