Bộ Chính trị vừa đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật 2 ủy viên Trung ương đương nhiệm, đó là ông Chu Ngọc Anh (Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH&CN) và ông Nguyễn Thanh Long (Bộ trưởng Y tế).
Tại kỳ họp 15 hồi giữa tháng 5, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật hai cán bộ này, nhưng đến 4/6, sau cuộc họp do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì, Bộ Chính trị chưa đưa ra mức kỷ luật mà đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật.
Kỷ luật cách chức, khai trừ phải báo cáo Trung ương
Quy định 22 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng (ban hành năm 2021) nêu rõ đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả đảng viên bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.
Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xoá tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng”, cũng theo Quy định 22 của Trung ương.
Về hình thức kỷ luật Đảng, Quy định 22 nêu rõ 4 mức với đảng viên chính thức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ.
Theo quy định này, Ban Bí thư, Bộ Chính trị quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả đảng viên là cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý; khiển trách, cảnh cáo Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (kể cả Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị) vi phạm phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, sinh hoạt đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên.
Trường hợp cách chức, khai trừ thì Ban Bí thư, Bộ Chính trị báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
“Ban Chấp hành Trung ương là cấp quyết định kỷ luật cuối cùng; quyết định các hình thức kỷ luật đảng viên, kể cả Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư”, theo Quy định 22.
Như vậy, rất có thể mức kỷ luật dành cho hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long sẽ nặng hơn hình thức cảnh cáo, vì vậy phải chờ Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định.
Trình tự, thủ tục, cách thức bỏ phiếu thi hành kỷ luật trong Quy định 22 nêu rõ sau khi xem xét, kết luận tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật, tổ chức đảng phải bỏ phiếu biểu quyết hình thức kỷ luật bằng phiếu kín.
Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm không thuộc thẩm quyền quyết định kỷ luật của cấp mình thì đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định.
Quyết định kỷ luật hoặc đề nghị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo, cách chức đối với đảng viên; khiển trách, cảnh cáo đối với tổ chức đảng phải được biểu quyết với sự đồng ý của trên một nửa số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó.
Trường hợp khai trừ đảng viên phải được ít nhất hai phần ba số đảng viên chính thức hoặc thành viên của tổ chức đảng đó nhất trí đề nghị và được sự nhất trí của trên một nửa số thành viên tổ chức đảng cấp trên có thẩm quyền quyết định.
Vi phạm của 2 ủy viên Trung ương “nặng hơn một mức”
Theo kết luận của Bộ Chính trị tại cuộc họp hôm 4/6, vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long có nhiều nội dung mới so với kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hồi giữa tháng 5.
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch Hà Nội, nguyên Bộ trưởng KH&CN. Ảnh: Hoàng Hà. |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm của hai cán bộ này là “gây hậu quả nghiêm trọng”, “làm thiệt hại tiền và tài sản của Nhà nước”. Còn theo kết luận của Bộ Chính trị, vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước”. Tức là mức vi phạm của ông Chu Ngọc Anh và ông Long được Bộ Chính trị kết luận nghiêm trọng hơn một mức.
Bộ Chính trị xác định ông Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách Nhà nước.
Vi phạm của hai ông còn ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19; gây bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.
Theo một chuyên gia của Ban Tổ chức Trung ương, lâu nay, nội dung xem xét, quyết định cán bộ diện Trung ương quản lý thường được sắp xếp vào thời điểm tổ chức các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương thường lệ để tiện cho việc triệu tập các ủy viên Trung ương và tổ chức lấy phiếu kín. Nhưng lần này, Bộ Chính trị nhiều khả năng triệu tập ngay một kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương để xem xét, quyết định kỷ luật ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long.
Vị này lý giải thẩm quyền quyết định kỷ luật 2 ủy viên Trung ương đương nhiệm này thuộc về Ban Chấp hành Trung ương, nhưng Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII vừa kết thúc hồi đầu tháng 5, nếu chờ đến Hội nghị Trung ương 6 thì phải chờ đến tháng 10. Như vậy là quá lâu, sẽ không có lợi và tạo ra dư luận xã hội không hay.