"Chúng tôi sẽ không chuyển cho Ukraine những hệ thống pháo phản lực có thể vươn tới lãnh thổ Nga", ông Biden trả lời phóng viên ngày 30/5, nhưng không đề cập loại vũ khí cụ thể.
Sau tuyên bố của Tổng thống Biden, ông Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, cho biết Washington đã có quyết định "hợp lý" khi không gửi hệ thống tên lửa cho Ukraine, theo Reuters.
Các quan chức Ukraine nhiều lần kêu gọi hỗ trợ Hệ thống Tên lửa Phản lực (MLRS), có thể bắn một lúc nhiều tên lửa với khoảng cách hàng trăm km.
Hôm 27/5, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền ông Biden đang cân nhắc gửi hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS), như một phần của gói hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Hệ thống pháo phản lực M270 MLRS của Mỹ. Ảnh: Military. |
Pháo phản lực M270 MLRS được trang bị 12 tên lửa với tầm bắn hiệu quả 70 km. Trong khi đó, M142 HIMARS là phiên bản hạng nhẹ với 6 tên lửa mỗi xe phóng. Lockheed Martin, công ty sản xuất hai hệ thống trên, cho biết có thể trang bị tên lửa chính xác cao với tầm bắn khoảng 500 km cho hai hệ thống pháo phản lực này.
Trái ngược với loại lựu pháo - có độ chính xác cao và được sử dụng để hỗ trợ bộ binh, MLRS có khả năng phóng nhiều tên lửa cùng lúc nên được ưu tiên tấn công trận địa của đối thủ ở tầm xa.