Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt Nam?

Trước áp lực từ hàng giá rẻ Trung Quốc, sản phẩm Việt cần nhanh chóng cải tiến công nghệ, tối ưu hệ thống logistics và đẩy mạnh quảng bá để nâng cao sức cạnh tranh lâu dài.

Tối ưu về mô hình sản xuất và tận dụng lỗ hổng thuế quan khiến hàng Trung Quốc có giá siêu rẻ. Ảnh: Xuân Sang.

Thời gian qua, "cơn lốc" hàng giá siêu rẻ từ Trung Quốc đổ bộ vào Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử đang đe dọa trực tiếp các doanh nghiệp sản xuất nội địa.

Chia sẻ tại hội thảo "Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử" do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) tổ chức, ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp công nghệ logistics (LTS), cho biết đằng sau mức giá rẻ "bất ngờ” của hàng Trung Quốc là những yếu tố bất lợi cho hàng Việt Nam, từ chi phí sản xuất, thuế quan đến chiến lược phân phối tinh vi mà ít ai ngờ tới.

Hàng Việt "thua thiệt" hàng Trung

Lý giải câu chuyện hàng Trung Quốc rẻ hơn hàng Việt, ông Trung tiết lộ dù sản phẩm Trung Quốc trên sàn TMĐT có giá chỉ vài chục nghìn, nhưng chưa chắc đã bao gồm phí vận chuyển, thậm chí đôi khi nhà sản xuất phải trả khoản phí này. Mấu chốt là giá rẻ nhờ vào việc tối ưu hóa chi phí sản xuất thấp.

hang hoa viet nam anh 1

Ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH giải pháp công nghệ logistics (LTS). Ảnh: BTC.

Bên cạnh đó, khi nhập khẩu vào Việt Nam, sản phẩm được xem là hàng hóa cá nhân chứ chưa chắc đã là hàng buôn bán dẫn đến việc áp thuế nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn. Điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn xảy ra tương tự với các nước khác trên thế giới.

"Như vậy, một sản phẩm Trung Quốc khi đem vào Việt Nam chỉ bị đánh thuế thấp hơn so với các doanh nghiệp Việt Nam phải trả thì đương nhiên là giá sản phẩm Trung Quốc phải rẻ hơn", ông Trung cho biết.

Ông Trung còn chỉ ra rằng nhiều sàn TMĐT bán hàng tại Việt Nam nhưng không trực tiếp, mà qua một đơn vị ủy quyền tại Việt Nam. Ví dụ, các sản phẩm như quần áo, đồ chơi trẻ em từ Trung Quốc thường được nhập khẩu và phân phối qua một công ty Việt Nam, sau đó bán trực tiếp trên nền tảng TMĐT.

"Do đó, giá thật sự khi doanh nghiệp Trung Quốc xuất xưởng là đã có lời rồi. Đôi khi giá thành sản phẩm của họ chỉ chừng 60-70% giá họ bán ở Việt Nam. Đó là lý do tại sao nhiều sản phẩm hàng Trung Quốc có giá siêu rẻ, họ có thể miễn phí luôn cả tiền thuế phí", ông nói.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, việc các nhà sản xuất Trung Quốc dự đoán được xu hướng mua hàng là yếu tố quan trọng để hạ giá thành sản phẩm. Ông lý giải: “Thông qua phân tích dữ liệu từ các sàn TMĐT, người bán hàng có thể biết được thị trường đó đang và sẽ cần mặt hàng nào, từ đó sản xuất và gom sản phẩm từ trước. Khi thắng về mặt số lượng, chi phí theo đó sẽ giảm”.

Từ các yếu tố trên, hàng Trung Quốc không chỉ có lợi thế về mặt giá, mà còn có lợi thế về tốc độ khi khối lượng lớn đơn luôn sẵn sàng ở các kho bãi để vận chuyển cực nhanh, đáp ứng với nhu cầu tăng cao của người tiêu dùng.

Gỡ rối khó khăn

Dù gặp phải khó khăn lớn khi cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ, hàng Việt Nam vẫn có những lợi thế rõ ràng về chất lượng, đặc biệt trong các ngành nông sản, dệt may và tiêu dùng. Tuy nhiên, để có thể đứng vững và phát triển, hàng Việt cần có những giải pháp cụ thể và đồng bộ.

Một trong những yếu tố quan trọng chính là cải tiến quy trình sản xuất và ứng dụng công nghệ hiện đại. Việc áp dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) trong sản xuất và vận hành không chỉ giúp nâng cao chất lượng mà còn giảm thiểu chi phí, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh về giá.

Bên cạnh đó, tối ưu hóa quy trình logistics là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp Việt tăng cường khả năng cạnh tranh. Các giải pháp logistics thông minh, như phát triển hệ sinh thái bền vững và ứng dụng công nghệ giúp kiểm soát và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, từ đó tăng độ tin cậy cho sản phẩm, đồng thời tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Đáng chú ý, thông qua ứng dụng AI trong quá trình bán hàng, doanh nghiệp Việt Nam có thể tiết kiệm được khoản chi phí khổng lồ. Trong đó, sử dụng nhân viên tư vấn và chăm sóc khách hàng AI là một trong những giải pháp mà ông Nguyễn Minh Đức, Phó tổng Thư ký VECOM đề xuất.

Những "nhân viên ảo" này giúp doanh nghiệp giải quyết hiệu quả khối lượng lớn yêu cầu từ khách hàng, như khiếu nại, thắc mắc hay yêu cầu đổi trả, bằng cách sử dụng dữ liệu có sẵn. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả bán hàng mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí liên quan đến nhân sự và các công việc xử lý thủ công.

Một giải pháp đáng chú ý khác là phát triển các phương thức bán hàng linh hoạt, tương tự hệ thống bán hàng của các nhà sản xuất Trung Quốc. Các mô hình bán hàng qua các cửa hàng trực tuyến, bán lẻ đa kênh (omni-channel) hay xây dựng các trung tâm phân phối ở khu vực biên giới sẽ giúp hàng Việt giảm bớt các rào cản về thuế và chi phí vận chuyển. Đồng thời, việc hợp tác với các sàn thương mại điện tử và khai thác mạnh mẽ các kênh marketing số sẽ giúp gia tăng sự hiện diện và nhận diện thương hiệu của hàng Việt trên thị trường quốc tế.

hang hoa viet nam anh 2

Ông Lê Sĩ Dũng khuyên các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhảy vào kinh doanh online. Ảnh: BTC.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt cũng cần chú trọng đến việc xây dựng chiến lược thương hiệu mạnh mẽ. Marketing nội dung, hợp tác với KOLs và influencers là những phương pháp hiệu quả giúp tăng cường sự tin tưởng của người tiêu dùng và tạo dựng lòng trung thành với sản phẩm Việt.

Từ góc nhìn kinh doanh thực tế, ông Lê Sĩ Dũng, chủ shop Shoptido Mỹ phẩm chính hãng, hiện là Shopee KOL Seller - người bán kinh nghiệm của Shopee - tại TP.HCM khuyến cáo: "Chúng ta cần đánh giá xem sản phẩm mình đang kinh doanh có phù hợp với môi trường online hay không, và liệu chi phí có thể cân đối được để đảm bảo lợi nhuận. Nếu không tính toán kỹ, việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử có thể trở thành một sa mạc tử".

Ông cho rằng chỉ nên kinh doanh những sản phẩm có tiềm năng thu hút khách hàng và tối ưu chi phí marketing. Các doanh nghiệp cũng cần có chiến lược linh hoạt, dài hạn để thành công trong thương mại điện tử.

"Thương mại điện tử mang lại nhiều cơ hội, nhưng cũng đặt ra thách thức lớn về chi phí và sự đổi mới. Do đó, các doanh nghiệp cần có chiến lược dài hạn, linh hoạt để đạt được thành công", ông Dũng gợi ý.

Điều quan trọng nhất để nâng cao sức cạnh tranh chính là đẩy mạnh hợp tác với Chính phủ và các cơ quan liên quan nhằm cải thiện quy trình hải quan và giảm thiểu các rào cản pháp lý. Những nỗ lực này không chỉ giúp tăng cường sự lưu thông hàng hóa mà còn tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của thương mại điện tử.

Logistics Việt Nam trước sức ép từ Temu, Shein

Ngành logistics đang đối mặt áp lực từ các nền tảng TMĐT quốc tế. Theo chuyên gia, cải tiến về tốc độ, chi phí và ứng dụng công nghệ là chìa khóa giúp hàng Việt cạnh tranh hiệu quả.

Vì sao phí ship từ Trung Quốc về Việt Nam rẻ hơn cả giao nội địa

Chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm hơn 20% GDP. Những hạn chế về công nghệ hay hạ tầng, cơ sở vật chất khiến ngành logistics trong nước chưa phát triển.

Tôi mua đơn hàng gần 8 triệu đồng với giá 800.000 đồng trên Temu

Một số người tiêu dùng phản ánh chất lượng hàng hóa và vận chuyển của sàn Temu không có gì nổi bật. Nếu không vì mức giá ưu đãi quá hấp dẫn, sàn này khó lấy lòng người dùng.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Cẩm Tú

Bạn có thể quan tâm