Trường Giang (1989), tốt nghiệp trường đại học Sư phạm chuyên ngành tiếng Pháp được hơn 3 năm. Giang cho biết, ngành sư phạm rất khó xin việc nên đã làm hồ sơ và trúng tuyển vào một công ty du lịch ở Việt Nam.
Mức lương khởi điểm là 2,5 triệu đồng. Sau 2 năm phấn đấu và nỗ lực trong công việc, lương của Giang cũng chỉ tăng lên xấp xỉ 5 triệu đồng. Giang có đề xuất tăng lương, tuy nhiên, bộ phận quản lý cho biết, 5 triệu đồng là ngạch lương cao của công ty. Điều này đồng nghĩa với việc, Giang gần như còn rất ít cơ hội tăng lương trong thời gian tới.
Nhiều người lao động Việt có nhu cầu làm việc ở môi trường công ty nước ngoài. Ảnh: Ngọc Lan. |
Gần đây, Giang nộp CV (sơ yếu lí lịch, đơn xin việc) vào một chi nhánh công ty du lịch Pháp tại Việt Nam. Trong các cuộc phỏng vấn, mức lương khởi điểm là 4 triệu đồng. Ngoài ra, quy định của công ty là sẽ xét tăng lương 3 tháng một lần và có xét thưởng thường niên theo kết quả đạt được.
Trong quá trình tư vấn, Giang được biết, môi trường làm việc rất mở, có nhiều người nước ngoài nên việc giao tiếp bằng tiếng Anh, Pháp rất thường xuyên. Công ty cũng sẽ hỗ trợ 100% chi phí đào tạo ngoại ngữ và mở các kỳ thi lấy chứng chỉ, tạo nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài cho nhân viên xuất sắc.
Tuy nhiên, để được ứng tuyển vào các vị trí của các công ty nước ngoài không hề đơn giản. Thông qua lần phỏng vấn, Giang cho biết, yêu cầu của của họ khá cao về mặt ngoại ngữ và trình độ chuyên môn. Ngoài ra, kỹ năng giao tiếp và khả năng sáng tạo được họ đặc biệt chú ý.
Tuy nhiên, Giang cho rằng, với khả năng ngoại ngữ hiện tại của mình, làm việc trong một môi trường nước ngoài sẽ có nhiều cơ hội phát triển cũng như đáp ứng được nhu cầu về mức lương mong muốn.
Công ty nước ngoài tại Việt Nam là môi trường tiềm năng cho lao động Việt, đặc biệt là sinh viên mới ra trường. Ảnh: Ngọc Lan. |
Đang giữ vị trí quản lý phát triển dự án với mức lương 10 triệu đồng cho một công ty may mặc Việt Nam ở Hà Nội, anh Lâm (Đống Đa) vẫn cảm thấy "tù túng" và ít sáng tạo. “Công ty ít diễn ra các buổi làm việc nhóm, 1 năm mới xét tăng lương 1 lần. Ngoài ra, từ việc ký hợp đồng, cấp thẻ nhân viên chậm, cho đến việc chi trả bảo hiểm cầu kỳ khiến tôi cảm thấy không hài lòng”, anh Lâm chia sẻ.
Anh Lâm cho biết, một vài người bạn đang làm việc cho các công ty nước ngoài, họ hết sức ca ngợi môi trường làm việc ở đó. Do vậy, dù khá hài lòng với mức lương hiện tại nhưng anh Lâm vẫn muốn thử thách ở một môi trường làm việc tốt hơn.
Vừa phỏng vấn việc làm tại một công ty chuyên về may mặc, dụng cụ thể thao nước ngoài tại Việt Nam, anh Lâm cho biết, mức lương được đáp ứng thấp hơn so với công ty hiện tại. Tuy nhiên, với các chế độ đãi ngộ như tăng lương 6 tháng 1 lần, thưởng theo dự án, hỗ trợ học ngoại ngữ, có cơ hội làm việc ở nước ngoài… là những yếu tố khiến anh đồng ý ký hợp đồng.
Môi trường làm việc ở công ty nước ngoài tạo cơ hội cho nhân viên phát triển ngoại ngữ và khả năng sáng tạo cũng là lý do để anh Nam (1984, Hoàng Mai, Hà Nội), một du học sinh Anh, chọn làm việc ở Việt Nam. Anh Nam cho biết, trước đây từng làm cho một công ty phần mềm ở Việt Nam, tuy nhiên, anh không được phát huy khả năng ngoại ngữ của mình.
Sau hơn 1 năm gần như không sử dụng đến tiếng Anh trong môi trường làm việc, trình độ ngoại ngữ của anh kém hẳn so với mức ban đầu. Do vậy, lần ứng tuyển này anh Nam hi vọng được trúng tuyển vào làm việc ở môi trường nước ngoài năng động, chuyên nghiệp. Và hơn hết là được phát huy khả năng lợi thế về ngoại ngữ của mình.
Chị Thùy Dương với vai trò là chuyên viên nhân sự công ty phần mềm mã nguồn mở Pháp (có trụ sở tại Thái Hà, Hà Nội) cho biết: “Bản thân mình cũng như các bạn trẻ mới ra trường ở Việt Nam, luôn mong muốn được làm việc trong một môi trường năng động, sáng tạo và đặc biệt được trả mức lương xứng đáng với những gì mình bỏ ra”.
Có kinh nghiệm 5 năm làm việc tại công ty nước ngoài, chị Dương cho biết, lương thưởng, môi trường làm việc và các chế độ đãi ngộ nhân viên của công ty nước ngoài là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn lao động tri thức ở Việt Nam.
Theo chị Dương, công ty ưu tiên những người biết ngoại ngữ và có kinh nghiệm. Tuy nhiên, công ty cũng tạo cơ hội cho các sinh viên mới ra trường, thông qua thời gian thực tập có lương thưởng theo quy định. Nếu thực tập viên được trả lương và có năng lực sẽ được giữ lại làm việc ở công ty.
“Ngoài đảm bảo mức lương trả đúng hạn, xét tăng lương, thưởng theo đúng quy định, công ty còn hỗ trợ hoàn toàn các chi phí học ngoại ngữ cũng như chi phí tham gia các câu lạc bộ thể thao, giao lưu văn hóa và nhiều cơ hội làm việc ở nước ngoài cho các ứng viên. Đó cũng là yếu tố mà công ty nước ngoài luôn tuyển được nhiều nhân lực lao động có tài, có năng lực ở Việt Nam”, chị Dương nói.
Bà Ngô Thiên Nga, đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Pháp tại Việt Nam cho biết, thông qua các sự kiện tư vấn và tuyển dụng thì người lao động Việt Nam rất có nhu cầu làm việc ở các công ty nước ngoài. Bà cho biết, lao động ở Việt Nam rất có năng lực và không thua kém gì so với người nước ngoài. Tuy nhiên, cơ hội làm việc tại môi trường công ty nước ngoài chỉ giành cho những người làm việc chăm chỉ, nghiêm túc, có năng lực và chịu đổi mới, sáng tạo.
Theo bà, các sự kiện như Ngày hội Việc làm Pháp – Việt diễn ra gần đây nhất là một trong những cơ hội để các ứng viên Việt Nam, đặc biệt đối tượng sinh viên mới ra trường có cơ hội làm việc trong những môi trường chuyên nghiệp. “Hiện nguồn lao động ở Việt Nam bị lãng phí, nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp. Do đó, đợt tuyển của các công ty nước ngoài tại Việt Nam cũng là cơ hội để tạo việc làm cho các ứng viên có nhu cầu”, bà nói.