Thế giới
Ảnh & Video
Một ngày trải nghiệm cuộc sống khác lạ của tín đồ Hồi giáo
- Thứ hai, 29/9/2014 15:33 (GMT+7)
- 15:33 29/9/2014
Một nữ phóng viên Australia mặc trang phục truyền thống của người Hồi giáo để đi lại ở Sydney, nhưng hầu như chỉ nhận được sự xa lánh, kỳ thị và bị đánh đồng là phần tử nguy hiểm.
|
Tanya Smart, phóng viên tờ Daily Telegraph của Australia, mặc áo choàng đen, trùm khăn kín chỉ để hở đôi mắt, để trải nghiệm một ngày của một người phụ nữ đạo Hồi truyền thống sinh sống tại Australia. Cô kể lại những khó khăn và kỳ thị mà mình gặp phải chỉ vì khoác trên mình bộ quần áo của những người bị đánh đồng là nguy hiểm và bí ẩn. Tanya cho biết mục đích của cô không phải là làm gia tăng thành kiến đối với đạo Hồi, mà hy vọng rằng phóng sự này sẽ chứng minh được rằng trang phục và thành kiến đã gây chia rẽ trong xã hội. |
|
"Có bom ở sau lớp quần áo rườm rà đó không?" là câu hỏi thường gặp nhất mỗi ngày mà một phụ nữ Hồi giáo ở Sydney gặp phải. Khi khoác bộ trang phục này trên người, Tanya cho biết cô không ngờ rằng mình lại khó giao tiếp với những người xung quanh đến vậy. Cô gặp khó khăn khi biểu lộ cảm xúc. "Nó không chỉ che phủ da dẻ, mái tóc, hình dáng của tôi, mà nó còn che đậy cảm xúc của tôi muốn gửi đến thế giới", cô nói. |
|
Nhưng đó không phải tất cả. Cảm giác khó chịu còn tăng lên khi Tanya bắt gặp những cái nhìn lạ lẫm, có khi cả những nụ cười nhưng cô không rõ đó là thân thiện hay thương hại, hoặc là sự giả tạo để che giấu nỗi sợ hãi với những người Hồi giáo. Hành trình của nữ phóng viên bắt đầu từ một nhà ga. "Khi tôi tới đó, tôi biết sự có mặt của mình làm cho những người xung quanh khó chịu. Hai đứa trẻ cười khẩy khi tôi đi qua, trong khi hai người đàn ông lớn tuổi thì dừng lại và nhìn chằm chằm vào tôi", cô kể lại. |
|
Có những người nhổ nước bọt vào Tanya, thậm chí xô đẩy ngay trước mũi tàu. Một số người khác nhìn cô với sự hoài nghi. "Tôi cảm thấy bị căm ghét và hoàn toàn bị tách biệt với cuộc sống xung quanh, rất cô độc và ẩn dật. Tôi ngồi đợi tàu và khi bắt đầu quen dần với thân phận này thì lập tức có một người đàn ông hét lên: 'Đồ bẩn thỉu'. Mọi người bắt đầu nhìn tôi, tôi cảm thấy bị bắt nạt và thật bất công", nữ phóng viên kể. |
|
"Khi tôi đến cửa hàng hoa quả ở Martin Place và mua một túi dâu tây, người bán hàng nhíu mày nhưng khi tôi bắt đầu trò chuyện về các loại dâu thì tôi cảm thấy thoải mái hơn và ông ấy cũng nói chuyện dễ chịu hơn với tôi. Đến một con phố khác, tôi muốn mua kẹo cao su nhưng người bán hàng bỏ qua tôi và bán cho người đến sau. Tôi vội nói rằng tôi là người đến trước. Người phụ nữ đến bên tôi và nói: 'Ok, bạn thân mến' khiến tôi cảm thấy dễ chịu hơn", Tanya kể lại. |
|
Sau đó, Tanya đến Lakemba, vùng ngoại thành Sydney. Ở đây cô cảm thấy dễ chịu hơn. |
|
"Tôi hỏi những cô gái trẻ đạo Hồi tôi gặp trên phố và nhờ mua giúp bộ trang phục truyền thống. Họ đã rất nhiệt tình và giúp tôi chọn đồ. Khi ở đây, tôi không còn cảm thấy bị ruống bỏ nữa", nữ phóng viên nói. |
|
"Tuy nhiên, tôi đã sai. Khi tôi vào một cửa hàng tạp hóa và hỏi mua hamburger thì người bán hàng hỏi tôi có phải người Australia không", Tanya cho biết. |
|
Tanya cũng hỏi chuyện Zahra Hazime, 18 tuổi, một cô gái Hồi giáo thực thụ, và được kể về nhiều câu chuyện khác mà những người phụ nữ đạo Hồi gặp phải. "Khi đi trên đường, bạn nhận được cái nhìn khinh khỉnh của một đứa trẻ, còn người mẹ thì nói: 'Đừng nói chuyện với người đó'. Đó là một cảm giác tồi tệ. Bạn phải học cách phớt lờ những việc đó đi", Hazime nói với Tanya. |
|
"Là những người theo đạo Hồi, chúng tôi cảm thấy thật sự các tôn giáo khác đang quay lưng lại với chúng tôi. Với những gì đang diễn ra, tôi khẳng định Nhà nước Hồi giáo IS chắc chắn không phải là những người Hồi giáo. Chúng chỉ là hoen ố hình ảnh của chúng tôi mà thôi", Hamze nói.
Phóng viên Tanya kết thúc một ngày làm tín đồ Hồi giáo với sự trải nghiệm sâu sắc nhưng không thoát khỏi cảm giác day dứt và thắc mắc làm thế nào để những người theo đạo Hồi chân chính sống được trong một thế giới tự nhận là đa văn hóa, đa sắc tộc và đa tôn giáo ngày nay. |
Phương Hà
Ảnh: Daily Telegraph
đạo Hồi
Australia
IS
nhà nước Hồi giáo
phân biệt
kỳ thị