Chu kỳ thống trị bóng đá Italy kéo dài 9 năm của Juventus đã đi đến hồi kết. Thất bại của "Bà đầm già" vào mùa giải 2020/21 là hệ quả của những quyết sách sai lầm từ BLĐ, những người tin Juve có thể vươn mình trở thành thế lực tại châu Âu với viên kim cương Cristiano Ronaldo.
Sự sụp đổ
Khi chi 100 triệu euro cho Real Madrid để mang Cristiano Ronaldo về vào mùa hè 2018, Chủ tịch Andrea Agnelli công khai quả quyết CR7 sẽ là vũ khí tối thượng để giúp Juve chinh phục châu Âu. Bianconeri khi ấy thống trị bóng đá Italy 7 năm liên tiếp. Họ cần chức vô địch châu Âu để nâng tầm CLB.
Ronaldo là không đủ để giải quyết những vấn đề của Juventus, ngược lại, chính CR7 mang tới vấn đề cho Juve bởi mức lương khổng lồ. Ảnh: Getty. |
Trước khi mua CR7 nửa năm, Juve thay đổi logo. Phong cách tối giản của bộ nhận diện mới với chỉ một chữ J đánh đấu tham vọng đẩy mạnh giá trị thương mại. Chiêu mộ Ronaldo là chìa khóa hoàn hảo cho mục tiêu đó. CR7 có cả tiếng lẫn miếng, trong khi Juve có tiền. Thời kỳ Antonio Conte ngao ngán chỉ trích ban lãnh đạo (BLĐ) Juve keo kiệt với tuyên bố "Bạn không thể vào nhà hàng 100 euro và gọi món 10 euro" rõ ràng đã qua.
3 năm sau khi Ronaldo tới, Juve vẫn chưa vô địch Champions League, thậm chí vào bán kết cũng không thể. Họ vô địch Serie A hai năm trước khi sa sút thảm hại trong mùa giải này. Ronaldo vẫn chơi tốt khi ghi bàn liên tục, nhưng không thể khỏa lấp các vấn đề lộ ra từ chính anh.
Juve trả 30 triệu euro/mùa sau thuế cho Ronaldo, tức quỹ lương hụt mất 50 triệu euro/mùa. Chi đậm để mua ngôi sao, Juve bị kéo vào cuộc ngã giá về lương bổng.
Sau khi phá vỡ quỹ lương với Ronaldo, Juve tiếp tục thất bại nặng nề trên bàn đàm phán với các thương vụ chiêu mộ miễn phí kèm mức lương khủng như Aaron Ramsey (7,5 triệu euro/mùa) và Adrien Rabiot (7 triệu/mùa).
Cả hai đều không đóng góp gì nhiều cho Juve suốt 2 mùa giải qua, nhưng chiếm phần lương quá lớn, trực tiếp khiến Juve mất đi suất cho những ngôi sao trẻ trung nhận lương ít.
Lautaro Martinez, người ghi 38 bàn cho Inter Milan trong hai mùa qua, nhận lương 2,5 triệu euro/mùa, bằng 1/3 so với những ngôi sao thu nhập cao nhưng ít đóng góp trên sân cỏ của Juve.
Sau mùa 2018/19 và 2019/20 chi đậm để mua người và trả lương cao ngất ngưởng, Juve đành phải quay lại chính sách mua mượn trả góp kèm trả lương thấp ở mùa giải này khi dịch bệnh buộc Juve không thể vung thêm tiền.
Federico Chiesa, Alvaro Morata, Arthur và Dejan Kulusevski đã gia nhập Juve với công thức này. Hiệu quả thể hiện rõ trên sân cỏ khi chỉ Chiesa thể hiện được tầm ảnh hưởng, những người còn lại đều thi đấu dưới kỳ vọng.
Song hình ảnh phản chiếu trọn vẹn nhất cho thất bại kéo từ phòng kế toán tới sân cỏ của Juve là Andrea Pirlo. Nhà cầm quân người Italy nhận lương 1,5 triệu euro/mùa và chưa từng dẫn dắt chuyên nghiệp trước khi nhậm chức vào đầu mùa giải này.
Đánh bạc vào một HLV non kinh nghiệm ở CLB giàu tham vọng như Juve sẽ cho ra kết quả sau: Pirlo là HLV giành điểm số trung bình kém nhất suốt 9 năm qua tại sân Allianz.
Pirlo giống như sinh viên đỗ thủ khoa đầu ra trường đại học, giỏi lý thuyết nhưng chưa có kinh nghiệm làm việc và lập tức bị đặt lên vị trí giám đốc nhận lương bèo ở doanh nghiệp lớn đặt kỳ giữ vững vị trí tăng trưởng số một quốc gia. Thất bại thực tế là điều đã được nhìn thấy từ trước.
Juve cải tổ được hay không?
Gazzetta dello Sport nhấn mạnh Ronaldo đang thất vọng với Juve. CR7 được cho là "nhớ" các đồng đội tại Real Madrid. Song khả năng trở lại Bernabeu của Ronaldo là không thể khi chính sách của đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha không có chỗ cho siêu sao 36 tuổi. Anh chỉ có thể tới Man United hoặc PSG.
Juve cũng chẳng muốn mặn mà giữ chân Ronaldo. Những thông tin từ báo chí Italy cho biết "Bà đầm già" đã duyệt ngày trở lại của Max Allegri. Nhà cầm quân này bị Juve sa thải cuối mùa giải 2018/19 sau khi chỉ giúp Bianconeri vào tứ kết Champions League.
Max Allegri nhiều khả năng trở lại Juventus vào mùa sau. Ảnh: Juventus. |
Allegri được cho là đã để lại tờ giấy nhắn với nội dung "Ronaldo đang cản trở sự phát triển của Juve" trước khi ra đi. Người được cho là trọng tâm trong kế hoạch tái thiết Juve của Allegri lúc này là Paulo Dybala chứ không phải Ronaldo.
Ronaldo không phải cái tên duy nhất có thể ra đi. Bộ sậu lãnh đạo khét tiếng gồm Giám đốc thể thao Fabio Paratici, Phó chủ tịch Pavel Nedved và Chủ tịch Andrea Agnelli cũng nhiều khả năng phải rời khỏi sân Allianz. Paratici và Nedved có mối quan hệ không tốt với Allegri, trong khi việc Agnelli ở lại sẽ khiến danh tiếng của Juve bị hoen ố sau dự án bất thành Super League.
Việc đề ra phương án bao giờ cũng dễ, nhưng thực hiện được hay không lại là câu chuyện không đơn giản. Giả định Juve đẩy được Ronaldo khỏi Allianz, vậy ai sẽ thay thế vai trò của CR7 trong khâu chuyên môn? Morata chưa từng là tiền đạo dội bom, trong khi Dybala phù hợp trong vai trò đá lùi hơn là tiền đạo mũi nhọn.
Có điều gì để nói về Ronaldo tại Juventus, thì trên hết đó phải là hiệu quả. CR7 đã ghi 97 bàn sau 128 trận từ khi gia nhập Bianconeri năm 2018. Không cầu thủ nào tại Juve hay bóng đá Italy chạm tới được số bàn thắng tương tự CR7.
Bỏ đi Ronaldo, Juve coi như vứt đi chân sút luôn đảm bảo trung bình 30 bàn mỗi mùa. Việc thay thế một chân sút hiệu quả như vậy là điều không đơn giản trong bối cảnh dịch bệnh khiến các CLB phải thắt chặt hầu bao như hiện tại.
Hành trình cải tổ Juve trong mùa giải sau vì vậy còn nhiều vấn đề. Mà trước mắt và quan trọng nhất là việc giành vé dự Champions League. Nếu không thể kết thúc mùa giải trong top 4, cuộc cải tổ của Juve khó trở thành sự thật. Và Ronaldo cũng sẽ chẳng luyến tiếc gì khi rời khỏi đội bóng còn chẳng giành được vé dự Champions League.