Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao người ta say đắm mùa thu Hà Nội?

Người ta yêu mùa thu bởi cái nét thanh tao, dịu dàng đặc trưng. Trời vào thu, cho ta cảm giác chậm rãi, yên bình đầy lắng đọng. Mùa thu ngắn ngủi, bởi vậy bao kẻ luyến nhớ nó nhiều hơn.

Mai Thị Hồng Tiếp, một mẫu ảnh miền Tây, bên trời thu Hà Nội. Ảnh: Chí Cường/Baodautu.

Nếu ví mùa đông là tuổi già, mùa xuân là thanh nữ, mùa hè là tuổi tráng niên thì tuổi say đắm là mùa thu chăng?

Hà Nội mùa nào cũng quyến rũ, nhưng có lẽ mùa thu là mùa thơ mùa mộng, làm mỗi con người đều có thể trở thành thi nhân, họa sĩ, mỗi trái tim đều say mê, mỗi con mắt đều đắm đuối.

Bằng lăng trước đã nhạt nhòa vì những cơn mưa xối xả. Tản Đà có câu thơ bất hủ: “Lá sen đã tàn tạ trong đầm…”

Ôi những làn hương buổi chiều huyền diệu, ta ngồi bên người yêu dưới rặng tre, mà hứng đầy áo, đầy tóc làn hương thứ hoa mùa hè ấy cứ từng đợt từ đầm ùa lên. Đã hết rồi những trưa rực chói của hoa phượng học trò, học trò trong trắng cùng mối tình trinh bạch.

Đã thấy đàn em nhỏ tựu trường thay cho ta trong màu mực tím. Đã thấy sương thu bảng lảng theo chân cô hàng cốm. Chiếc đòn gánh cong một đầu như là thuyền cánh én lâu nay vắng bóng. Người ta vội vã đón thu, phân phát mùa thu trong cái đòn gánh thẳng làm ta như lỡ một lời hẹn nặng tình, đau thương sâu thẳm nào trong cơ thể.

Mùa thu không bao giờ vội vàng. Cái cúi đầu im lặng của người con gái nhận lời ta sau bao suy nghĩ đắn đo cân nhắc khi đã ba mươi tuổi chín chắn. Mùa thu đó chăng?

Là ngọn lửa âm ỉ bền lâu, là cung đàn toàn những nốt nhạc trầm, là nhẹ nhàng lắc rắc mà đau cả xương cốt của mưa rươi, là hoa sữa bứt rứt những đêm không ngủ… Mùa thu đó chăng?

Một đêm nào con gió heo may đầu tiên rủ nhau về đùa trong hàng cây long não trước cửa nhà thế nhỉ? Thì ra là mùa thu đấy, gương mặt người yêu xa cách nhau một năm dài đằng đẵng bây giờ gặp lại, ngượng ngùng reo thầm trong màu lục thẫm, không nỡ gõ cửa sợ nhau giật mình làm rơi vỡ chén trà khuya.

Vợ chồng Ngâu lại đôi bờ cách trở. Đàn chim ô thước về đâu nhường không gian cho chim ngói bạc phận, báo hiệu mùa thu mà thảm thương một kiếp chim trời khi bị đem rao bán như cành đào muộn Tết Nguyên tiêu. Quê hương chim ở đâu mà chim nhận làm sứ giả cho những cơn gió lạnh đầy nhớ nhung, nhận hy sinh như con người đầy nhân tâm mà bất hạnh.

Tiếng cu cườm đã tắt, không còn thao thức những trưa hè, nhường chỗ cho con chim ngói cổ đeo cườm vàng như trời sao, lông màu nâu bạc như áo người lam lũ, với đôi mắt tròn xoe tinh nghịch, trong veo ngơ ngác như muốn hỏi vì sao mà bị vặt lông tử hình.

Gió ơi, gió từ đâu tới mà thổi hương rừng, hương núi, thổi hơi sông, hơi bãi cho những buồng chuối ngọt lừ là vậy? Những cái chum rấm chuối, những bó nhang thơm khói làm màu trứng cuốc hiện lên từ vô hình, cho hương nồng nàn, vị ngọt đậm trong quả mập tròn cổ tay con gái, làm ta vừa nâng lên môi đã rùng mình sung sướng.

Chuối trứng cuốc gọi hồng mọng đỏ nằm trên những cái ổ bằng lá chuối khô tước nhỏ êm như gió thu, ấm như nắng thu và cũng ngọt ngào như mùa thu thấm vào da thịt.

Không ai nhớ chuyện xa xưa cũng đêm trăng này, ông vua đa tình lên cung trăng tìm người đẹp của mình mà chỉ còn vầng trăng sáng vằng vặc đêm rằm tháng tám cho trẻ con phá cỗ, người lớn được vui theo. Tháng tám là tết của quả chứ không phải của hoa. Hoa là chơi bời, hư ảo, còn quả mới nồng nàn, kết tụ, sinh sôi. Thu là thế!

Băng Sơn/ Huy Hoàng Books & NXB Hà Nội

Bình luận

SÁCH HAY