Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lao động Việt ở nước ngoài: Làm, ăn, ngủ và lướt web

Cuộc sống tinh thần nghèo nàn, bí bách, song đối với không ít lao động Việt Nam ở nước ngoài, đi xuất khẩu lao động vẫn là miền đất hứa cho họ hy vọng làm giàu, đổi đời...

Cuộc sống bí bách...

“Cầm tờ 100.000 đồng ở Việt Nam, bạn có thể thoải mái cắt đủ kiểu tóc nam. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, số tiền này quy ra nội tệ nước này phải nhân 3 mới đủ để dùng dịch vụ cắt tóc”, Thông, một thợ cơ khí phụ tùng ô tô, xuất khẩu lao động sang một vùng ở miền nam Hàn Quốc từ năm 2011 chia sẻ. 

3 năm trước, ở Việt Nam, anh đã phải bỏ ra số tiền là 300 triệu đồng (vay ngân hàng) và sau gần 2 năm mới có thể xuất khẩu sang Hàn Quốc. Hiện thu nhập của anh gần 2 triệu won/tháng (tương đương với hơn 40 triệu đồng). Tuy nhiên, ngoài việc đi lại tới chỗ làm được công ty hỗ trợ, anh Thông vẫn phải trả một khoản tiền lớn các chi phí khác như: 340.000 won (7 triệu đồng) tiền thuê nhà (chưa kể 30 triệu tiền đặt cọc), 300.000 won (6 triệu đồng) phí ăn uống, sinh hoạt và 245.000 won (5 triệu đồng) tiền thuế và bảo hiểm. Mỗi tháng, anh gửi về cho gia đình ở quê được khoảng 22 triệu đồng. 

Như vậy, phải làm chăm chỉ 1 năm 2 tháng, anh Thông mới đủ tiền trả nợ số tiền 300 triệu lúc đi. Sau thời gian này, số tiền tích cóp được hàng tháng mới là tiền để ra được, sau những ngày đi xuất khẩu lao động ở Hàn Quốc. 

Người Việt xuất khẩu lao động sang nước ngoài làm việc phải sống một cuộc sống khá nhàm chán. 

Ngoài làm 8 tiếng mỗi ngày, anh Thông còn được trả 420.000 đồng cho 3 tiếng làm thêm. Ca làm việc được chia thành 2, gồm ca đêm và ca ngày. Người lao động làm luân phiên nhau. Ca đêm làm việc từ 20h đến 8h sáng hôm sau. Còn ca ngày từ 8h đến 20h cùng ngày.

Hàng ngày, anh Thông chỉ đi từ chỗ làm về nhà. Anh cho biết, mức lương hơn 40 triệu đồng/tháng ở Việt Nam là mơ ước của nhiều người. Nhưng ở Hàn Quốc, con số thu nhập này là mức thấp so với người bản địa. Các dịch vụ được coi là rẻ ở  đất nước này, lại trở thành đắt đỏ với những người lao động Việt Nam. Cũng vì lẽ đó, tuy làm việc 2 năm trời ở Hàn Quốc, nhưng ngoài con đường đi từ phòng trọ đến nơi làm việc và tới các siêu thị quanh khu vực, anh Thông chỉ ở nhà ăn, ngủ, lướt web, đọc sách và chi trả những khoản tiền bắt buộc phải đóng.

Người lao động Việt Nam ở nhiều quốc gia khác cũng có cuộc sống tinh thần tương đối đơn điệu. Anh Sơn, một thợ hàn xì xuất khẩu lao động được gần 1 năm, đang làm việc ở vùng Kyoto, cố đô Nhật Bản. Anh cho biết, để sang làm việc ở đất nước này, anh đã phải mất 400 triệu đồng và biết bao lần “đau tim” vì công ty báo trục trặc lịch bay. Tuy nhiên, khi sang làm việc tại Nhật Bản, anh lại cảm thấy cuộc sống vô cùng khó khăn, tẻ nhạt khi thường xuyên bị ho và cảm cúm vì thời tiết khắc nghiệt. Ngoài làm việc chuyên môn, anh chỉ biết gật đầu do bất đồng ngôn ngữ. Thậm chí cả ngày anh không nói một câu vì chủ là người bản địa. Anh Sơn cũng như bao người lao động Việt Nam khác ở Nhật Bản, ngoài giờ làm việc, chỉ ăn, ngủ và chờ đến giờ đi làm ca đêm.

Ở Nhật Bản, đồng nội tệ có giá trị cao gấp 3 - 4 lần tiền Việt, nên mọi khoản chi tiêu của anh đều rất hạn chế. Hiện tại, mức lương trung bình anh Sơn được trả số tiền Nhật quy ra đồng Việt Nam khoảng 26 triệu đồng/tháng. Nếu chịu khó làm thêm, anh có thể kiếm thêm 15 - 20 triệu đồng/tháng. Anh cho biết, thường những người ngoại quốc sang đây chủ yếu làm những công việc vất vả. Hơn nữa, làm việc ở Nhật tiền lương cơ bản chỉ đủ ăn, muốn dư dả phụ thuộc phần nhiều vào tiền làm thêm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, lượng người lao động sang Nhật Bản làm việc ngày một đông nên việc làm thêm bị hạn chế. Có tháng, ngoài giờ đi làm hành chính 8 tiếng/ngày, anh Sơn chỉ nằm dài ở phòng chờ việc.

Chi phí xuất khẩu lao động sang những nước Trung Đông, châu Á rẻ hơn và cách thức đi dễ dàng hơn rất nhiều so với những nước phát triển như Mỹ,  Đức, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Nhưng song song đó, đồng lương lại rất thấp, thậm chí chỉ nhỉnh hơn một chút so với lao động ở Việt Nam.

...nhưng là miền đất hứa của không ít người

Anh Hùng, quê ở Thái Bình sang xuất khẩu lao động làm hàn công nghệ cao ở Dubai từ đầu năm nay.  Anh cho biết, số tiền đặt cọc để sang làm việc ở Dubai chỉ 50 triệu đồng. Tuy nhiên, trừ các khoản ăn, nghỉ được đài thọ, mức lương cơ bản của anh chỉ 640 USD (tương đương với gần 13 triệu đồng). Không những thế, thời tiết tại Dubai rất khắc nghiệt. Thông thường, nhiệt độ của Việt Nam mức nóng nhất cũng chỉ 36 - 38 độ C. Tuy nhiên, ở nước này, nhiệt độ 3 tháng hè lên đến 50 - 54 độ C. Ban đầu sang làm việc tại đây, do không hợp thời tiết nên anh Hùng thường xuyên bị cảm, da bong rộp, rát và đau.

Sau khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài nhiều người không muốn trở về Việt Nam. 

“Ai cũng tưởng xuất khẩu lao động sang nước ngoài sướng lắm, nhưng quả thực sang Trung Đông bị cái nắng tra tấn cũng đủ hoảng”, anh Hùng tâm sự. Tuy nhiên, để lựa chọn làm việc ở Việt Nam và Dubai, anh Hùng vẫn chọn ở lại Dubai. Anh cho biết, làm việc ở đây ngoài thiết bị máy móc kỹ thuật hiện đại, môi trường làm việc cũng rất an toàn, mức sống cao và bảo hiểm xã hội tốt. Đó cũng là ý do vì sao nhiều người chấp nhận bỏ một khoản tiền lớn để sang nước ngoài, thậm chí, một số người không muốn về Việt Nam. Hơn nữa, nếu làm công việc như hiện tại ở Việt Nam, anh Hùng chỉ được trả mức lương 4 - 5 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tại Dubai, công việc nhàn hơn, bảo hộ lao động tốt nhưng mức lương được trả gấp 3  lần.

Ở những thị trường bình dân hơn, người lao động cũng vẫn phải chịu các chi phí sinh hoạt tương đối đắt đỏ. Cô Hòa, xuất khẩu lao động làm giúp việc ở Đài Loan được 8 năm. Sau 2 lần hết hạn, cô lại tiếp tục đăng ký đi đợt 3. Hiện tại, cô đang giúp việc cho một gia đình ở Chung Hsing New Village, Taiwan, Taiwan. Năm 2004, muốn xuất khẩu lao động sang Đài Loan cô Hòa phải đóng cho công ty 11,5 triệu đồng, tiền học tiếng là 2 triệu đồng. Tổng các chi phí cho chuyến đi lao động gần 14 triệu. Cô cho biết: “Thời điểm ấy nở rộ những đợt đi xuất khẩu ở Đài Loan. Tích cực thì họ không nói nhưng tiêu cực thì thiên hạ đồn đại nhiều, nhưng vì kinh tế  gia đình khó khăn nên cô bỏ qua những dư luận để đi làm ăn kinh tế”.

Không may mắn, gia đình nhà chủ khó tính, nên ngoài tiền lương hàng tháng, lao động này không được bất kỳ một khoản nào thêm. Làm được 1 năm rưỡi thì cô đủ tiền trả nợ. Sau khi hết hợp đồng 2 năm, cô lại đăng ký đi tiếp, chi phí bay giảm dần cho từng lần đi. Chuyến đi gần đây nhất năm 2013, cô chỉ mất 14,5 triệu đồng. Lần đi này khá may mắn, do làm cho một chủ tốt nên công việc nhàn và thường được tiền thưởng. Mức lương hiện tại của cô, sau khi trừ phí môi giới, quy ra tiền Việt khoảng 11 triệu đồng/tháng. Hàng tháng chủ nhà trả trực tiếp, có sổ ký và đến kỳ nhận lương cô sẽ đem nộp phí cho công ty môi giới.

Cô chia sẻ, năm 2013 về Việt Nam, một lần cắt tóc ở quê của cô đắt nhất chỉ 50.000 - 70.000 đồng. Tuy nhiên, khi sang Đài Loan, mức thấp nhất cũng phải 140.000 - 200.000 đồng. Do vậy, cuộc sống tinh thần của người lao động tại Đài Loan như cô Hòa khá nhàm chán, gần như không bao giờ biết đến mua sắm và những khu vui chơi giải trí. Cô cho biết, đã ở Đài Loan được 8 năm nhưng ngoài đi siêu thị mua đồ nấu nướng, dăm ba lần ngồi cà phê với bạn cùng quê, 3 tháng cắt tóc một lần, mua được 4 bộ váy thì cô hầu như không sử dụng bất kỳ dịch vụ nào.

Tuy nhiên, cũng như những người khác, cô Hòa khá thỏa mãn với công việc và cuộc sống hiện tại, bởi nếu so với việc làm nông nghiệp ở Việt Nam và giúp việc ở Đài Loan thì một trời một vực. Hiện tại, công việc của cô rất đơn giản, chỉ lau chùi nhà hàng ngày, giặt và phơi quần áo, nấu ăn nhưng mỗi tháng vẫn tiết kiệm được hơn 10 triệu đồng và gửi được một phần trong số này về quê. Trong khi đó, ở quê làm ruộng, chân lấm tay bùn, một tháng  cô không dắt túi đủ 500.000 đồng. Đấy cũng là lý do vì sao, không chỉ cô Hòa mà nhiều người Việt Nam sẵn sàng bỏ vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu đồng để đi xuất khẩu lao động nước ngoài.

Phía sau mức lương 60 triệu/tháng của lao động Việt ở Nhật

Không phải ai làm hộ lý, điều dưỡng ở Nhật Bản cũng có thu nhập 60 triệu đồng/tháng. Mức sống đắt đỏ tại Nhật Bản khiến cho họ chỉ dành dụm được một phần nhỏ gửi về gia đình.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm