Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vì sao hàng không Việt Nam thường xuyên chậm, hủy chuyến?

Thiếu văn minh hàng không, không đủ trang thiết bị hoặc quá tải trong giờ cao điểm là nguyên nhân khiến tình trạng chậm hủy chuyến ở hàng không Việt Nam chưa được cải thiện nhiều.

Trong buổi tọa đàm "Quyền lợi khách hàng và giải pháp giám chậm, hủy chuyến bay" do báo Giao thông vận tải tổ chức chiều nay, nhiều chuyên gia, lãnh đạo ngành hàng không và Bộ Giao thông vận tải đã mổ xẻ nguyên nhân khiến tình trạng chậm hủy chuyến gây bức xúc trong dư luận thời gian qua. Ông Phạm Văn Hảo, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, có nhiều lý do dẫn đến việc chậm hủy chuyến liên quan đến hệ thống đường lăn, nhà ga...

"Một trong lý do dẫn đến chậm, hủy chuyến, tôi thiết nghĩ không phải do ách tắc tại cảng mà chỉ ở một số giờ cao điểm, có nhiều chuyến bay đi và đến. Vì thế để giải quyết vấn đề, các hãng hàng không không nên vượt ngưỡng khai thác mà Cục đã quy định, tránh xảy ra nhiều vấn đề về sân đỗ, đường lăn, cần có lịch bay phù hợp với khả năng khai thác của cảng hàng không. Ngoài ra, có một số dịch vụ mà các hãng hàng không tự trang bị để giảm chi phí như xe thang... dẫn đến tình trạng như ở Vinh, Cát Bi chỉ có 2 xe thang làm thiếu trang thiết bị, làm giảm chất lượng dịch vụ. Thực ra, ACV rất muốn đầu tư các dịch vụ này, nhưng khi các hãng hàng không đã tự có trang thiết bị phục vụ mình thì chúng tôi đầu tư phục vụ ai?", ông Hảo cho hay.

Khách hàng có thể yêu cầu hãng bay bồi thường thiện chí khi xảy ra tình trạng hoãn, hủy chuyến.
Khách hàng có thể yêu cầu hãng bay bồi thường khi xảy ra tình trạng hoãn, hủy chuyến.

Trong khi đó, nhà báo Lê Thanh Phong cho rằng, với hạ tầng hàng không Việt Nam hiện nay, yêu cầu 95% chuyến bay đúng chuyến là khó khả thi, bởi cả hệ thống hiện chưa tương thích với sự tăng trưởng của lượng hành khách, dễ dẫn đến quá tải, ách tắc.

"Tôi tin rằng không hãng máy bay nào muốn mình bị hoãn, bởi chính các hãng sẽ bị thiệt hại nhiều nhất khi chậm chuyến. Do đó, các hãng cần đảm bảo mọi điều kiện, dây chuyền vận hành chuyến bay phải đảm bảo trơn tru", ông Phong khẳng định.

Nhà báo này cũng cho rằng việc xây dựng một văn minh hàng không từ nhà quản lý, hãng máy bay và khách hàng là điều cần thiết để hình ảnh hàng không Việt được cải thiện nhanh chóng. "Như chuyến tôi bay từ Hải Phòng, cả chuyến bay phải đợi gần 30 phút vì 2 cô gái đi chơi lang thang. Trên chuyến bay của Vietjet Air vừa đây, có hành khách xin về nhà vì có việc sau khi đã xuống máy bay, dẫn đến nhân viên hãng phải dắt cô gái ra khỏi máy bay, lấy hành lý. Hay sáng nay, một phụ nữ cãi nhau với nhân viên máy bay suốt hàng chục phút chỉ vì không đồng nhất về một kg hành lý…"

Chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam cũng nhận định, cách hiểu của người dân là hàng không phải đúng giờ vì tôi, đã bỏ ra nhiều tiền là không chính xác. "Sau đợt công khai về việc chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không, dư luận rất bức xúc. Sau đó, các đồng nghiệp của tôi thì nói rằng thế này thì nghỉ thôi vì số lượng tin nhắn chửi bới, dọa dẫm gửi tới rất nhiều, ngay cả cấp phó tổng hãng hàng không cũng chịu không ít. Ở đây rất cần truyền thông cân đối để làm sao có cách hiểu văn minh về giao thông hàng không mà không tuyệt đối hóa đã là hàng không là phải đúng giờ. Thực tế, ngay cả Vinasat cũng phải hoãn thời gian phóng vì lý do thời tiết", ông Nam nói.

Theo các chuyên gia trong ngành, hãng hàng không có nghĩa vụ với khách hàng, nhưng khách hàng cũng phải có nghĩa vụ với hãng hàng không. Do đó, để giải quyết vấn đề chậm chuyến bay cần có sự truyền thông tới các hành khách đi máy bay để họ không quá bức xúc, mất bình tĩnh dẫn đến mất kiểm soát ở sân bay.

"Hứa 95% chuyến bay đúng giờ là con số không thực tế"

Phó tổng giám đốc Vietjet Air, ông Nguyễn Đức Tâm, cho hay, con số 95% chuyến bay đúng giờ là một thông tin do một lãnh đạo hãng đưa ra, đại diện này của hãng đã hiểu sai, bởi đấy là con số không thực tế.

"Con số ấy phải là siêu sao mới thực hiện được. Nếu không làm rõ cái này thì sau này nếu không thực hiện được, lại bị dư luận lên án. Tôi muốn trở lại vấn đề tỷ lệ chậm, hủy chuyến. Chúng ta đã đánh giá được hết chưa. Những con số này chỉ ở chỗ xuất cánh, còn hạ cánh thì không biết được.

Việc chậm trễ cho các chuyến bay có các đoạn: xuất cánh – ra sân bay – hạ cánh – lăn vào. Cái đó không ai chịu trách nhiệm. Lúc đó chỉ nghe một câu xin lỗi máy bay đến muộn. Khi đó, chỉ có hãng chịu trách nhiệm còn những cơ quan, đơn vị khác lại không.

Chúng tôi vẫn đặt ra các chỉ tiêu để phấn đấu nhưng không phải 95%. Nếu 95% là do lỗi của hãng gây ra thì hợp lý, tức là 95% của nội lực của hãng thì có thể giảm được"


T.A

Bạn có thể quan tâm