Công trình đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao) được UBND TP Hà Nội yêu cầu đến tháng 4/2021 phải vận hành. Tuy nhiên, dự án có nguy cơ chậm tiến độ ở hạng mục cuối cùng là hệ thống cầu thang đấu nối lên nhà ga do mặt bằng chưa được giải phóng.
Ông Lee Hwan Se, đại diện nhà thầu Posco E&C phụ trách xây dựng các ga trên cao, cho biết ga S7 - Chùa Hà chưa thể thi công phần thang nối do 16 ngôi nhà và cửa hàng lấn chiếm chỉ giới giải phóng mặt bằng (GPMB) với chiều rộng lấn chiếm khoảng 1,5 m.
Nhà cửa san sát chưa được giải phóng khiến nhà thầu thiếu đất xây thang nối nhà ga S7. Ảnh: Ngọc Tân. |
Vị trí xây thang nối tại Ga S8 - Cầu Giấy còn một số cột điện, cáp điện và cây xanh chưa di dời. Ga S4 có 19 nhà dân nằm trong chỉ giới đỏ và có cột điện, cáp điện hạ thế chưa được di chuyển. Ga số 5 trùng với cổng vào Nhà hát Quân đội và vướng đường dây điện. Ga số 6 vướng cổng nhà sách, hàng quán...
"Hiện các nhà ga trên cao đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội đã đạt khoảng 80% tiến độ và khó khăn nhất hiện nay là không có mặt bằng thi công. Nếu không bàn giao mặt bằng sớm thì nhà thầu sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ", ông Lee cho biết.
Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết mốc giới GPMB của dự án chính là chỉ giới đường đỏ của tuyến Cầu Giấy - Xuân Thủy và quốc lộ 32 (để tránh phải GPMB 2 lần). Về nguyên tắc, đất trong chỉ giới đỏ chỉ có thể làm vỉa hè hoặc các công trình công cộng. Thực tế tại quận Cầu Giấy, đất trong chỉ giới này vẫn xuất hiện nhà dân.
Giải thích vấn đề này, lãnh đạo quận Cầu Giấy cho biết một số mảnh đất mặt đường quốc lộ 32 đã có sổ đỏ từ trước, quá trình mở rộng đường, một số diện tích nằm trong chỉ giới đỏ nhưng chưa được GPMB triệt để. Những phần đất này sau đó vẫn phải cấp phép xây dựng vì các hộ dân có sổ đỏ đầy đủ.
Lãnh đạo quận Cầu Giấy cũng cho biết để GPMB cho dự án, cơ quan chức năng phải cắm mốc GPMB, xác định trường hợp công trình nào lấn vào đất công thì tháo dỡ, còn có sổ đỏ phải đền bù, thực hiện GPMB theo quy định.
Ngày 9/5, dự án mới hoàn tất cắm mốc GPMB trên thực địa. Toàn bộ phần đất cần giải phóng vẫn chưa được kiểm đếm để lên phương án đền bù.
Ga S8 - Cầu Giấy chưa xây được thang nối vì vướng cây xanh và đường dây điện. Ảnh: Ngọc Tân. |
Lãnh đạo MRB tính toán hệ thống thang nối (gồm thang bộ, thang máy và thang cuốn) của 8 nhà ga trên cao sẽ mất từ 1 đến 3 tháng để xây dựng trong điều kiện có sẵn mặt bằng sạch.
MRB yêu cầu hạng mục thang nối phải hoàn tất vào cuối năm 2020 để 4 tháng còn lại hoàn thành nốt các phần việc như chạy thử, đánh giá an toàn hệ thống, bàn giao... Như vậy, thời gian cho công tác giải phóng mặt bằng chỉ còn khoảng 4 tháng.
Đại diện MRB cho biết trong trường hợp khối lượng GPMB không đạt, có thể phải thay đổi thiết kế thang nối theo hướng ép sát cầu thang vào thân ga, đồng thời tăng độ dốc của thang. Giải pháp này giúp giảm diện tích phải GPMB, đẩy nhanh tiến độ nhưng sẽ gây vất vả hơn cho người sử dụng khi đưa vào vận hành.