Nút giao Ngã Tư Sở nhiều năm qua liên tục kẹt xe vào giờ cao điểm. Kể từ khi đường vành đai 2 dưới thấp và trên cao hoàn thiện, cảnh ùn tắc ở đây diễn ra nghiêm trọng hơn.
Chia sẻ với Zing, chuyên gia giao thông nhận định việc ùn tắc ở Ngã Tư Sở là tổng hòa của hàng loạt nguyên nhân. Việc thông xe đường vành đai 2 trên cao chỉ là một trong số tác nhân gây ùn tắc.
Hàng loạt bất cập quanh Ngã Tư Sở
Đường vành đai 2 là một trong những trục giao thông xương sống của Hà Nội. Nhiều năm trước, tuyến đường này mà cụ thể là các đoạn như Minh Khai, Đại La và Trường Chinh thường xuyên xảy ra ùn tắc. Hiện nay, đoạn tuyến trên được mở rộng thành 8-10 làn xe dưới thấp và 4 làn xe trên cao.
Việc mở rộng giúp các phương tiện di chuyển thuận tiện hơn nhưng cũng khiến lượng xe tập trung nhiều về khu vực Ngã Tư Sở, gây ùn tắc cục bộ.
Phân tích về những nguyên nhân gây tắc đường, tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt - Nhật và là chuyên gia giao thông từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết đây là hậu quả của một loạt những bất cập tồn tại quanh nút giao Ngã Tư Sở.
Thứ nhất, khu vực Ngã Tư Sở là nút giao của các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm kết nối các khu vực như Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy để vào trung tâm thành phố. Lượng phương tiện qua lại rất lớn.
Các phương tiện xếp hàng dài để lưu thông qua nút giao Ngã Tư Sở. Ảnh: H.Q. |
Thứ hai, quanh nút giao là các khu dân cư đông đúc như Khương Trung, Thượng Đình, Trung Liệt… lại thiếu các trục hướng tâm song song nên phương tiện lưu thông qua các đường nhánh, ngõ ngách đều đổ về Ngã Tư Sở.
Thứ 3, đường vành đai 2 được mở rộng dưới thấp, kết hợp với đường trên cao sẽ khiến một lượng lớn phương tiện dồn về đây. Trong khi trục chính của đường trên cao dừng lại ở phía đường Trường Chinh, các phương tiện muốn đi thẳng để sang đường Láng phải đi xuống nút giao, sau đó chờ các nhịp đèn rồi mới có thể đi tiếp.
Một nguyên nhân nữa là tại các nhánh rẽ từ đường Trường Chinh xuất hiện lối vào hầm đi bộ chắn 1 làn đường. Điều này dẫn đến tình trạng thắt cổ chai, gây khó khăn cho các phương tiện muốn rẽ sang phía đường Tây Sơn, hoặc từ đường Nguyễn Trãi rẽ vào Trường Chinh.
“Tổng hòa những nguyên nhân trên, có thể thấy luồng phương tiện muốn đi thẳng hay muốn rẽ đều có bất cập. Tất cả đổ dồn về một điểm là nút giao Ngã Tư Sở, sau đó gặp nhịp đèn đỏ hàng chục giây và xung đột từ các hướng đã dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng”, ông Bình nói.
Còn theo thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội, một nguyên nhân nữa dẫn đến ùn tắc là cầu Thăng Long đang cấm để sửa chữa. Hiện nay, các phương tiện được phân luồng đi theo hướng cầu Nhật Tân rồi xuôi theo vành đai 2 để vào thành phố. Việc này tạo thêm áp lực cho nút giao Ngã Tư Sở.
Cửa hầm đi bộ chắn 1 làn đường Trường Chinh khiến các phương tiện rẽ phải đi Tây Sơn gặp khó khăn. Ảnh: H.Q. |
Lối lên, xuống đường trên cao gần nút giao có hợp lý?
Đường vành đai 2 trên cao chính thức thông xe đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng dài 2,5 km hôm 9/11. Điểm lên, xuống của đoạn tuyến này nằm trên đường Trường Chinh, cách nút giao Ngã Tư Sở khoảng 100 m.
Nhiều người băn khoăn về tính hợp lý của quy hoạch này. “Tại sao cơ quan quản lý lại thiết kế lối, lên xuống quá gần nút giao như vậy? Nó sẽ gây thêm áp lực rất lớn cho Ngã Tư Sở”, anh Nguyễn Mạnh Hưng, tài xế thường xuyên lưu thông qua khu vực này, thắc mắc.
Giải đáp về vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết việc thiết kế lối lên, xuống vành đai 2 trên cao đã được nghiên cứu rất kỹ và được thành phố phê duyệt thiết kế với mục tiêu phục vụ các phương tiện lưu thông được an toàn, thuận lợi.
Trong quá trình vận hành dự án, Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi để có những đánh giá tổng quan về phương án thiết kế trên. Từ đó, đơn vị sẽ phối hợp với Công an Hà Nội và các bên có liên quan rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với hiện trạng hạ tầng giao thông, giảm nguy cơ ùn tắc.
Lối lên, xuống đường vành đai 2 trên cao cách Ngã Tư Sở khoảng 100 m. Ảnh: H.Q. |
Còn theo tiến sĩ Phan Lê Bình, việc lối lên, xuống được thiết kế gần nút giao Ngã Tư Sở là điều gần như bắt buộc phải làm. Ông Bình cho rằng với chiều dài toàn tuyến đường vành đai 2 trên cao khoảng trên 5 km, nếu đặt lối lên, xuống ở xa ngã tư để có thể điều tiết được luồng phương tiện thì sẽ làm mất ý nghĩa của việc làm đường trên cao.
“Các phương tiện đi trên cao sẽ chẳng được bao nhiêu đã phải xuống đường dưới thấp, điều này mất ý nghĩa đầu tư đường trên cao”, tiến sĩ Phan Lê Bình nói.
Về ý kiến cho rằng nên làm lối lên, xuống vượt qua Ngã Tư Sở để sang phía đường Láng, chuyên gia giao thông cho rằng điều này bất hợp lý. Lối xuống trước khi tới ngã tư sẽ giúp các phương tiện có cơ hội rẽ trái hoặc rẽ phải. Nếu lối lên, xuống ở phía bên kia đường Láng, xe phải quay đầu, gây xung đột giao thông lớn hơn.
Cần giải pháp tổng thể
Trước nguy cơ ùn tắc kéo dài tại nút giao Ngã Tư Sở, chiều 11/11, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội đã trực tiếp xuống khu vực này để kiểm tra tình hình và đưa ra những giải pháp phù hợp.
Lãnh đạo đơn vị này cho biết đã chỉ đạo điều chỉnh, tổ chức lại giao thông qua khu vực. Cụ thể, hướng đi từ Tây Sơn rẽ trái về Trường Chinh và hướng từ Tây Sơn đi thẳng về Nguyễn Trãi đã cấm. Để lưu thông theo hướng này, các phương tiện sẽ rẽ phải qua đường Láng rồi vòng ngược lại.
"Ngoài ra, đèn tín hiệu trục vành đai 2 cũng được điều chỉnh tăng thêm 20 giây đèn xanh và giảm 20 giây đèn đỏ. Qua 4 ngày thí điểm, cơ bản giao thông bước đầu ổn định”, vị này nói.
Phòng CSGT Công an Hà Nội cũng đã có chỉ đạo các đội phụ trách địa bàn thường trực lực lượng phân luồng từ xa và tổ chức chống ùn tắc, sẵn sàng xử lý các sự cố phát sinh.
CSGT phân luồng tại nút giao Ngã Tư Sở. Ảnh: H.Q. |
Theo chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, giải pháp lâu dài phải tính tới là hoàn thiện đường vành đai 2 trên cao. Trục chính của con đường này dành cho các phương tiện đi thẳng sang đường Láng cần được hoàn thiện. Đồng thời, cơ quan chức năng cần sớm triển khai các đoạn tuyến tiếp theo từ Ngã Tư Sở đến Cầu Giấy để khớp nối toàn tuyến.
Ông Bình cũng nhấn mạnh việc cần phát triển giao thông công cộng. Lấy ví dụ về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đi vào hoạt động sẽ giảm một phần áp lực người qua lại nút giao này, chuyên gia kiến nghị cơ quan chuyên môn cần sớm đưa dự án này vào hoạt động.
“Một cách căn cơ, nếu chúng ta muốn thực hiện ý đồ chuyển từ phương tiện giao thông cá nhân sang giao thông công cộng thì các con đường sau khi mở rộng cần có làn đường dành riêng cho xe buýt. Như vậy, nó sẽ tạo sự ưu tiên trên mặt đường cho giao thông công cộng. Nếu không làm được điều này, đường càng mở rộng càng kích thích xe cá nhân phát triển và như vậy ùn tắc sẽ không bao giờ được giải quyết”, chuyên gia từ JICA nói.
Thông tin với Zing ngày 12/11, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết dự án đường vành đai 2 trên cao và mở rộng đã được nghiên cứu và đưa vào trong quy hoạch phát triển hạ tầng khung của thành phố. UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo ban ngành nghiên cứu, đề xuất phương án khớp nối toàn bộ dự án vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy) để triển khai trong thời gian tới.