Alex Greer, sinh viên ngành hóa học của Đại học Durham, muốn chủ động mắc Covid-19 thay vì vô tình mắc bệnh trong một buổi tụ tập với bạn bè. Đối với nhiều người trẻ tuổi giống như Greer, chuyện cố tình mắc bệnh đang trở nên phổ biến hơn, theo Bloomberg.
Trong thời gian gần đây, hàng nghìn người Anh đã tham gia một cuộc thử nghiệm đặc biệt với mong muốn tìm ra chiến lược chống dịch mới. Cụ thể, việc người dân chủ động mắc Covid-19 sẽ cung cấp thêm cơ hội nghiên cứu cho các nhà khoa học, từ đó rút ngắn thời gian điều chế một loại vaccine an toàn và hiệu quả.
Tấm biển hiệu cổ động tinh thần người dân chống dịch trên đường phố London. Ảnh: Euro News. |
Open Orphan, đơn vị khởi xướng ra cuộc thử nghiệm đặc biệt, đang thuyết phục các tình nguyện viên tiềm năng trên khắp nước Anh. Dù vậy, giới chuyên gia đánh giá dự án nghiên cứu này tiềm ẩn nhiều rủi ro và là “con dao hai lưỡi”.
Một mặt, nó có khả năng tăng tốc việc điều chế vaccine, cung cấp nhiều thông tin và dữ liệu mới mẻ cho các nhà khoa học. Mặt khác, nó cũng khiến sức khỏe của hàng nghìn tình nguyện viên gặp nguy hiểm trong bối cảnh nhân loại chưa tìm ra cách chữa trị Covid-19.
Quyết định mạo hiểm
“Tôi không thể nói dối rằng tôi không lo lắng chút nào. Đến nay, tác động lâu dài của đại dịch vẫn chưa được làm rõ”, anh Alex Greer, 20 tuổi, chia sẻ về quyết định chủ động mắc Covid-19. “Song tôi nghĩ một cuộc thử nghiệm thành công sẽ đáng để tôi mạo hiểm và nhận lấy rủi ro”.
Trái với suy nghĩ tích cực của Greer, nhiều chuyên gia y tế đã đưa ra cảnh báo về cuộc thử nghiệm đầy mạo hiểm này. Chuyên gia sinh học Sheema Shah của Bệnh viện Nhi Lurie thuộc Đại học Northwestern và Chicago, cho biết các bệnh nhân trẻ khỏe có thể gặp biến chứng nghiêm trọng sau nhiều tháng mắc bệnh.
“Tiến hành thử nghiệm như vậy sẽ thật sự vượt qua ranh giới về mặt đạo đức”, bà Shah nhận xét. “Khác với nhiều dịch bệnh trong quá khứ, Covid-19 vẫn là một điều bí ẩn mà chúng ta không hề hiểu rõ”.
Biển hiệu nhắc nhở người dân giãn cách xã hội tại Leicester. Ảnh: Guardian. |
Nhiều tập đoàn dược phẩm hàng đầu như Pfizer hay AstraZeneca đều không có ý định thực hiện dự án mạo hiểm như trên. Các nhà sản xuất vaccine khác như Johnson & Johnson cũng tỏ ra hết sức thận trọng với việc thử nghiệm lâm sàng.
Trong khi đó, Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Mỹ, đối tác hàng đầu của công ty công nghệ sinh học Moderna, đang bắt tay vào sản xuất một chủng virus chuyên dùng trong thử nghiệm, có đặc điểm tương đồng với virus SARS-CoV-2 nhưng an toàn hơn.
Công ty công nghệ sinh học Valvena SE của Pháp cũng đang tiến hành các cuộc thử nghiệm, trong đó tình nguyện viên khỏe mạnh sẽ chủ động phơi nhiễm virus SARS-CoV-2.
Giám đốc công ty, ông Thomas Lingelbach, chia sẻ: “Chúng tôi chỉ thực hiện thử nghiệm nếu các thông số và dữ liệu y tế đảm bảo tính minh bạch cũng như đảm bảo sự an toàn cho tình nguyện viên”.
Ý tưởng làm “chuột bạch”
Ý tưởng chủ động mắc Covid-19 đang dần trở nên phổ biến trong cộng đồng. 1DaySooner, tổ chức chuyên ủng hộ các tình nguyện viên muốn làm “chuột bạch” mắc Covid-19, đã tiếp nhận hơn 38.000 đơn đăng ký.
“Tôi chắc chắn các cuộc thử nghiệm mạo hiểm sẽ diễn ra”, ông Robin Shattock, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hoàng gia London, cho biết. “Vấn đề ở đây là các cuộc thử nghiệm sẽ đạt mục tiêu đã đề ra hay làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.
Trên thực tế, giới khoa học đã tiến hành thử nghiệm trên cơ thể người suốt nhiều thế kỷ. Dù vậy, những quy chuẩn về mặt đạo đức và tính an toàn mới chỉ được áp dụng trong khoảng 50 năm gần đây. Nhìn chung, thử nghiệm lâm sàng thường là phương pháp hữu hiệu, giúp phát triển thành công các loại vaccine chống lại dịch bệnh như dịch tả, sốt rét hay thương hàn.
Trong nhiều thập kỷ qua, lịch sử thế giới không ghi nhận trường hợp tử vong nào vì thử nghiệm lâm sàng. Các nghiên cứu trên cơ thể người thường đáp ứng nhiều quy chuẩn đạo đức, tiêu chí an toàn, đồng thời nhận được sự đồng thuận từ hàng chục nghìn tình nguyện viên.
Tính đến ngày 13/10, Anh ghi nhận 617.688 ca mắc và 42.875 ca tử vong vì Covid-19. Ảnh: AP. |
Chuyên gia Shah từ Đại học Nortwestern và Chicago nhận định thử nghiệm lâm sàng đóng vai trò quan trọng trong giai đoạn các nhà khoa học đang nỗ lực điều chế loại vaccine chống Covid-19 đầu tiên. “Bằng thử nghiệm trên cơ thể người, các chuyên gia có thể nghiên cứu đối chiếu, từ đó phát triển phương án tối ưu nhất nhằm giải quyết dịch bệnh”, bà Shah chia sẻ.
Dù vậy, chuyên gia này nghi ngại khả năng tạo ra “điểm khác biệt” trong công cuộc điều chế vaccine vốn đang gặp nhiều khó khăn. Ở thời điểm hiện tại, khi các lựa chọn vaccine vẫn còn đang hạn chế, bà Shah đặt ra câu hỏi rằng “việc mạo hiểm sức khỏe của nhiều người có chính đáng hay không”.
Vương quốc Anh vẫn phải đối mặt nhiều rào cản từ các cơ quan quản lý và một ủy ban đạo đức độc lập trước khi thực hiện bất kỳ kế hoạch thử nghiệm lâm sàng nào trên diện rộng. Tính đến ngày 13/10, Anh ghi nhận 617.688 ca mắc và 42.875 ca tử vong vì Covid-19, dẫn số liệu từ Worldometers.