Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao Mỹ không đặt mật danh cho chiến dịch không kích IS?

Quân đội Mỹ thường đặt tên các chiến dịch, nhưng vẫn chưa quyết định tên chính thức cho cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.

Mỹ bắt đầu không kích Nhà nước Hồi giáo (IS) từ tháng 8 nhưng chưa đặt tên cho chiến dịch này. Ảnh: EPA

Theo Telegraph, tên gọi các chiến dịch quân sự của Mỹ thường khá nổi bật, thậm chí mang màu sắc của những bộ phim trong thập niên 80. Khi quân đội Mỹ được lệnh tiến vào Iraq năm 2003, chiến dịch mang tên "Chiến dịch Đất nước Iraq Tự do". Khi các máy bay Mỹ không kích những mục tiêu của chế độ Muammar Gaddafi ở Libya năm 2011, chiến dịch có tên "Bình minh Odyssey". Điều này khiến nhiều người thắc mắc về tên gọi cho các cuộc ném bom vào Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

"Tôi không rõ lý do chiến dịch không có tên và theo tôi nó cũng không mấy liên quan", Chuẩn Đô đốc John Kirby, người phát ngôn của Lầu Năm Góc, trả lời trong một cuộc họp báo. Một nữ phát ngôn viên của Lầu Năm Góc hôm qua cũng có câu trả lời tương tự.

Một giả thuyết đặt ra là Mỹ muốn coi quyết định không kích IS của Tổng thống Barack Obama là một phần trong hoạt động chống khủng bố, chứ không phải một cuộc chiến toàn diện. Các chiến dịch máy bay không người lái của Mỹ không kích vào Yemen, Somalia và Pakistan cũng không có tên.

Quy trình đặt tên cho một chiến dịch của Mỹ không được công bố rõ ràng, nhưng vấn đề này đã được đề cập trong một bài báo năm 1995 trên tạp chí Parameters của Học viện Chiến tranh của quân đội Mỹ.

Theo đó, Mỹ lần đầu đặt biệt danh cho một hoạt động quân sự trong Thế chiến II nhưng thường là những cái tên ngẫu nhiên, như Chiến dịch Market Garden khi quân đồng minh tiến vào Hà Lan.

Winston Churchill, thủ tướng Anh khi đó, thì cụ thể hơn và lo sợ khi các chỉ huy Mỹ quyết định gọi chiến dịch đánh bom Romania là Soapsuds (Bọt xà phòng). Nó "không thích hợp để làm tên cho chiến dịch mà nhiều người Mỹ dũng cảm phải lâm vào hiểm nguy hoặc mất đi mạng sống", ông nói. 

Churchill cũng là người đổi tên cho chiến dịch đổ bộ D-Day từ Roundhammer (Chùy) thành Overload (Quá tải). Ông thường ưa thích đặt tên cho các chiến dịch theo tên của các anh hùng cổ đại trong thần thoại Hy Lạp và La Mã, các chòm sao, ngôi sao hoặc những con ngựa đua nổi tiếng.

Khi Mỹ chuẩn bị can thiệp vào Panama năm 1989, các tướng lĩnh trong quân đội Mỹ mới bắt đầu đặt tên theo "nhận thức trong nước và quốc tế" về chiến dịch.

Chiến dịch can thiệp Panama ban đầu được đặt là Blue Spoon (Chiếc thìa Xanh) nhưng sau đó được đổi thành Just Cause (Chính nghĩa) vì một vị chỉ huy đặt câu hỏi: "Bạn có muốn cháu chắt của bạn nói rằng ông đứng vào hàng ngũ của Chiếc thìa Xanh".

Sau đó, tên gọi của các chiến dịch ngày càng đặc biệt hơn. Chiến dịch của liên minh đẩy lùi lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait năm 1991 mang tên Bão táp Sa mạc, sau đó chiến dịch không kích chính quyền của Saddam Hussein năm 1998 là Con cáo Sa mạc.

Nổi bật trong cuộc chiến Afghanistan là chiến dịch Polar Harpoon (Mũi lao vùng cực) và Relentless Strike (Không kích không ngừng).

Tác giả của bài viết trên Parameters, một cựu trung tá, lưu ý rằng chiến tranh hiện đại là chiến đấu trên mặt trận của nhận thức cộng đồng cũng như trên thực địa.

"Tên gọi của chiến dịch là viên đạn đầu tiên được phát đi, và rất có thể là viên đạn quyết định. Hãy lên nòng và nhắm kỹ vào mục tiêu", ông nói. 

Phương Hà

Bạn có thể quan tâm