Từ một vài năm trước, sự bùng nổ của kỹ thuật khai thác “fracking” (thủy lực cắt phá) khiến Mỹ trở thành nước đi đầu thế giới về sản xuất dầu. Nhưng mỗi ngày, nước này vẫn nhập khẩu hàng triệu thùng dầu từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm Nga.
Sau khi Ukraine bị tấn công, một số nhà lập pháp Mỹ kêu gọi chính quyền Biden hạn chế hoặc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga, nhưng Nhà Trắng vẫn chần chừ.
Mỹ nhập bao nhiêu dầu từ Nga?
Dù Mỹ là nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, nhu cầu dầu mỏ của nước này vẫn vượt xa so với sản lượng nội địa. Vì thế, Mỹ vẫn cần nhập khẩu dầu mỏ.
Tuy nhiên, Mỹ chỉ mua lượng nhỏ dầu thô từ Nga. Phần lớn dầu thô nhập khẩu của Mỹ tới từ Canada, Mexico và Saudi Arabia. Ngay cả các nước nhỏ ở Mỹ La-tinh và Tây Phi cũng xuất khẩu sang Mỹ lượng dầu thô lớn hơn Nga.
Cụ thể, khoảng 8% dầu mỏ và sản phẩm đã qua tinh chế mà Mỹ nhập khẩu trong năm 2021 - tương đương 672.000 thùng/ngày, tới từ Nga, theo Andy Lipow, chủ tịch một công ty dầu mỏ ở Texas. Trong số đó, dầu thô từ Nga chỉ chiếm khoảng 3% nhập khẩu dầu thô của Mỹ.
Khoảng 50% lượng dầu thô Mỹ nhập từ Nga sẽ đến các nhà máy lọc dầu ở vùng Bờ Tây, 25% sẽ tới vùng Bờ Đông. 25% còn lại thường được đưa đến vùng Duyên hải Vịnh Mexico ở miền Nam của nước Mỹ.
Nguyên nhân thứ nhất: Thiếu ống dẫn
Hai vùng Bờ Đông và Bờ Tây thiếu tính kết nối với các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng dầu của nước Mỹ.
Mỏ dầu lớn nhất của Mỹ nằm ở vùng Permian Basin, thuộc miền Đông Nam bang New Mexico và miền Tây bang Texas. Kho lưu trữ dầu quan trọng của Mỹ nằm ở Cushing, bang Oklahoma.
Tuy nhiên, các nhà máy lọc dầu ở Bờ Tây và Bờ Đông đều không có ống dẫn dầu nối với Permian Basin và Cushing.
Về lý thuyết, dầu thô vẫn có thể được vận chuyển từ vùng Duyên hải Vịnh Mexico tới Bờ Đông và Bờ Tây theo đường thủy. Nhưng do quy định pháp lý, kích cỡ tàu chở hàng giữa các cảng nước Mỹ bị giới hạn.
Việc vận chuyển dầu qua lại trên những con tàu có kích thước nhỏ sẽ không sinh lãi. Vì thế, các nhà máy lọc dầu ở Bờ Đông và Bờ Tây chủ yếu nhập khẩu dầu thô từ nước ngoài, trong đó có Nga.
Nguyên nhân thứ hai: Thiết kế nhà máy lọc dầu
Mỹ mua dầu thô từ Nga còn là để cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu chuyên xử lý dầu chua - loại dầu chứa hàm lượng lưu huỳnh cao - để có thể duy trì sản xuất tại đây ở mức tối ưu.
Những nhà máy này đã được thiết kế từ hàng chục năm trước và tập trung ở vùng Duyên hải Vịnh Mexico.
Trước đó, Mỹ cũng mua dầu chua từ Iran và Venezuela nhưng mọi chuyện thay đổi sau khi Washington áp lệnh trừng phạt đối với hai nước này.
Những năm gần đây, dầu thô từ Nga đã giúp bù vào khoảng trống mà lệnh trừng phạt Iran và Venezuela để lại cho chuỗi cung ứng của các nhà máy lọc dầu ở vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ, theo ông Lipow.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ siết dầu thô từ Nga?
Động thái siết dòng chảy dầu thô Nga có thể được thị trường dầu mỏ nhìn nhận như là một cú đòn nữa vào nguồn cung toàn cầu vốn đã khan hiếm. Điều này có khả năng tiếp tục làm vật giá gia tăng và đánh vào túi tiền của người tiêu dùng.
Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn cho biết sẽ tung ra thị trường 60 triệu thùng dầu trong kho dự trữ khẩn cấp để tăng nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, giá dầu vẫn tiếp tục tăng và từng vượt mức 115 USD/thùng vào hôm 3/3. Đây là lần đầu tiên giá dầu chạm mốc này kể từ năm 2008. Và dù Nhà Trắng chưa cấm, một số nhà máy lọc dầu đã dừng mua dầu từ Nga vì lo ngại đòn trừng phạt.