Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Mỹ từ chối viện trợ pháo phản lực tầm xa cho Ukraine?

Mỹ vẫn chần chừ viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine bởi lo ngại căng thẳng leo thang, bất chấp lời thúc giục từ chính quyền ông Zelensky.

my vien tro quan su cho ukraine anh 1

"Chúng tôi sẽ không chuyển cho Ukraine những hệ thống pháo phản lực có thể vươn tới lãnh thổ Nga", Tổng thống Mỹ Joe Biden trả lời phóng viên ngày 30/5.

Sau tuyên bố của Tổng thống Biden, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cho biết Washington đã có quyết định "hợp lý" khi không gửi hệ thống tên lửa cho Ukraine.

Theo Reuters, tuy không đề cập tới loại vũ khí cụ thể, chính quyền ông Joe Biden dường như đang đặt ra các điều kiện về cách sử dụng hệ thống này. Kể từ khi chiến sự nổ ra, Tổng thống Biden muốn hỗ trợ Ukraine phòng vệ, nhưng phản đối việc cung cấp loại vũ khí mà Kyiv có thể sử dụng để tấn công Nga.

Trong khi đó, chính phủ Ukraine liên tục thúc giục phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa mà nước này tin sẽ giúp xoay chuyển cục diện giao tranh với Nga.

Vì sao Mỹ không muốn đáp ứng nhu cầu của Kyiv?

Các quan chức Ukraine nhiều lần kêu gọi hỗ trợ Hệ thống Tên lửa Phản lực (MLRS), có thể bắn một lúc nhiều tên lửa với khoảng cách hàng trăm km. Hôm 27/5, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền ông Biden đang cân nhắc gửi hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS), như một phần của gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ lo lắng Ukraine có thể sử dụng vũ khí mới để tấn công vào Nga, theo CNN. Nếu loại vũ khí này đặt gần biên giới và có thể bắn sâu vào lãnh thổ Nga, Washington cho rằng đây sẽ là hành động khiêu khích quá mức với Điện Kremlin.

Các quan chức cho biết khả năng cung cấp hệ thống pháo tầm xa đã được đặt lên hàng đầu trong 2 cuộc họp tuần trước tại Nhà Trắng. Trọng tâm của vấn đề là mối quan ngại mà chính quyền ông Biden đối mặt từ đầu chiến sự: Liệu việc gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine có bị Nga coi là hành động khiêu khích, từ đó kích hoạt một số hình thức trả đũa chống lại Mỹ hay không.

Nhà Trắng vốn lo ngại về tầm bắn của MLRS, theo Politico. MLRS và HIMARS có thể phóng xa tới 300 km, tùy thuộc vào loại đạn. Chúng được bắn từ một phương tiện cơ động vào các mục tiêu trên đất liền, từ đó cho phép Ukraine tấn công các mục tiêu ở Nga dễ dàng hơn.

Ukraine được cho là đã thực hiện nhiều cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào Nga. Về vấn đề này, theo CNN, quan chức Ukraine không xác nhận cũng không phủ nhận.

Trong khi đó, Nga tuyên bố bất cứ mối đe dọa nào với Moscow cũng có thể dẫn đến leo thang căng thẳng, khẳng định các nước phương Tây đang tự biến mình thành mục tiêu hợp pháp khi tiếp tục gửi vũ khí cho Ukraine.

Các nguồn tin cho biết mối quan tâm lớn khác trong chính quyền ông Biden là liệu Mỹ có đủ khả năng để cho đi nhiều vũ khí cao cấp được lấy từ kho dự trữ của quân đội của nước này hay không.

Mỗi khoản viện trợ sẽ dẫn đến sự sụt giảm vũ khí trong kho dự trữ của Mỹ, đặt ra câu hỏi về khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nước này. Mối lo gia tăng đáng kể khi Mỹ không có nguồn cung lớn các hệ thống vũ khí hiện đại và đắt đỏ.

Khoản viện trợ quân sự và nhân đạo trị giá 13,6 tỷ USD mà Nhà Trắng thông qua vào đầu tháng 3 cung cấp cho Ukraine hàng triệu viên đạn, thiết bị bay không người lái, 105 khẩu pháo lựu và khoảng 200.000 quả đạn pháo. Cuộc tranh luận về MLRS tương tự cuộc tranh luận trước khi Mỹ quyết định gửi lựu pháo tầm xa hạng nặng cho Ukraine vào tháng trước.

Trước đó, Mỹ chủ yếu gửi tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không tầm ngắn Stinger, cũng như vũ khí và đạn dược cỡ nhỏ. Lựu pháo M777 đánh dấu bước tiến mới về tầm hoạt động và sức mạnh so với các hệ thống vũ khí Mỹ viện trợ trước đó, ngay cả hệ thống này chỉ đạt tầm bắn khoảng 25 km.

MLRS vẫn có thể bắn xa hơn nhiều so với bất kỳ loại vũ khí nào mà Mỹ đã gửi cho đến nay.

Tại sao Ukraine cần vũ khí tầm xa?

Hiện 14 quốc gia đang vận hành M270 MLRS do Lockheed Martin sản xuất. Đây là loại vũ khí được sản xuất lần đầu tiên cho quân đội Mỹ vào năm 1983.

Pháo phản lực M270 MLRS được trang bị 12 tên lửa với tầm bắn hiệu quả 70 km. Trong khi đó, M142 HIMARS là phiên bản hạng nhẹ với 6 tên lửa mỗi xe phóng. Lockheed Martin, công ty sản xuất hai hệ thống trên, cho biết có thể trang bị tên lửa chính xác cao với tầm bắn khoảng 500 km cho hai hệ thống pháo phản lực này.

Trái ngược với loại lựu pháo - có độ chính xác cao và được sử dụng để hỗ trợ bộ binh, MLRS có khả năng phóng nhiều tên lửa cùng lúc nên được ưu tiên tấn công trận địa của đối thủ ở tầm xa. Sự cơ động của MLRS đóng một vai trò to lớn trong mặt trận cần pháo tầm xa như Donbas, theo Politico.

Nick Reynolds, chuyên gia về tác chiến trên bộ của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia (Anh), cho biết: “Sự chênh lệch về năng lực pháo binh là yếu tố chính cho phép lực lượng mặt đất của Nga tiếp tục tiến lên”.

Nhà phân tích cho biết hỏa lực của Nga đang ngăn chặn lực lượng Ukraine tấn công ồ ạt, đồng thời cho biết thêm MLRS có thể giúp Kyiv "làm gián đoạn mọi hoạt động ở khu vực hậu phương của đối phương".

"Cung cấp pháo phản lực phóng loạt cho quân đội Ukraine sẽ giúp hoạt động phòng thủ chiến lược của chúng tôi ở miền Đông hiệu quả và chủ động hơn. Chúng tôi có khả năng tấn công sâu hơn vào đội hình chiến đấu của Nga, khiến Nga không thể cơ động và tập trung sức mạnh vượt trội trên tiền tuyến để xuyên thủng hàng phòng thủ của Ukraine", Drive dẫn lời Mykola Bielieskov - chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia Ukraine - viết trên Twitter.

Từ đầu cuộc chiến, Ukraine dùng các loại pháo như pháo tiêu chuẩn của Liên Xô với tầm bắn khoảng 10 km, trước khi Mỹ đồng ý gửi lựu pháo M777.

Video trực thăng Nga hộ tống vận chuyển hàng hóa đến vùng chiến sự Bộ Quốc phòng Nga ngày 30/5 đăng video lực lượng phòng không và trực thăng nước này hộ tống, bảo vệ đoàn tàu vận chuyển hàng hóa tới khu vực chiến sự tại Ukraine.

Cảnh vận chuyển siêu lựu pháo M777 do Mỹ viện trợ cho Ukraine

Những tuần qua, Washington đã gửi cho Kyiv hơn 100 khẩu lựu pháo hạng nặng M777 để giúp quân đội Ukraine nâng cao sức mạnh hỏa lực tầm xa.

Ông Biden từ chối viện trợ Ukraine pháo phản lực có tầm bắn tới Nga

Tổng thống Joe Biden ngày 30/5 cho biết Mỹ sẽ không chuyển cho Ukraine hệ thống rocket có tầm bắn tới lãnh thổ Nga.

Phương Linh

Bạn có thể quan tâm